Những người Việt bươn chải làm ăn ở chợ trời Golden West
Tôi không biết chợ trời Golden West được hình thành từ lúc nào, chỉ biết rằng một trong những người Việt Nam làm chủ quầy hàng đầu tiên đã có mặt tại đây vào năm 1980, tức 37 năm về trước.
04:00 30/04/2018
Cho đến nay, số quầy hàng đã nhiều lên gấp 6 lần cùng với số chủ sạp hàng, và khách hàng người Việt Nam lui tới chợ trời. Chỉ thua người Mexico một chút về số đông, nhưng xem ra người Việt làm ăn ở chợ trời Golden West thua họ rất xa về tài lực.
Nghề sống được, nhưng không làm giàu
Nhiều người Việt ở Orange County thường xuyên lui tới chợ trời trong khuôn viên đại học cộng đồng Golden West vì nó toạ lạc tại bãi đậu xe của trường nằm ở góc đường Edinger và McFadden thuộc thành phố Huntington Beach. Golden West họp chợ vào hai buổi sáng và trưa Thứ Bảy và Chủ Nhật, hai ngày cuối tuần sinh viên không đến trường.
Đi từ hướng đường McFadden, quầy bán hàng hoá gia dụng của đôi vợ chồng ông Thanh Vũ và bà Dung Vũ, cư dân Fountain Valley nằm ở góc chợ đầu tiên. Cả hai là những người Việt Nam đầu tiên có mặt và làm chủ một sạp bán bách hoá lộ thiên ở đó từ năm 1980. Giá thuê chỗ lúc đó chỉ có 4 đồng một ngày, mà người thuê còn được “cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa.”
Ông Thanh Vũ cho biết, thời đó chỉ có chừng 3 dãy sạp chợ. Ban điều hành chợ bán một chỗ, còn tặng thêm một chỗ cho vợ chồng ông. Thời đó, người Việt Nam ở Orange County hãy còn rất ít, cho nên khách hàng đến chợ trời chỉ toàn người Mỹ trắng. Người bán thưa thớt trong khi người mua đông gấp hai, gấp ba, nên hàng hoá bán rất chạy. Dân Mỹ thời đó lại làm có tiền, dư ăn dư để nên xài thoải mái.
Ông Thanh kể: “Tôi bán một vỉ 4 cục pin Panasonic với giá 3 Mỹ kim mà thiên hạ bu mua như tôm tươi. Còn bây giờ giá vỉ pin này rớt xuống còn 1 Mỹ kim mà khách hàng chẳng buồn mua.”
Một góc khác của quầy sách.
Chợ trời Golden West hiện có khoảng 100 quầy hàng, trong khi khách mua không đông bao nhiêu so với mấy chục năm về trước, nên tốc độ cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn nhiều. Giá tiền thuê nay cũng đã tăng hơn 10 lần, giờ là 45 Mỹ kim một chỗ.
Vợ chồng ông Thanh cùng nhớ lại nỗi tất bật ngày xưa. Cứ 4 giờ sáng thứ Bảy và Chủ Nhật thì cả hai cùng trở dậy, chở hàng ra quầy ở chợ trời. Thời người mua đông hơn người bán nên hàng hoá thường bán sạch từ trưa thứ Bảy. Cả hai dọn hàng về nhà rất sớm, khoảng 2 giờ chiều thứ Bảy để còn đủ thời giờ chạy lên tiệm bán sỉ ở Los Angeles để mua hàng, chuẩn bị cho ngày Chủ Nhật hôm sau. Như thế cũng đủ thấy lợi tức mà vợ chồng ông Thanh thu được từ việc kinh doanh, mua bán ở chợ trời đã thừa để nuôi sống một gia đình gồm hai vợ chồng và 3 đứa con. Vì vậy nên ông Thanh không buồn xin trợ cấp xã hội theo lời khuyến cáo của bạn bè.
Trong một giai đoạn khá dài, vợ chồng ông vừa bán chợ trời vào cuối tuần, vừa đi làm hãng vào 5 ngày còn lại. Có lẽ nhờ vậy mà tiền để dành tăng dần. Vợ chồng ông Thanh sau đó mua được một căn nhà 7 phòng ngủ ở thành phố Fountain Valley, sát Miles Square Park, nổi tiếng là ‘lá phổi’ lớn nhất của Orange County.
Bây giờ thì cái nghề bán chợ trời đối với ông Thanh và bà Dung trở thành công việc giải trí vào dịp cuối tuần. Ông cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, bán chợ trời đôi khi bị lỗ. Ngày mưa không biết trước khiến chủ sạp có thể bị mất trắng ít nhất 300 Mỹ kim. Có tháng, hai ông bà bị lỗ hơn 1,000 Mỹ kim tiền chỗ, cuối cùng phải xoè tay xin tiền các con. Dù vậy, bà Dung nhất định không chịu nghỉ, bảo ở nhà không làm gì cũng buồn. Bán chợ trời trong thời gian này, bà có cơ hội gặp gỡ bạn bè đã quen biết suốt gần 40 năm qua. Đôi khi bà lại làm khách hàng, đi vòng vòng coi các món hàng cổ cho vui mắt.
Quầy bán hàng gia dụng của bà Dung Vũ.
Xưa khách chiều mình, nay mình chiều khách nhiều hơn
Một nửa khách hàng của bà Dung là người Việt Nam, một nửa còn lại là người Mexico, hiếm hoi lắm mới thấy một ông hoặc bà Mỹ trắng lân la bước vào. Đặc điểm mà nhiều chủ sạp người Việt Nam ở chợ trời phải thừa nhận là khách hàng Việt Nam luôn luôn trả giá, mặc cả từng chút một trong khi khách hàng Mexico sẵn sàng móc ví trả tiền mà không hề thắc mắc.
Ông Thanh cho biết, người bán giờ đông gấp năm, bảy lần so với 40 năm trước, trong khi người mua vẫn như xưa cho nên ông bà chọn lời lẽ ngọt ngào để nói với khách hàng, đặc biệt là người Việt Nam để họ không quày quả bỏ đi.
Trong khi đó, chủ nhân quầy bán sách C4 của anh chị em Kathy Lưu có mặt tại chợ trời Golden West hơn mười mấy năm thu phục khách hàng bằng cách hết mực chiều chuộng. Kathy có một số lượng không nhỏ khách hàng quen thuộc mà giới kinh doanh thường gọi là khách hàng “thân thiết,” tuần nào cũng đến để lục tìm sách mới nhập quầy.
Dễ hiểu là chủ nhân và người giúp việc tại quầy sách C4 của Kathy Lưu toàn là người trẻ. Nếu không, họ chẳng thể nào đủ sức để bày biện và thu dọn hàng mỗi cuối tuần, lúc 5 giờ rưỡi sáng và khoảng 2 giờ chiều.
Trong những ngày còn lại, mấy anh chị em của Kathy Lưu lo đi gom sách, một công việc mất không ít thời gian vì phải đi kiếm vòng vòng, rồi sàng lọc, chọn lựa, đặc biệt là lùng kiếm các bản sách mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quen biết. Kathy cho biết, người Việt Nam thường mua sách truyện, sách ảnh cho con em của mình, hoặc loại sách kỹ thuật dạy xây nhà, sửa cửa… Có người tuần nào cũng đến quầy hỏi tìm sách mới, hoặc đặt hàng và yêu cầu Kathy để dành riêng ra cho họ.
Cũng có khá đông sinh viên là khách hàng đến quầy sách tìm kiếm loại sách đọc để tham khảo và làm giàu kiến thức, đặc điểm của sinh viên các quốc gia phát triển. Chúng tôi tưởng họ lùng mua sách giáo khoa, nhưng không, vì các trường tự soạn thảo và phát hành sách giáo khoa bán cho sinh viên, chứ không tung ra thị trường.
Kathy nói vui với chúng tôi, quầy sách của cô bảo đảm bán giá rẻ nhất so với mọi nơi, đa số bán với giá từ 1 – 2 – 3 Mỹ kim một quyển mà thôi. “Bảo đảm rẻ và đủ loại dành cho trẻ em cho đến người lớn” là đặc điểm của quầy sách C4, Kathy cho biết.
Những gian hàng chỉ dành cho phụ nữ
Đặc biệt, E 4 và E 5 là quầy hàng chỉ dành cho phụ nữ do chị Phan Kim làm chủ. Đó là quầy bán áo dài may sẵn, đủ kích cỡ, với nhiều loại giá cả khác nhau, từ 30, 40, 50 cho đến 80 Mỹ kim một chiếc. Không chỉ trưng bày áo dài Việt dành cho khách hàng phụ nữ Việt, chị Phan Kim còn bày bán cả áo đầm cho nữ giới Mexico đủ lứa tuổi. Đa dạng để dễ bán là nguyên tắc kinh doanh của chị Phan Kim.
Sát bên cạnh là quầy E7 bán đủ loại cây ăn trái, cây cảnh, từ đào, táo, ổi, cam quít… cho đến hoa lan. Chủ nhân quầy là cô Lan, người phụ nữ nếu không đủ sức khoẻ thì không thể nào tự lái chiếc xe van chở cây từ vườn đến chợ trời mỗi tuần 2 buổi. Đặc biệt, quầy “cây nhà lá vườn” của Lan có bán cả sả, mãng cầu và thỉnh thoảng là chuối sứ, nên tôi cũng là một khách hàng quen thuộc của cô.
Tôi thường xuyên đến quầy của Lan từ khi cô còn mẹ, và cụ là người đứng bán hàng trong khi Lan chỉ là người phụ việc. Lan cho biết, đó là cái nghề “mẹ truyền con nối” của cô khi đặt chân đến đất Mỹ. Nhiều người Việt nói rằng, họ tìm đến quầy hàng của cô Lan để được yên tâm, và hy vọng cây mang về trồng không bị chết yểu.
Có một sự thật là dù chiếm con số không ít ở chợ trời Golden West về số người bán cũng như người mua, các chủ sạp người Việt Nam kinh doanh ở đây chỉ khai thác một số sản phẩm thông thường như sách báo, cây trồng, vật dụng gia đình, hàng cũ gom từ “gara sale.” Tất cả các sạp bán hàng có giá trị lớn thường nằm trong tay của người Mexico, đặc biệt là vải vóc và quần áo cũ. Họ thường xuyên chuyển các bộ quần áo thời trang, hàng hiệu đắt tiền trở về quê nhà để bán lại kiếm lời.
Phần lớn quầy kinh doanh các sản phẩm đắt tiền và luôn luôn đông khách này nằm trong tay người Mỹ gốc Mexico vì một lẽ giản dị là họ có nhiều tiền và chịu tung tiền ra kinh doanh ở chợ trời, so với người Việt Nam.
Người Việt và nghề Nails ở Mỹ: Từ tỉ phú đến trắng tay
Từ 2008, khủng hoảng kinh tế lan rộng ra cả Mỹ và toàn thế giới, nghề nails cũng đi vào suy thoái. Việc kiếm tiền trở nên chật vật hơn khi người Mỹ cắt giảm nhu cầu làm đẹp.