Làm nail và giữ trẻ, kiếm tiền tỷ mỗi năm
Đến thăm nhiều gia đình quen biết ở các bang trên nước Mỹ, phần nhiều trong số học đều có vợ, chồng hoặc con cái làm nghề nail, tức nghề làm móng tay, móng chân.
20:30 30/11/2020
Nghề nail thịnh hành đến nỗi mỗi bang đều có nghiệp đoàn, hiệp hội riêng và có hẳn một website chuyên ngành trên toàn liên bang. Theo tạp chí Nail Magazine của Mỹ, đến thập niên đầu của thế kỷ này đã có gần 400 ngàn người Việt được cấp bằng kỹ thuật viên làm nghề nail, chiếm hơn 40% nhân lực làm trong nghề này ở Mỹ và sở hữu trên 70 ngàn cửa tiệm. Riêng tiểu bang Florida đã có trên 1.100 tiệm nail do người Việt sở hữu và đăng ký tuy tại đây chỉ có khoảng hơn 55 ngàn người gốc Việt sinh sống, chiếm 1,5% tổng số người nhập cư ở bang này. Còn tại các thành phố như Houston, Austin, Dallas… của bang Texas, nơi tôi có nhiều gia đình quen biết, đã có hơn 5.000 tiệm nail với 25.000 nhân viên đang hành nghề.
Một tiệm nail của người Việt ở Pensacola.
Ở các bang phía bắc như New York, Massachuset, Maryland, Geargia, Philadelphia… nơi có nhiều người Hoa cư trú, gần đây các tiệm nail của họ mọc lên và cạnh tranh quyết liệt, với giá cả chỉ bằng một nửa và kiêm cả hoạt động spa để chiêu dụ khách… Cạnh tranh gay gắt khiến thu nhập của các nhân viên làm nail giảm đi chỉ bằng 60% so với chục năm trước; nhiều chủ tiệm tiếng Anh lưu loát, cả vợ chồng đều phải kiêm luôn kỹ thuật viên, nhưng tỉ lệ ăn chia với thợ cũng phải nâng lên 60%...
Tuy vậy, cho đến năm 2008 khi tờ báo Los Angeles đăng tải một bài báo về nữ minh tinh điện ảnh Hollywood, Tippy Hedren, mẹ của nữ diễn viên nổi tiếng Griffit. Bài báo cho hay, từ năm 1975, bà Hedren tới thăm trại tị nạn Hope Village ở Sacramento, bang California và nghĩ đến chuyện đào tạo nghề này cho 20 phụ nữ Việt đầu tiên. Hedren đã đưa người thợ làm móng của bà tới trại tị nạn này mỗi tuần một lần để dạy nghề và nhờ một trường dạy nghề khác giúp họ tìm việc làm…
Trong một hiệu cắt tóc và làm nail do người VIệt làm chủ.
Trong lúc đó, nghề trông trẻ (baby sitting) lại rất thịnh hành trong các cộng đồng người Việt và thu hút được những phụ nữ trên 50 - 60 tuổi. Mỗi nguời trông trẻ ở Houston hoặc Florida chẳng hạn có thể kiếm được 25USD/ngày khi nhận trông một đứa trẻ ở nhà.
Chị N. chạy xe chở chúng tôi ở thành phố Dallas cho biết, chị trông trẻ cho một gia đình người Mỹ 5 tiếng mỗi ngày cũng kiếm được 100USD. Chị N. năm nay 60 tuổi nguyên là sinh viên đại học khoa học những năm 1970 ở Sài Gòn, được bảo lãnh sang Mỹ cách đây 12 năm, cả hai vợ chồng chị làm đủ thứ nghề khác nhau, từ bán thuốc tây đến phụ bếp, lái xe chở khách du lịch và kiêm nghề giữ trẻ mới đủ tiền lo cho hai đứa con ăn học. Vừa lái xe chạy đến 6 - 70 dặm/giờ, chị N. kể: “Có nhiều hình thức giữ trẻ: mình có thể ở nhà, mỗi sáng sớm trên đường đi làm việc, phụ huynh chở con đến cho mình giữ, chiều tối đi làm việc về, họ ghé để chở con về. Mình cũng có thể đến nhà người ta, ở lại giữ trẻ 8 tiếng mỗi ngày, chiều trả con cho chủ trở về nhà mình. Cũng có trường hợp mình đến ở lại nhà của người cần giữ trẻ, từ thứ hai đến thứ sáu mỗi tuần”. Trường hợp có được chỗ giữ trẻ mỗi ngày một buổi như chị là hiếm hơn. Mỗi cách có một giá cả riêng... Trường hợp nhà giàu có còn dành cho người giữ trẻ phòng ở riêng và làm việc tháng, được ưu đãi như người giúp việc trong nhà.
Anh T. ở Walton Beach có vợ làm nail, hàng ngày phải gởi con cho một phụ nữ Việt với giá 25USD mỗi ngày. Đó là một phụ nữ Việt lớn tuổi, hàng ngày nhận giữ 5 trẻ tại nhà con mình. T. kể: “Gởi ở cơ sở có giấy phép tuy giá cả thấp hơn nhưng phải đưa con đến và đón con về đúng giờ. Còn gởi chỗ quen, có thể đón con muộn nếu gặp hôm có việc đột xuất…”
Nhiều trường hợp ở San Jose hoặc Grove Garden thuộc bang Cali, bạn bè tôi cho biết có các chị lớn tuổi được bảo lãnh sang thăm gia đình 6 tháng, đã đi làm phụ nhà hàng hoặc giữ trẻ. Sau thời gian đó, có thể tiết kiệm được cả chục ngàn USD mang về phụ giúp gia đình ở Việt Nam. “Thật là một công đôi việc!”, bạn tôi kể. Tuy vậy, cũng có nhiều bà nội, bà ngoại được con dâu bảo lãnh sang Mỹ du lịch phải kiêm luôn nghề baby sitting, trông giữ cháu nội cháu ngoại từ 6 tháng đến một năm mà tiền lương do con, dâu ưng trả bao nhiêu tùy ý! Lại có trường hợp ngay cả những nữ sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, nhận được chân giữ trẻ cho những gia đình giàu có, cũng đã là hạnh phúc!
Trở lại với nghề làm nail. Riêng tại bang Florida hoặc Texas mà các bạn tôi sinh sống, đã có nhiều người trước đây làm chủ vài ba tiệm, nay cạnh tranh ngày càng mạnh nên thu nhập giảm, giá thuê mặt bằng cao, thợ lại càng khó kiếm, thành ra chỉ giữ lại một tiệm 5-6 ghế cho vài người thợ và người nhà mình làm… Nhiều tiệm mà tôi ghé chơi trên đường từ Walton về Pensacola đang ế khách, chủ và thợ cùng ngồi xem TV. Một phần mặt bằng tách ra cho thuê làm hiệu hớt tóc…
Nói đến việc khan hiếm thợ làm nail, hiện trên website của ngành này toàn nước Mỹ, ngày nào cũng đưa những thông tin tuyển thợ dày đặc với các chế độ ưu đãi. Nhiều người vừa được bảo lãnh tới Mỹ hoặc du lịch thăm thân nhân chỉ cần bỏ ra một tháng học và “chung chi” thêm khoảng 600USD cũng sẽ có được bằng hành nghề ngay. “Trong lúc quy định phải học đến 32 tuần mới được cấp bằng. Nhưng người mình đi đâu cũng có thể luồn lách được” - anh bạn tôi kể.
Nhìn chung, người Việt rất chịu khó, khéo tay nên nghề làm nail và trông trẻ, tuy mỗi ngày có thể làm trên 10 - 12 giờ, giúp họ cơ hội việc làm và có thu nhập nhanh, cộng với tiền boa của khách, lại không phải chịu thuế nên kinh tế ổn định và gửi về cho thân nhân ở quê nhà… Các tiệm nail của người Việt giờ đây còn chen chân được vào hệ thống siêu thị Walmart, với cả ngàn tiệm hoạt động tại hệ thống cửa hàng khổng lồ này. Theo một đồng nghiệp của tôi ở Mỹ, thu nhập trung bình của người làm nail khoảng 10USD/giờ; thu nhập trung bình của người làm nail từ 25.000 - 30.000USD, có người lên đến 60.000USD/năm. Sự có mặt của người Việt trong nghề nail góp phần thay đổi diện mạo của ngành dịch vụ này cũng như làm thay đổi thói quen của nhiều người Mỹ, góp phần làm phong phú ngành dịch vụ thẩm mỹ trị giá hơn 33 tỷ USD ở nước này, trong đó nghề nail chiếm 7 tỷ USD…
Điều vui mừng là đa số những người Việt thế hệ thứ nhất sống bằng nghề nail mà tôi biết, nay đều có con cái học hành giỏi giang với việc làm ổn định và hội nhập nhanh vào xã hội trung lưu của người Mỹ… Có nhiều em trở đã thành các bác sĩ, luật sư, dược sĩ thành đạt nhờ vào đôi bàn tay khéo léo và sự cần cù của cha mẹ.
Vì vậy nếu bạn sang Mỹ chơi, chớ trách là bạn bè hoặc thân nhân mình thường vắng nhà hoặc không đưa bạn đi chơi đây đó. Vòng xoay áo cơm trên đất cờ hoa thật chẳng dễ dàng…
Chuyên gia y tế Mỹ lo ngại sâu sắc về diễn biến dịch COVID-19 sau Lễ Tạ ơn
Giới chuyên gia y tế lo ngại Mỹ đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba.