Nhiều sinh viên lẫn lộn 'mặc đẹp và mặc đúng'

Tôi bị 'sốc văn hóa' khi nhìn thấy một số nữ sinh mặc áo sơ mi sát nách, áo croptop, quần sooc, đồ ngủ, đi dép lê... lên giảng đường.

08:45 20/05/2023

Câu chuyện trang phục học đường là vấn đề chưa bao giờ hết nóng. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ, cùng với sự hội nhập văn hóa, việc chấp nhận du nhập cái mới, cái đẹp là điều dễ thấy ở sinh viên. Tuy nhiên, không phải cái mới nào cũng tốt. Không khó để thấy rằng sinh viên hiện nay khá thoải mái trong việc diện trang phục đến lớp, với những bộ cánh rất dị, hay những chiếc áo crotop bo sát người, quần sooc, váy ngắn... Điều này hoàn toàn lệch lạc với những gì gọi là văn hóa trang phục học đường.

Trang phục thoải mái hay đi quá giới hạn?

Môi trường đại học tương đối thoáng về vấn đề trang phục, cho phép sinh viên mặc những gì mình thích, trừ những trường có quy định cụ thể về đồng phục. Thế nhưng, thực trạng sinh viên chưng diện những trang phục lố lăng, thậm chí phản cảm khi đến giảng đường đã vượt quá giới hạn về văn hóa ăn mặc trong môi trường sư phạm.

Tôi để ý những hình ảnh được bạn bè đăng tải trên Facebook khi đến giảng đường. Đâu đó, vẫn nhìn thấy hình ảnh sinh viên các trường đại học, cao đẳng ăn mặc quá "mát mẻ", thậm chí có trường hợp còn mặc đồ bộ ngủ đến lớp. Tôi không hiểu đó là thời trang hay cá tính, mà chỉ thấy rất lố lăng, phản cảm. Không chỉ bạn bè, mọi người xung quanh mà giảng viên cũng rất khó chịu khi sinh viên ăn mặc không phù hợp đến lớp.

Mặc dù trong môi trường sư phạm nhưng sinh viên vẫn thường hay đặt ra các câu hỏi như: "Trường mình có cho mặc váy ngắn đến lớp không?", "tưởng lên đại học được mặc đồ thoải mái chứ?"... Liệu rằng chúng ta có quá khắt khe đối với sinh viên? Nhưng nếu không nghiêm túc trong trang phục đến lớp, khó mà phân biệt được đâu là trường học, đâu là một cái chợ?

Tôi có dịp ghé qua trường đại học, không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy một số nữ sinh mặc áo sơ mi sát nách, yếm ngắn, đi dép lê... lên giảng đường. Tôi tự hỏi rằng sao những sinh viên ấy không thấy ngại khi có hàng trăm con mắt nhìn mình? "Dễ hiểu thôi, khi bạn không ngại thì người ngại sẽ là người khác" – câu nói này của giới trẻ khiến tôi phải suy ngẫm. Phải chăng lối sống "cứ làm những gì mình thích" đã thay đổi suy nghĩ của sinh viên ngày nay, khiến họ đi quá giới hạn về văn hóa, chuẩn mực?

Trước đây, người ta thường sẽ nghĩ rằng việc ăn mặc hở hang là đặc quyền của phái nữ. Thế nhưng, trong môi trường hiện đại, nam sinh cũng diện lên mình những chiếc áo bó chẽn, bo sát người, hay những chiếc quần rách te tua. Ấy vậy mà nhiều người trẻ gọi đó là phong cách, là thể hiện cá tính bản thân. Thời trang đi chơi với áo ngắn, quần cắt xẻ... hở hang, nay lại được nhiều sinh viên sử dụng làm trang phục đến trường. Chưa nói đến vấn đề không phù hợp với quy định trang phục học đường, sự thiếu đúng đắn trong cách ăn mặc của sinh viên còn ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của giảng viên.

Mặc theo mốt để thể hiện đẳng cấp

Thực trạng sinh viên ăn mặc lố lắng, không phù hợp khi đến giảng đường đã tồn tại từ rất lâu. Tuy nhiên, vẫn chưa có câu trả lời cụ thể vì đâu dẫn đến thực trạng này? Trong thời đại "thế giới phẳng" theo quan điểm của Thomas L.Friedman, không ai có thể phủ nhận lợi ích từ mạng xã hội. Tuy nhiên, cũng bởi sự phát triển nhanh chóng đó đã mang theo nhiều hệ quả trong quá trình hội nhập văn hóa.

Sinh viên là đối tượng trẻ dễ tiếp cận, nhạy bén với các "trend" hiện đại trong phong cách ăn mặc. Vì vậy, họ thoải mái trong việc diện những bộ cánh có thể nói là rất dị biệt hay theo lối ăn mặc tự do như phương Tây. Từ đó, dẫn đến những quan niệm lệch lạc, sai lầm, cho rằng cách ăn mặc theo "mốt" là đẳng cấp, sành điệu.

Môi trường sư phạm không cho phép sự có mặt của những bộ trang phục phản cảm, lố lăng. Trang phục học đường của sinh viên, dù thoải mái đến đâu, vẫn cần cân bằng giữa phong cách và ý thức. Theo một nghiên cứu mới nhất được công bố rằng người trẻ luôn muốn khẳng định cái tôi cá nhân, thể hiện bản thân trước người khác. Đây cũng là lý do khiến vấn đề trang phục sinh viên không phù hợp khi đến trường vẫn tồn tại, thậm chí là có xu hướng tăng.

Phong cách ăn mặc không phù hợp ở môi trường học đường gây nên nhiều hệ lụy xấu. Trước hết là việc lãng phí tiền bạc khi chạy theo những bộ trang phục thời thượng. Không chỉ vậy, ăn mặc không đúng quy định, văn hóa học đường còn dễ tạo nên hiệu ứng đám đông, đua đòi một cách vô ý thức. Ăn mặc thiếu lịch sự khi đến lớp cũng là không tôn trọng giảng viên, bạn bè và mọi người xung quanh. Tôi từng được nghe kể về trường hợp nữ sinh mặc đồ hở hang bị kẻ xấu lợi dụng, tấn công, xâm hại.

Mặc đẹp - mặc đúng

Đã có rất nhiều bài nghiên cứu đề xuất giải pháp về vấn đề trang phục học đường. Tuy nhiên, không phải giải pháp nào cũng mang tính khả thi khi áp dụng thực tế. Tất cả đều xuất phát từ ý thức, và mỗi sinh viên cần ý thức rõ về vấn đề trang phục phù hợp khi đến giảng đường.

Một người thầy từng nói với tôi rằng: "Sự khác biệt tạo nên giá trị của riêng bạn". Trong câu chuyện trang học đường sẽ có nhiều quan điểm tương đồng với phong cách ăn mặc khác biệt tạo nên chất riêng. Song, thật sự không hẳn là như vậy. Giá trị của sự khác biệt chỉ tồn tại khi trang phục thật sự phù hợp với sinh viên khi đến giảng đường.

Để chấn chỉnh lối ăn mặc của sinh viên khi đến trường, nhiều trường đại học, cao đẳng đã áp dụng quy định cụ thể về trang phục. Dù gặp rất nhiều ý kiến gây tranh cãi nhưng tôi cho rằng đây là điều cần thiết. Như tác giả Hà Văn Thịnh từng nói: "Cái đẹp được xã hội chấp nhận chính là tạo nên sự thoải mái, dễ chịu cho đại đa số cộng đồng". Làm thế nào để cải thiện thực trạng trang phục học đường vẫn còn là một bài toán khó. Đó không chỉ là vấn đề về ý thức, mà còn là việc giáo dục để sinh viên nhận thức các giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa ăn mặc.

Thay vì những bộ trang phục quá lố lăng, chỉ cần sự lịch sự, nhã nhẹn, phù hợp... đã là mặc đẹp đối với sinh viên khi đến trường.

Nguyễn Thị Diệu Hà

Tags:
Người nước ngoài ngỡ ngàng với 'văn hóa ngủ trưa' ở Việt Nam

Người nước ngoài ngỡ ngàng với 'văn hóa ngủ trưa' ở Việt Nam

Tới làm việc tại Việt Nam, Tomomi, nhân viên người Nhật, rất ngạc nhiên khi thấy các đồng nghiệp ôm gối ngủ trong văn phòng sau bữa trưa.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất