Những chuyện ‘dở khóc dở cười’ của du học sinh
Nhiều du học sinh bị sốc văn hóa, bất đồng ngôn ngữ, thậm chí có bạn không chịu nổi đã “đứt gánh giữa đường”, gây tốn thời gian, tiền bạc…
23:00 10/08/2021
Là du học sinh Australia, Minh Tuấn (TP HCM) cho biết, anh từng nhiều lần rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười” vì những bất đồng văn hóa cùng vô vàn khó khăn trong quá trình kiếm việc làm thêm, trang trải sinh hoạt phí.
Học hết cấp ba, Tuấn du học Đại học Macquarie. Không giống như suy nghĩ ban đầu là du học sẽ được du lịch khắp nơi, điều đầu tiên Tuấn phải đối mặt là thích nghi với đồ ăn không hợp, giao thông lạ lẫm, quá nhiều bài kiểm tra, thuyết trình. “Nhiêu đó thôi cũng đủ để tôi ốm mất mấy tuần đầu và không ít lần nản lòng muốn bỏ cuộc”, Tuấn nhớ lại.
Tuấn cũng chia sẻ thêm về thực tế du học sinh – bên cạnh những bạn có chí tiến thủ, quyết tâm học hành, nhiều bạn qua đây không học mà lo đi làm thêm, lên lớp ngủ không đủ, nhiều khi phải thuê người viết luận để qua môn rất tốn kém. Cuối cùng ra trường họ gần như không có kiến thức gì trong đầu, không được nhận làm việc ở đâu, trở về nước cũng khó kiếm việc.
Nhiều du học sinh nhận định, nếu không có tính tự lập, khả năng thích ứng và chịu khó thì việc đi du học sẽ dễ “đứt gánh giữa đường”.
Cũng là du học sinh Australia, tốt nghiệp cấp hai, Phương Nhung (Hà Nội) đi du học Australia trường Hobart, Tasmania với mong muốn được học trong môi trường quốc tế, không nặng lý thuyết và sớm sở hữu tấm bằng có giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, ngay từ ngày đầu tiên đặt chân lên xứ sở Kangaroo, Nhung thấy mọi thứ khác hoàn toàn so với trí tưởng tượng “màu hồng”.
“Tôi tự thấy bản thân có học lực khá và tự lập, dù vậy qua Australia tôi mới ngấm cảm giác nhớ nhà. Suốt cả năm đầu, cảm giác chới với khiến tôi hầu như đêm nào cũng khóc, não căng như dây đàn vì cô đơn và vì cách học quá khác biệt”.
Cùng quan điểm với Minh Tuấn, Phương Nhung nhận định, nếu không có tính tự lập, khả năng thích ứng và chịu khó, việc đi du học dễ “đứt gánh giữa đường”. “Tôi gặp không ít trường hợp qua Australia từ cấp ba và tìm mọi cách để ở lại vì không dám về, sau đó đi làm nail dù gia đình ở Việt Nam khá giả”, Nhung nói. Hiện Phương Nhung đã hoàn thành khóa học tại Australia và trở về nước, làm truyền thông cho trường học sau một thời gian chật vật thích nghi và làm quen trở lại với Việt Nam.
Đang là du học sinh Nhật Bản, Hồng Thái (Nghệ An) là trường hợp thích nghi khá nhanh. Tuy nhiên, sau khi sang chưa đầy năm, Thái vẫn khuyên bố mẹ nên bỏ ý định đầu tư cho em gái du học bởi “học ở nước ngoài không phải thiên đường”, đặc biệt khi Thái nhận thấy em gái không phải người tự lập, được nuông chiều, sợ dễ nản chí.
Thái chia sẻ đã gặp nhiều bạn sang du học nhưng không theo kịp, bỏ dở giữa chừng mà không dám về nước vì xấu hổ. Nhiều du học sinh khác khi thoát khỏi vòng tay cha mẹ là sống phóng túng, lơ là học hành…
Là phụ huynh của Hồng Thái, chị Mai Trang chia sẻ, trong vài năm qua, chị đã biết nhiều con cái của người quen đi du học kiểu “xôi hỏng bỏng không”. Có gia đình cho con sang Mỹ học từ cấp 3, đến dự bị đại học rồi đại học. Sau gần chục năm, tốn hàng chục tỷ đồng, cuối cùng, sau khi tốt nghiệp, cháu vẫn không đáp ứng được yêu cầu nhân lực cao cấp bên kia, cũng chẳng muốn về Việt Nam nên đang làm tiệm nail ở đó. Nhiều cháu khác đi học về vẫn để bố mẹ nuôi vì chưa tìm được việc mong muốn.
Đồng quan điểm với mẹ của Hồng Thái, chị Yến, mẹ Phương Nhung cho biết: “Nếu ở thời điểm hiện tại, tôi sẽ chọn một trường đại học quốc tế nào đó ở Việt Nam. Tôi rất thương con vì giai đoạn trưởng thành thiếu tình thương của gia đình. Tôi cũng được biết hiện nay ở Việt Nam một số trường quốc tế có chương trình học được chuyển hoàn toàn từ nước ngoài về, chất lượng tốt, sinh viên ra trường có thể thích nghi ngay với môi trường làm việc”.
Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ, trung bình mỗi năm số lượng học sinh Việt Nam du học nước ngoài tăng 8% trong thời gian từ năm 2010-2017. Mỗi năm các gia đình Việt Nam chi tiêu gần 2 tỷ USD cho việc du học ở nước ngoài. Ước tính số học sinh Việt Nam hiện tại ở nước ngoài trong năm 2017 là 80.000 người. Ông Thắng cũng đưa ra một thống kê của Viện giáo dục Quốc tế (IIE) tại New York. Theo đó, số lượng học sinh Việt Nam đi du học tại các nước đều tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, theo anh Hoàng Việt Hà – Giám đốc Swinburne (Việt Nam) – Liên kết quốc tế Đại học Công nghệ Swinburne Australia và Đại học FPT, người từng có 4 năm du học tiến sĩ về quản trị kinh doanh tại Australia và là Hội trưởng hội sinh viên Việt Nam chia sẻ, tỷ lệ sinh viên du học có bằng tốt nghiệp đúng hạn chỉ khoảng 60%. Hầu hết các bạn về nước làm việc và có thể gặp một số khó khăn khi thích nghi lại với môi trường Việt Nam. Một số ít ở lại nhưng thường làm trái ngành.
Anh Hoàng Việt Hà – Giám đốc Swinburne (Việt Nam) – Liên kết quốc tế Đại học Công nghệ Swinburne Australia và Đại học FPT.
Cũng theo anh Hà, việc cho con đi du học là vấn đề phụ huynh cần tính toán kỹ vì có thể ảnh hưởng tới kinh tế gia đình lẫn tương lai của con. Trước khi đưa con sang nước ngoài, phụ huynh nên đặt những câu hỏi về khả năng tự lập của con; trình độ tiếng Anh; ngành học triển vọng… Hơn hết, con chỉ nên đi du học nếu ở Việt Nam không có môi trường đạo tạo quốc tế tốt, không thể phát huy tài năng, cơ hội việc làm của con như ở nước ngoài
Hiện nay, du học tại chỗ là một lựa chọn có thể thay thế cho những sinh viên muốn nắm bắt kiến thức toàn cầu, phương pháp học tập tiên tiến, sử dụng tiếng Anh tự tin, hội nhập khi ra trường. Hơn nữa, dù học ở Việt Nam, sinh viên vẫn có thể truy nhập vào hệ thống học liệu quốc tế, giao tiếp với giảng viên, sinh viên khác ở nước ngoài.
Học trường quốc tế tại Việt Nam, sinh viên còn được ứng dụng thực tế qua việc kết nối với các doanh nghiệp lớn. Đơn cử, các bạn học CNTT tốt nghiệp ở Swinburne (Việt Nam) ngoài có bằng quốc tế của trường công nghệ top 3 Australia còn có cơ hội làm việc cho FPT software – công ty phục vụ khách hàng toàn cầu. Thậm chí, những bạn tiếng Anh tốt, kiến thức cập nhật, thu nhập có thể đạt 2.000 USD/tháng sau 3 năm làm việc.
Thư viện hiện đại, đáp ứng mọi nhu cầu của sinh viên.
Học phí của Swinburne (Việt Nam) là 20.000 USD cho cả chương trình cử nhân, chỉ bằng 15%-20% so với khi theo học tại Australia. Đối với những sinh viên có kết quả học tập tốt, Swinburne có nhiều chính sách học bổng hỗ trợ 20%-40% như Học bổng tài năng, Học bổng người tiên phong, Học bổng chắp cánh ước mơ.
Việt Nam đang có nhiều lợi thế từ cuộc cách mạng 4.0, các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam có cơ hội lớn về phát triển công nghệ mũi nhọn, các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ phục vụ khách hàng toàn cầu. Tuy nhiên, anh Hoàng Việt Hà nhận định, Việt Nam đang có khoảng cách khá lớn giữa đào tạo quốc nội và nhu cầu kỹ năng của nguồn nhân lực 4.0.
“Cách đi nhanh là triển khai cung cấp cho sinh chương trình học lấy bằng quốc tế ngay tại Việt nam với chi phí hợp lý. Sau khi tốt nghiệp, với khả năng ngoại ngữ tốt, phương pháp học sáng tạo, cập nhật và thực tiễn, các em có thể tham gia ngay vào sự nghiệp “make in Việt Nam”, anh Hoàng Việt Hà cho hay.
Thế Đan
Ngôi trường đặc biệt dành cho 5 con tỷ phú Elon Musk
Elon Musk không muốn con mình theo học nền giáo dục truyền thống. Vì vậy, ông đã mở riêng cho chúng một ngôi trường có tên Ad Astra.