Những người ôm 'giấc mộng vaccine' đến Mỹ

Elver Estela, doanh nhân tới từ Peru, nơi bị Covid-19 tàn phá nặng nề, giờ đây lên đường không phải vì "giấc mơ Mỹ", mà là "giấc mộng vaccine".

22:00 27/05/2021

Đầu năm nay, Elver Estela quyết định đến Mỹ, nơi nguồn vaccine Covid-19 tương đối dồi dào, sau khi chứng kiến nhiều người xung quanh ở quê nhà Peru đổ bệnh vì đại dịch. Với gần 2 triệu ca nhiễm và hơn 68.000 người chết vì Covid-19 trong tổng số 32 triệu dân, Peru là một trong những vùng dịch nghiêm trọng nhất Mỹ Latinh.

Estela tới Mỹ hồi đầu tháng và được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên của hãng Pfizer tại một trung tâm tiêm chủng ở thành phố Seattle, bang Washington. Trong khoảng thời gian này, anh nhận được tin một đồng nghiệp thân thiết ở quê nhà Lima đã dương tính với nCoV.

"Tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm và được giải thoát. Tôi sẽ không phải đặt cược với tính mạng mình nữa", anh nói.

Một nhân viên y tế cầm các liều vaccine Covid-19 của Moderna và Pfizer tại trung tâm tiêm chủng ở El Paso, , Mỹ, hôm 6/5. Ảnh: Reuters.
Một nhân viên y tế cầm các liều vaccine Covid-19 của Moderna và Pfizer tại trung tâm tiêm chủng ở El Paso, , Mỹ, hôm 6/5. Ảnh: Reuters.

Estela không phải người duy nhất theo đuổi "giấc mộng vaccine" ở Mỹ. Thứ trưởng Bộ Y tế Cộng đồng Peru Gustavo Rosell hôm 18/5 cho biết khoảng 70.000 người dân nước này đã ra nước ngoài để tiêm chủng. Jose Ricardo Botelho, giám đốc điều hành Hiệp hội Vận tải Hàng không Mỹ Latinh và Caribe (ALTA), cũng nói rằng sự gia tăng đột biến các chuyến đi từ khu vực này đến Mỹ gần đây liên quan đến du lịch vaccine.

Khu vực Mỹ Latinh đang thiếu vaccine Covid-19 trầm trọng. Theo Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne, mặc dù hơn 400 triệu liều vaccine đã được sử dụng trên khắp châu Mỹ, hầu hết chúng là ở Mỹ. "Trên thực tế, mới chỉ 3% người dân Mỹ Latinh được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ. Chúng ta vẫn còn chặng đường dài để đảm bảo mọi người đều an toàn", bà cho biết hôm 19/5.

Etienne đánh giá du lịch vaccine không phải giải pháp, mà là "một hiện tượng cho thấy vaccine đang được phân phối không đồng đều ở châu Mỹ như thế nào". Giới chức PAHO cho biết khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã nhận hơn 12 triệu liều vaccine Covid-19 thông qua sáng kiến Covax tính đến ngày 21/5, nhưng chương trình này đang giao hàng chậm trễ do số lượng vaccine hạn chế.

Tình huống này dẫn đến dòng người đổ xô tìm đường đến Mỹ, nơi các trung tâm tiêm chủng không yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh tình trạng cư trú. Một số người cho biết họ đã đưa thẻ căn cước hoặc hộ chiếu.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), "các khu vực pháp lý không thể thêm những yêu cầu về hoặc xác minh như một điều kiện tiêm chủng". Thành phố New York thậm chí mở các khu vực tiêm chủng lưu động gần những điểm tham quan để tiêm vaccine cho du khách.

"Chúng tôi đang thiết lập những cơ sở tiêm chủng lưu động cho du khách tại một số khu vực tấp nập nhất thành phố, nơi mà họ muốn đến. Tôi nghĩ đây là một phần lời chào mừng trở lại New York. Chúng tôi muốn ai cũng được an toàn", Thị trưởng New York Bill de Blasio trả lời báo giới hôm 11/5.

"Nếu vaccine không đến với bạn, đã đến lúc bạn tự tìm tới nó", Flavio San Martin, một người dân Peru khác, cho biết. Nhà tư vấn kinh doanh này đến thành phố Durham, bang Bắc Carolina, cùng gia đình vào ngày 13/4 và đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 của Moderna.

"Tôi 46 tuổi và không nghĩ rằng mình có thể được tiêm chủng tại Peru trước tháng 12 năm nay. Tôi đã chứng kiến những người thiệt mạng vì Covid-19 ngày càng ở gần nhà mình hơn", San Martin nói.

Pamela Card, người phụ nữ 37 tuổi đến từ Mexico, cũng không muốn chờ đợi lâu hơn nữa để đủ điều kiện tiêm chủng trong nước. "Sự an toàn của gia đình chúng tôi quan trọng hơn. Nếu được tiêm vaccine, chúng tôi có thể cảm thấy an toàn và bớt hoảng loạn hơn", cô cho hay.

Card được tiêm vaccine Covid-19 trong một kỳ nghỉ cuối tuần ở thành phố Miami, bang Florida, cùng 9 người bạn khác. Mỗi người đều có thể đặt lịch hẹn trực tuyến để được tiêm vaccine Johnson & Johnson tại một hiệu thuốc. "Bạn chỉ phải điền một tờ khai đơn giản và xuất trình giấy tờ để xác nhận danh tính. Tôi đưa thẻ căn cước công dân Mexico. Vậy thôi", Card nói.

Adriana Diaz, một công dân Mexico khác, và người mẹ 49 tuổi của mình đang ở thành phố Atlanta, bang Georgia, để chờ tiêm liều vaccine Pfizer thứ hai. "Chúng tôi sẽ phải chờ rất lâu nữa mới đến lượt tại quê nhà. Tôi vô cùng biết ơn chính phủ Mỹ vì cho phép mọi người tới đây tiêm", cô gái 28 tuổi cho biết.

Những hành khách chuẩn bị lên chuyến bay đến Miami, Mỹ, tại thành phố Luque, Paraguay, hôm 17/4. Ảnh: AP.
Những hành khách chuẩn bị lên chuyến bay đến Miami, Mỹ, tại thành phố Luque, Paraguay, hôm 17/4. Ảnh: AP.

Những người muốn thực hiện "giấc mộng vaccine" ở Mỹ cần đủ khả năng chi trả tiền thuê chỗ ở và vé máy bay. Giá trung bình cho một vé hạng phổ thông từ thủ đô Lima của Peru đến Miami vào thời điểm này trong năm từng ở mức 500-700 USD, nhưng giá khởi điểm hiện nay đã lên tới 1.200 USD, thậm chí có thể ở mức 4.500 USD, theo Ricardo Acosta, chủ tịch Hiệp hội Du lịch và Lữ hành Peru.

Bất chấp điều đó, Acosta cho biết các chuyến bay từ Lima đến Mỹ đã kín chỗ cho tới tháng 6, đồng thời dự đoán nhu cầu du lịch vaccine còn tăng. Ông nói thêm rằng số người đi từ Peru đến Mỹ đã tăng từ 10.000 hành khách hồi tháng 2 lên 40.780 người hồi tháng 4.

Chuyến đi 4 ngày của Card từ Mexico City đến Miami tốn khoảng 10.000 peso (500 USD), đã bao gồm tiền thuê chỗ ở. Card cho biết chi phí không quá đắt đỏ như cô từng nghĩ, nhưng vẫn ngoài tầm với của nhiều người Mexico. "Không phải ai cũng lo liệu được. 10.000 peso mà tôi bỏ ra có thể đủ mua thực phẩm cho một gia đình ở Mexico suốt một tháng", cô nói.

Ernesto Ortiz, quản lý cấp cao tại Viện Y tế Toàn cầu thuộc Đại học Duke của Mỹ, nhận định du lịch vaccine đang vô cùng thịnh hành và sẽ tiếp tục gia tăng, "chừng nào tình trạng phân phối vaccine bất bình đẳng trên toàn cầu còn tồn tại".

Ursula, vợ của Elver Estela, cùng con gái 18 tuổi Ariana cũng đã đến Seattle để tiêm vaccine Covid-19. Cô cho biết chuyến du lịch vaccine của mình sẽ góp phần kìm hãm virus lây lan, đồng thời tạo điều kiện cho một người khác ở quê nhà Peru có suất tiêm chủng của cô.

"Chúng tôi đang giúp ngăn chặn virus lây lan ở chính đất nước mình. Càng nhiều người được tiêm thì mức độ truyền nhiễm càng giảm. Giấc mộng vaccine còn có nghĩa là đem lại vaccine cho ai đó khác cần nó ở Peru. Nếu tôi có thể cứu một mạng người, chuyến đi này còn đáng giá hơn chi phí phải bỏ ra", vợ chồng Estela nêu quan điểm.

Estela còn cảm thấy được chào đón nồng nhiệt tại trung tâm tiêm chủng ở Seattle. Việc anh không phải công dân Mỹ dường như không quan trọng. "Mọi người ở đó rất tử tế và thân thiện. Khi một người nhận ra tôi là người Mỹ Latinh, cô ấy nói rằng gia đình tôi được hoan nghênh đến tiêm chủng. Những lời đó rất có ý nghĩa với tôi", anh kể lại.

"Nếu bạn có cơ hội được tiêm vaccine, thật điên rồ nếu không giành lấy nó. Virus đang bao vây chúng ta", San Martin cho hay.15:51:32

Tags:
Làm REAL ID ở California không cần thẻ ASXH, có thể nộp qua Internet

Làm REAL ID ở California không cần thẻ ASXH, có thể nộp qua Internet

Cư dân California nộp đơn làm REAL ID bây giờ không cần phải đưa thẻ An Sinh Xã Hội, hoặc bất cứ tài liệu nào có số này, và có thể làm qua Internet, Nha Lộ Vận California (DMV) cho biết như vậy hôm Thứ Tư, 19 Tháng Năm, theo ABC News.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất