Người Việt đi xe, lên phà 14 giờ để tháo chạy khỏi núi lửa Bali

Một phụ nữ Hà Nội thoát khỏi đảo Bali, nơi núi lửa đang phun tro bụi, sau hành trình dài 14 giờ, trong khi một người phụ nữ khác trong đoàn kẹt lại tại sân bay.

07:16 29/11/2017

Chị Hương và chị Bích (trái) trong đoàn dự họp mặt trên đảo Bali, Indonesia. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Hương và chị Bích (trái) trong đoàn dự họp mặt trên đảo Bali, Indonesia. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Nguyễn Thị Minh Hương và chị Nguyễn Thị Ngọc Bích hôm 24/11 từ Hà Nội đến đảo Bali dự buổi gặp mặt thường niên của một tổ chức quốc tế tại thành phố Lovina ở phía bắc hòn đảo. 

Khi VnExpress liên lạc với cả hai chị hôm nay, chị Hương thở phào vì vừa đáp máy bay xuống thủ đô Jakarta, trong khi chị Bích thấp thỏm, gia đình lo lắng vì chị kẹt tại sân bay quốc tế Ngurah Rai, tại thành phố Denpasar, đảo Bali từ hôm qua. 

Đoàn hội viên gồm những người Pháp, Ấn Độ, Đài Loan, Indonesia và hai người Việt NamChiều qua, sau khi biết sân bay Ngurah Rai đóng cửa, các chuyến bay bị hủy, 7 thành viên đoàn quyết định thuê xe để rời Bali. 

Vì có cuộc họp quan trọng tại Jakarta, chị Hương lên chuyến xe đêm để tới sân bay quốc tế Juanda, thành phố Surabaya, đảo Java, còn chị Bích đổi vé chờ chuyến bay thẳng từ Bali về Hà Nội vào hôm sau.

Hành trình rời Bali của chị Hương kéo dài khoảng 14 giờ, gồm chặng đường bộ từ Denpasar, một chuyến phà đường biển, và một chặng nữa để tới sân bay quốc tế Juanda. Dù trải qua hành trình dài trên cả đường bộ, đường thủy và đường không, chị Hương nhận định đây là quyết định đúng đắn. "Tất cả những người đi ra khỏi đảo Bali đều thoát được và đã về nhà. Trong khi những người bạn ở lại Bali chưa bay đi đâu được, nói chung là ứ đọng", chị cho biết. 

Hành trình của chị Hương tại bến phà Ketalang, đảo Java. Ảnh:

Hành trình trong đêm của chị Hương đi qua bến phà Ketalang, đảo Java. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Sân bay Ngurah Rai hôm nay tiếp tục đóng cửa ngày thứ hai do ảnh hưởng của tro bụi từ Agung, ngọn núi lửa nằm cách sân bay khoảng 60 km. Tro bụi núi lửa bốc cao hơn 3.000 m trên bầu trời gây nguy hiểm cho các phi cơ bởi động cơ máy bay có thể không xử lý được mảnh tro từ núi lửa. Ít nhất 445 chuyến bay bị hủy do núi lửa phun trào, ảnh hưởng đến kế hoạch di chuyển của khoảng 89.000 hành khách.

Khoảng 2.600 chuyến bay quốc tế đi và đến sân bay này mỗi tuần, theo Trung tâm hàng không CAPA. 

Nói về tình trạng hiện nay tại sân bay Ngurah Rai, chị Bích cho biết mọi người đang túc trực ở sân bay để lo chuyến bay về sớm nhất. "Ở đây rất ồn ào nhưng không hỗn loạn. Họ tổ chức dịch vụ khá ổn, có nước và đồ ăn miễn phí cho khách. Nhân viên hãng hàng không rất nhiệt tình tìm giải pháp cho hành khách".

Chị Hương thì cho rằng sân bay quá đông, ùn tắc từng đoàn ở quầy thông tin do việc đổi, hoàn trả vé, nhưng mọi người vẫn bình tĩnh, "vì là núi lửa, không phải khủng bố". Một người bạn Indonesia có chuyến bay lúc 7h30 sáng qua, đã ngồi trên máy bay nhưng cuối cùng phi cơ không cất cánh được, phải đi xuống. 

Chị Bích thuê một phòng khách sạn gần sân bay từ hôm qua và dự định đi xe buýt theo hành trình tương tự chị Hương nếu sân bay tiếp tục đóng cửa ngày mai. Sân bay thông báo dự kiến đóng cửa đến 7h sáng mai, tuy nhiên, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia hôm nay cho biết nơi này khó có thể sớm hoạt động trở lại.

Sân bay Juanda trên đảo Java, Indonesia. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sân bay Juanda trên đảo Java, Indonesia. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khoảng 40 người Việt, thuộc 11 nhóm khác nhau, đang tìm cách đi ra khỏi Bali, ông Hoàng Anh Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, nói.

Đại sứ cho biết việc hỗ trợ công dân ở Bali gặp khó khăn do chưa có thông tin đầy đủ về số lượng còn mắc kẹt, trong khi số người nước ngoài nói chung cần giải cứu lớn. Bên cạnh đó núi lửa đang diễn biến phức tạp và khoảng cách giữa Đại sứ quán ở Jakarta và Bali khá xa, khoảng 2.000 km. Đại sứ quán một lần nữa gửi cảnh báo đến các du khách bị kẹt tại sân bay "khẩn trương tìm cách rời khỏi Bali càng sớm càng tốt". 

Vị trí núi lửa Agung và sân bay

Vị trí núi lửa Agung và sân bay quốc tế Ngurah Rai (tên gọi khác: sân bay quốc tế Denpasar). Đồ họa: BBC.

Tags:
Ăn theo 'kiểu Tây' người Việt đang khổ vì bệnh tật

Ăn theo "kiểu Tây" người Việt đang khổ vì bệnh tật

Năm 2002, Báo cáo sức khỏe toàn cầu đã chỉ ra những bằng chứng khoa học và nhấn mạnh rằng chế độ ăn không lành mạnh, lười hoạt động và việc sử dụng thuốc lá là những yếu tố nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất