Nhà thám hiểm Anh giả làm người vô gia cư trong 60 ngày và rút ra bài học
Anh Ed cũng nói rằng mặc dù thực tế là anh đã tìm thấy một số người bạn tốt trên đường phố London, nhưng anh sẽ không bao giờ đưa tiền cho người ăn xin dù thật hay giả nữa. Còn bạn thì sao?
06:30 23/12/2020
Ed Stafford là một nhà thám hiểm, một nhà khám phá và cựu đội trưởng của Quân đội Anh. Để ghi hình cho dự án phim tài liệu truyền hình ‘60 Days on the Streets’ của kênh Channel 4, anh đã phải rời xa vợ con cùng mái nhà ấm cúng trong 2 tháng, trở thành một người vô gia cư “thực thụ”.
Trong cuộc sống của mình, Ed Stafford đã làm được rất nhiều điều phi thường. Anh từng được ghi danh vào Sách kỷ lục Guinness năm 2012 với danh hiệu người đàn ông đầu tiên đi bộ qua suốt chiều dài sông Amazon (khoảng 4.000 dặm). Khi quay phim cho dự án Discovery Channel, Ed phải sống trên đảo hoang Orolua trong điều kiện không thức ăn, nước uống, quần áo hay dụng cụ trong 60 ngày. Nhưng sau tất cả, đối với anh, trải nghiệm làm người vô gia cư là căng thẳng và đáng sợ nhất.
Giữa mùa đông giá rét, anh phải sống trên đường phố như một người vô gia cư thực thụ: không thức ăn, không tiền bạc, không nơi ngủ cố định.
Vấn nạn vô gia cư không chỉ tồn tại ở các quốc gia đang phát triển. Theo một nghiên cứu năm 2018, Vương quốc Anh có 320.000 người không có nhà ở, tức là cứ 200 người thì có một người như vậy. Hơn một nửa trong số này sống ở London và nhiều người là cựu quân nhân.
60 ngày làm người vô gia cư
Ed Stafford đã 43 tuổi nhưng anh vẫn quyết định sống trên đường phố London, Manchester, và Glasgow trong 60 ngày để tìm hiểu lý do tại sao con người ta lại rơi vào cảnh vô gia cư.
Về mặt tài chính, anh Ed nghĩ rằng cuộc sống của một người đàn ông vô gia cư có nhiều lợi nhuận hơn. Chỉ trong một đêm, anh có thể kiếm được từ 100-200 bảng Anh, nhiều hơn mức trung bình mà người London kiếm được với công việc bình thường.
Về ăn uống, rất nhiều tình nguyện viên phát bánh mì kẹp thịt và thức ăn nhanh miễn phí cho người vô gia cư, và số lượng thức ăn nhiều hơn những người thực sự cần.
Ví dụ như ở Glasgow, anh Ed đếm thấy 26 tình nguyện viên phát đồ ăn nhưng chỉ có 2 người đàn ông vô gia cư. Một trong những người lang thang còn phàn nàn rằng anh ta phải ăn quá nhiều. Ban đầu anh Ed nghĩ rằng mình sẽ bị chết đói và sụt cân, nhưng thực tế cho thấy anh ăn quá nhiều nên đã đã tăng 5 kg trong suốt 60 ngày của dự án. Các cuộc kiểm tra sau đó cho biết anh sẽ mắc bệnh về tim nếu tiếp tục ăn uống như vậy.
Tuy được cung cấp thức ăn miễn phí, anh Ed vẫn đánh liều ăn thử salad vứt trong thùng rác. Thật không may, anh không thể thưởng thức bữa trưa này vì có một miếng kẹo cao su đã nhai lẫn trong đó.
Ngoài ra, thỉnh thoảng anh Ed phải tắm bằng nước từ bồn toilet. Anh chỉ có thể cởi quần áo và cọ rửa trong nhà vệ sinh công cộng.
Nhiều người ăn xin giả trên đường phố
Về nơi ở, anh Ed từng nghĩ rằng không ai muốn ngủ trong tiết trời lạnh cóng cả. Thực tế thì nhiều người vô gia cư lại chọn ngủ ngoài đường thay vì những chỗ ở dựng tạm thời cho họ. Một trong những người ăn xin có thể kiếm được 20 bảng Anh trong khoảng 20 phút bằng cách nói rằng anh ta cần tiền để chi trả cho chỗ ở. Nhưng sau đó anh ta sẽ tiêu hết tiền vào ma túy.
Và thật ngạc nhiên, anh Ed không phải là người duy nhất giả làm ăn xin. Một số người có nhà riêng nhưng vẫn cố tình ngồi trên phố. Họ kiếm sống bằng cách xin tiền người khác, nhưng rồi lại tiêu vào ma túy và rượu. Darren – một trong những người ăn xin giả, nói rằng anh ta có thể kiếm được tới 600 bảng Anh mỗi đêm bằng cách xin tiền từ những người đi nhậu say xỉn. Nhưng thường thì sau khi kiếm được 100 bảng, Darren sẽ về nhà ăn tối và tắm nước nóng.
Một người ăn xin giả khác đã nhận được một căn hộ từ chính phủ sau khi anh ta mãn hạn tù. Lúc đầu, anh chỉ muốn một công việc bình thường. Nhưng các nhà tuyển dụng đưa ra mức lương chỉ 8 bảng một giờ, với anh ấy thì mức lương như vậy là quá thấp, không thể chấp nhận được. Vậy là anh ta quyết định chọn cách dễ dàng hơn để kiếm tiền – đó chính là ăn xin.
Trong quá trình thực nghiệm, anh Ed gặp phải rất nhiều kẻ hung hãn và nghiện ma túy. Anh từng chứng kiến cuộc chiến giữa 2 người ăn xin để giành chỗ tốt hơn. Một lần, anh còn bị cảnh sát dọa bắt vì tội ăn xin. Lần khác, chiếc túi ngủ của anh bị ai đó tè vào. Nhưng đó vẫn chưa phải là trường hợp tệ nhất, vì có người còn bị đốt mất túi ngủ.
Trong giai đoạn cuối của cuộc thử nghiệm, anh Ed bắt đầu tận hưởng cuộc sống tự do, không lịch trình, không hạn chót của mình. Tuy nhiên, anh cũng nhấn mạnh rằng những người chấp nhận cuộc sống vô gia cư không hề muốn sống lang thang mãi mãi.
Một số người trong số họ phải chạy trốn khỏi cha mẹ nghiện ma túy hoặc bạo lực gia đình. Ví dụ, tại Manchester, anh Ed đã gặp Dina – bà mẹ của 6 đứa trẻ. Cô là người mẫu từng xuất hiện trong chiến dịch của Debenhams và M&S. Cuộc đời bắt đầu đi sai hướng khi cô 13 tuổi. Cha mẹ ly hôn và cô phải sống với người mẹ nghiện ma túy. Lên 15 tuổi, cô yêu một chàng trai và đó chính là cha của những đứa con cô sau này. Hiện tại, các con cô sống với cha chúng, còn cô sống trong một căn nhà tạm bợ bằng lều cũ và xe đẩy. Dina là một người nghiện ma túy nhưng trong lòng vẫn luôn nhớ nhung các con của mình. Cô vui vẻ mời anh Ed đến nơi trú ẩn và còn chia bánh quy cho anh. Sau một thời gian, anh Ed quay trở lại nơi trú ẩn của Dina nhưng nó đã biến mất cùng với chủ nhân của mình.
Theo anh Ed, ngay cả những người vô gia cư thực thụ cũng không thực sự cần tiền nhiều, mà họ cần sự hỗ trợ tâm lý để có thể thích nghi với xã hội. Anh Ed cũng nói rằng mặc dù thực tế là anh đã tìm thấy một số người bạn tốt trên đường phố London, nhưng anh sẽ không bao giờ đưa tiền cho người ăn xin dù thật hay giả nữa. Còn bạn thì sao?
Minh Minh
Theo Bright Side
Link nguồn: https://trithucvn.org/doi-song/nha-tham-hiem-anh-gia-lam-nguoi-vo-gia-cu-trong-60-ngay-va-rut-ra-bai-hoc.html
Newt Gingrich: Vì sao tôi từ chối công nhận ông Biden đắc cử
Ông Newt Gingrich, cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, được bầu vào Ủy ban Chính sách của Bộ Quốc phòng gần đây và đã đăng tải bài viết đầu tiên bày tỏ việc từ chối công nhận ông Biden đã đắc cử tổng thống.