Người thân cô dâu Việt bị từ chối visa đến New Zealand dự lễ cưới
Cô dâu Việt Nam không thể đón được người thân sang dự đám cưới, đồng thời đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khỏi New Zealand.
00:27 14/10/2017
Pham Thu Thuong Nguyen và chồng sắp cưới Kirk Robertson. Ảnh: Stuff.
Pham Thu Thuong Nguyen sẽ làm đám cưới với Kirk Robertson, một công dân New Zealand, vào ngày 14/10 tại nhà thờ Sacred Heart, thị trấn nhỏ Oxford, vùng North Canterbury mà không có người thân bên cạnh, Press đưa tin.
Mẹ của Nguyen cùng hai chị gái, anh rể và một người cô đã bị từ chối cấp thị thực du lịch ngắn hạn ở New Zealand. Theo bà Sarah Clifford, cán bộ quản lý tại cơ quan di trú New Zealand, cơ quan này từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho người nhà của Nguyen "dựa trên những cơ sở xác đáng" cho thấy "có ít động cơ thúc đẩy họ quay trở về nước".
"Cả 5 người đều chưa từng đi nước ngoài. Theo khai báo, họ không có việc làm ổn định hoặc đang tự kinh doanh ở đồng thời chỉ trình ra được ít bằng chứng chứng minh tài chính cá nhân hoặc các khoản tiết kiệm", bà Clifford nói.
Chồng sắp cưới của Nguyen gọi hành động này của cơ quan quản lý di trú New Zealand là "đáng kinh tởm và đầy hận thù".
"Cô ấy rất buồn sau khi nghe tin gia đình sẽ không sang đây", Robertson nói. "Cô ấy chỉ kết hôn có một lần trong đời thôi. Nhưng chỉ vì những rắc rối hành chính mà họ tước đi của cô ấy cơ hội có người thân bên cạnh khi kết hôn. Điều này thật tàn nhẫn và ác độc".
Không những phải làm đám cưới thiếu vắng người thân bên cạnh, cô Nguyen còn đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Tháng trước, cơ quan di trú thông báo cô có 42 ngày để rời khỏi New Zealand sau khi từ chối đơn xin thị thực làm việc một năm của cô.
Theo các cán bộ di trú, cô Nguyen và chồng sắp cưới Robertson không chứng minh được mối quan hệ yêu đương giữa hai người, dù gia đình và bạn bè của Robertson đã nộp hơn 100 trang lời khai làm chứng.
Robertson cho biết hai người yêu nhau từ năm 2016. Họ bắt đầu sống chung vào tháng 12 năm ngoái sau khi Robertson từ Australia về nước để chăm sóc cha đang ốm nặng và quản lý việc làm ăn của gia đình khi mẹ của anh vừa qua đời.
Do sống với cha, anh Robertson nói anh và vợ sắp cưới không có hợp đồng thuê nhà và không đứng tên các hóa đơn thanh toán điện nước. Trong khi đó, cơ quan di trú cần những giấy tờ này để chứng minh hai người thực sự sống với nhau.
"Điều nực cười là tuần này, 100 năm trước đây, ông nội tôi tham gia chiến đấu trong trận chiến Passchendaele và đấu tranh vì nền tự do của New Zealand. Ngày nay, một vài cán bộ di trú nói rằng cháu trai của ông ấy không đáng tin", Robertson nói.
Trận Passchendaele vào tháng 7/1917 ở thành phố Ypres của Bỉ giữa quân đội các nước bao gồm Anh, Canada, Australia và New Zealand chống lại Đức, được coi là một trong những trận chiến khốc liệt nhất trong Thế chiến I.
"Đáng nhẽ ra đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời chúng tôi và họ đang phủ nỗi ám ảnh bị trục xuất lên đầu cô ấy", Robertson nhấn mạnh.
Ông Angus Robertson, cha của Robertson, người đã đích thân bảo lãnh từng người nhà của cô Nguyen, cho rằng quyết định của cơ quan di trú khiến ông cảm thấy bị xúc phạm.
"Họ muốn tôi chịu trách nhiệm (bảo lãnh), sau đó họ thay đổi 180 độ và nói 'Chúng tôi không thể để những người này nhập cảnh bởi vì chúng tôi cho rằng họ sẽ ở lại và làm việc tại đây'. Điều đó có nghĩa là họ ám chỉ rằng tôi là loại lừa đảo", ông Angus Robertson nói.
"Họ sẽ không ở lại, họ chỉ muốn sang đây dự đám cưới rồi quay trở về nhà thôi", cụ ông 77 tuổi khẳng định và cho biết ông sẵn sàng chi trả mọi chi phí đi lại cho người nhà của con dâu tương lai. "Tôi đóng thuế đầy đủ. Họ là người phục vụ dân. Đáng nhẽ ra họ phải làm công việc của họ một cách tử tế. Nhưng họ đã không làm vậy. Chính việc này khiến tôi bực phát điên".
Cô Nguyen và chồng tương lai đã nộp đơn lên cấp chính quyền cao hơn để nhờ can thiệp. Trong lúc chờ phản hồi của chính phủ, cơ quan di trú New Zealand hứa sẽ không có hành động nào.
Canh bạc hôn nhân giữa cô dâu Việt và chồng Hàn
Hôn nhân qua môi giới giữa phụ nữ Việt và đàn ông Hàn Quốc được ví như canh bạc.