Những mảng tường biên giới chỏng chơ Trump để lại

Tại dãy núi Huachuca ở biên giới Mỹ - Mexico, một đoạn tường nằm trơ trọi tại khu vực mà người nhập cư hiếm khi đi qua khi cố gắng vào Mỹ.

00:00 18/03/2021

"Nó đứng sừng sững ở đó, một đoạn tường chưa hoàn thành vô dụng, ở nơi có phong cảnh tuyệt vời này", y tá Julia Sheehan, 31 tuổi, nói khi cùng bạn bè đi bộ ở Đường mòn Arizona (đường mòn từ Mexico đến bang Utah của Mỹ, đi qua toàn bộ chiều dài bắc - nam của bang Arizona). "Đó là một trong những thứ ngớ ngẩn nhất mà tôi từng thấy".

Mảng tường dài 400 m là một phần trong dự án tường biên giới của Trump. Các nhà thầu đã gấp rút xây dựng những mảng tường như vậy trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump, ngay sau khi Tổng thống Biden nói rõ rằng ông sẽ dừng xây tường khi nhậm chức.

Giờ đây, bức tường biên giới chưa hoàn thiện, một trong những siêu dự án tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ với giá trị ước tính 15 tỷ USD, đang tiếp tục gây tranh cãi khi những người chỉ trích thúc giục Biden phá bỏ bức tường trong khi lãnh đạo đảng Cộng hòa kêu gọi hoàn thành nó.

Tranh cãi mới nhất về bức tường xảy ra trong bối cảnh lượng người di cư qua biên giới gia tăng đáng kể, khiến chính quyền Mỹ phải tìm kiếm thêm những địa điểm để giữ những người mới đến, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên không có người đi kèm. Hơn 9.400 thiếu niên di cư đến biên giới mà không có cha mẹ đi cùng vào tháng hai, tăng gần gấp ba lần so với năm ngoái, đồng thời tạo ra thách thức nhân đạo nghiêm trọng.

Tường biên giới chưa hoàn thành tại Đường mòn Arizona. Ảnh: NYTimes.
Tường biên giới chưa hoàn thành tại Đường mòn Arizona. Ảnh: NYTimes.

Chính quyền Biden đã đình chỉ xây tường biên giới trong 60 ngày kể từ 20/1, để các quan chức đánh lại và quyết định làm gì tiếp theo. Trump đã biến bức tường thành biểu tượng cho những nỗ lực của chính quyền ông để cắt giảm người nhập cư. Trong khi nhiều phần ở biên giới dài hơn 3.000 km đã có một số hàng rào thấp do các chính quyền trước đây xây dựng, dự án vấp phải tranh cãi ngay từ đầu.

Chỉ vài km tường được xây dựng ở Nam Texas, khu vực dễ bị xâm nhập bất hợp pháp nhất. Thay vào đó, phần lớn công trình, đặc biệt là trong những ngày cuối của chính quyền Trump, được thi công ở những vùng hẻo lánh của Arizona, nơi ít người nhập cư đi qua.

Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ, bên chọn địa điểm xây tường biên giới, tuần trước ra tuyên bố nói rằng các địa điểm được chọn xây hàng rào biên giới mới là "các khu vực có mức độ nhập cảnh bất hợp pháp cao". "Các rào cản biên giới làm chậm và ngăn chặn hoạt động bất hợp pháp", Matthew Dyman, một quan chức tại cơ quan này, cho biết.

Alejandro Mayorkas, Bộ trưởng An ninh Nội địa của Biden, đã được chỉ đạo quyết định xem có nên "tiếp tục, sửa đổi hoặc chấm dứt" các dự án hay không khi thời hạn tạm ngừng 60 ngày kết thúc vào tháng này. Nhưng những nỗ lực xây dựng vào phút chót từ ngày 6/1 (bạo loạn ở tòa quốc hội) đến ngày 20/1 (Biden nhậm chức), đã để lại thế khó cho chính quyền mới.

Một số đoạn biên giới, đặc biệt là trên các vùng đất tương đối bằng phẳng, giờ có những hàng rào thép dài cao hơn 9 m có thể tồn tại trong sa mạc trong nhiều thập kỷ tới. Nhưng ở những khu vực khác, di dân có thể dễ dàng đi qua những mảng tường không được nối liền. Một số trông giống như những tác phẩm nghệ thuật trừu tượng hơn là rào cản.

Tại một số nơi, công tác thi công bị bỏ dở, để lại nguy cơ xói mòn hay lở đất khi mùa hè đến gần, hoặc thậm chí khiến việc vượt biên còn dễ dàng hơn vì các công nhân đã mở đường để thi công.

Chính quyền Trump đã hoàn thành khoảng hơn 700 km tường biên giới kể từ năm 2017, hầu hết là nâng cấp các hàng rào sẵn có thấp hơn. Tại những nơi chưa có hàng rào, như địa hình gồ ghề tại Đường mòn Arizona, chính quyền Trump xây dựng tổng cộng hơn 75 km đường mới.

Matthew Nelson, giám đốc điều hành Hiệp hội Đường mòn Arizona, tự hỏi tại sao Tập đoàn xây dựng Kiewit có trụ sở tại Nebraska lại vội vàng xây một mảng tường ngắn vào tháng một, trong một khu vực mà các nhà hoạt động đang đấu tranh để bảo tồn và có khả năng Biden sẽ ra lệnh dừng thi công khi nhậm chức. Ông đặt câu hỏi liệu đó có phải là nỗ lực để gây áp lực với chính quyền mới để tiếp tục xây dựng tại đây hay không.

"Tại sao lại vội vàng dựng lên một mảng tường dài 400 m ở khu vực chưa bao giờ được xác định là điểm nóng vượt biên?", Nelson đặt câu hỏi. Kiewit không đáp ứng phản hồi về vấn đề này.

Một đoạn tường biên giới dang dở ở Arizona. Ảnh: NYTimes.
Một đoạn tường biên giới dang dở ở Arizona. Ảnh: NYTimes.

Rodney S. Scott, lãnh đạo cơ quan biên phòng, đã thừa nhận vào tháng 11/2020 rằng việc xây dựng ở Nam cần được "ưu tiên cao hơn" so với Arizona. Nhưng ông nói "chúng tôi quyết định vẫn thi công ở những nơi ưu tiên thấp hơn vì vẫn có thể khiến tình hình ở đó khác biệt".

Khu vực gần Đường mòn Arizona không phải là nơi duy nhất có hoạt động xây dựng rầm rộ trong những ngày cuối của chính quyền Trump. Chỉ trong ngày 4-8/1 mình, giới chức đã bắt đầu xây dựng thêm hơn 19 km tường.

Một cuộc kiểm toán kéo dài 34 tháng của Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ An ninh Nội địa năm ngoái xác định rằng Cơ quan Hải quan và Biên phòng "đã không sử dụng phương pháp luận hợp lý, được ghi chép đầy đủ để xác định và ưu tiên đầu tư vào các khu vực biên giới sẽ được hưởng lợi tốt nhất từ các hàng rào".

Chính quyền Biden chưa đề ra rõ kế hoạch cho bức tường. Nhưng sau khi ra lệnh tạm ngừng thi công, Tổng thống Biden đã hủy bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia mà người tiền nhiệm của ông sử dụng để cho phép tiến hành xây dựng.

Các nghị sĩ Dân chủ tại các bang biên giới, bao gồm Veronica Escobar của và Teresa Leger Fernández của New Mexico, đã viết thư cho Biden trong tháng này, kêu gọi ông hủy tất cả hợp đồng xây dựng còn lại và chuyển ngân quỹ để dỡ bỏ các phần ở những nơi "đặc biệt hủy hoại môi trường và phá hoại thắng cảnh".

Trong khi đó, đảng Cộng hòa đang cố gắng miêu tả Biden là người quá mềm mỏng trong vấn đề nhập cư. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đảng viên Cộng hòa Nam Carolina, đã phàn nàn sau chuyến thăm vào tháng hai tới biên giới ở Arizona rằng một phần chưa được nối liền ở đây tạo điều kiện cho người di cư nhập cảnh trái phép vào đất nước. "Sẽ chẳng có ích gì trừ khi các anh lấp đầy khoảng trống này", Graham nói.

Ngay cả khi Biden ngừng xây tường, một số bộ phận của bộ máy hành chính liên bang vẫn tiếp tục tiến trình trưng thu đất của người dân, khiến một số chủ đất lo ngại. Ricky Garza, luật sư của Dự án Quyền Dân sự Texas, cho biết chính phủ liên bang vẫn còn gần 150 vụ kiện chống lại các chủ đất ở Nam Texas để khảo sát, trưng thu tài sản và có thể bắt đầu xây dựng tường biên giới hoặc triển khai các biện pháp khác để phát hiện người di cư.

Garza, người đại diện cho một số chủ đất trong khu vực, cho biết các luật sư của Bộ Tư pháp đã yêu cầu tòa án trì hoãn các vụ kiện trong 60 ngày. Nhưng một số chủ đất tiếp tục phải đối mặt với áp lực từ chính phủ liên bang tại tòa án, ông nói. Một trong số họ là Melissa Cigarroa, người cho biết chính phủ vẫn muốn tiếp cận trang trại của bà ở hạt Zapata, Texas.

"Sao họ cứ 'cố đấm ăn xôi' khi Biden đã thể hiện rằng ông ấy sẽ không xây thêm tường và sẽ dừng dự án?", Cigarroa nói. "Có cảm giác như chính phủ đang làm việc thiếu trung thực".

Tags:
Ông Trump nhận giải thưởng ‘Một trong những tổng thống vĩ đại và hiệu quả nhất lịch sử Hoa Kỳ’

Ông Trump nhận giải thưởng ‘Một trong những tổng thống vĩ đại và hiệu quả nhất lịch sử Hoa Kỳ’

Ông Trump nhận giải thưởng ‘Một trong những tổng thống vĩ đại và hiệu quả nhất lịch sử Hoa Kỳ’

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất