Những vấn đề gai góc trên bàn nghị sự Trump - Tập
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự đoán đối mặt hàng loạt vấn đề gai góc như Triều Tiên, Đài Loan, Biển Đông hay thương mại song phương tại cuộc gặp mặt vào tháng tới.
07:03 28/03/2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp mặt tại Florida vào tháng tới. Ảnh: CNN |
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngồi lại với nhau tại cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa họ vào tháng tới ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Palm Beach, bang Florida, Mỹ, hai người có thể tận hưởng những làn gió êm dịu và khung cảnh thanh bình nơi đây. Song mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc chắc chắn vẫn phức tạp và lạnh giá như nó vốn thế kể từ thời cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan, theo New York Times.
Danh sách những vấn đề nghị sự có khả năng gây ra những rạn nứt mới giữa hai quốc gia rất dài, ví dụ như việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, lời đe dọa chiến tranh thương mại trong chiến dịch tranh cử của Trump hoặc căng thẳng đang leo thang về vấn đề Biển Đông và Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc xem là một phần không thể tách rời, sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết, chuyên gia đánh giá.
Tranh cãi về nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc cũng phản ánh mối lo ngại ẩn bên trong.
Các quan chức Trung Quốc đề xuất tiến hành gặp mặt ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump với lý do nêu ra là điều này sẽ giúp hai nhà lãnh đạo thoải mái và thân mật hơn so với việc tổ chức cuộc gặp cấp cao tại Nhà Trắng. Điều quan trọng không kém là việc gặp gỡ ở Mar-a-Lago sẽ giúp giảm áp lực cho hai nhà lãnh đạo nếu phải đưa ra bất cứ thỏa thuận nào được xem là không thực tế trước bối cảnh hiện tại.
Tỏ rõ chính sách Trung Quốc
Cây bút Mark Landler từ New York Times nhận định đối với nội bộ chính quyền Trump, cuộc gặp là cơ hội để tỏ rõ bản chất của chính sách chưa dứt khoát đối với Trung Quốc. Nhà Trắng đang chia thành nhiều phe, trong đó phe thiên về lý tưởng chống Trung Quốc đang đối đầu với phe thực dụng hơn.
Jared Kushner, con rể ông Trump, nổi lên như một tiếng nói dung hòa có sức ảnh hưởng. Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết Kushner can dự sâu vào việc lên kế hoạch cho cuộc gặp và còn tham gia cuộc họp ở Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) hôm 13/3, bàn về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên.
Giới chức Nhà Trắng cho hay chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo đang được thảo luận.
Thư ký báo chí Sean Spicer đã nhấn mạnh đến những thách thức của cuộc gặp song bày tỏ tin tưởng rằng nó sẽ "giúp tháo gỡ căng thẳng về vấn đề Triều Tiên".
Trung Quốc phản đối gay gắt kế hoạch Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc để giúp nước này phòng thủ trước các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.
Dù Bắc Kinh phàn nàn, giới chuyên gia cho rằng hệ thống THAAD có lẽ chỉ giống như một nỗi lo lắng tạm thời của Trung Quốc nếu so với những xung đột đang có nguy cơ bùng nổ giữa hai cường quốc về vấn đề thương mại hay tranh chấp ở Biển Đông.
Mặt khác, chính quyền Trump cũng dự định bán cho Đài Loan một gói vũ khí lớn. Động thái này chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc.
Thương vụ trên được dự đoán sẽ làm gợi nhớ đến quyết định phá vỡ nghi thức ngoại giao Mỹ - Trung của Trump khi ông điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hồi cuối năm ngoái, đồng thời công khai chất vấn chính sách Một Trung Quốc, vốn là nền tảng then chốt trong mối quan hệ Mỹ - Trung.
Áp lực chính trị
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc họp của Hội nghị Chính hiệp Toàn quốc ở Bắc Kinh hôm 13/3. Ảnh: AFP |
"Mối bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ hiện gay gắt hơn so với giai đoạn khó khăn trong quan hệ hai nước vào những năm đầu tiên của các chính quyền tổng thống Bill Clinton hay Ronand Reagan", Evan Medeiros, cựu giám đốc cấp cao phụ trách vấn đề châu Á tại NSC dưới thời chính quyền Barack Obama, cho biết.
"Cuộc gặp sắp tới là một chương trình nghị sự lớn và thực sự mang tính đối kháng", ông nhận xét. Medeiros cho rằng áp lực chính trị ở mỗi nước cũng sẽ góp phần làm phức tạp thêm cho lập trường của hai bên tại cuộc gặp.
Ông Tập đang chuẩn bị cho Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào mùa thu năm nay. Trong khi đó, Trump đã vận động tranh cử dựa trên cương lĩnh chống Trung Quốc, cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ và đe dọa áp thuế 45% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Các kiến trúc sư của chính sách chống Trung Quốc bao gồm Stephen Bannon, chiến lược gia trưởng cho Trump, và Peter Navarro, giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia. Cả hai đều có tầm ảnh hưởng lớn tại Nhà Trắng dù chưa bao giờ công khai lên tiếng về Trung Quốc.
Trong một bài phát biểu gần đây tại Hiệp hội các Nhà kinh tế Thương mại Quốc gia (NABE), ông Navarro đã nêu ra câu hỏi: "Tại sao một công ty Trung Quốc có thể sản xuất trên đất Mỹ và thoải mái bán hàng hóa vào thị trường chúng ta mà một công ty Mỹ sản xuất trên đất Trung Quốc lại phải góp vốn 50% để liên doanh với đối tác Trung Quốc và chịu nguy cơ hiện hữu là bị mất tài sản sở hữu trí tuệ?".
Song trong một cuộc phỏng vấn, Navarro từ chối thảo luận về chính sách Trung Quốc đang thay đổi và nói rằng nội dung chính sách này vẫn còn là vấn đề "tuyệt mật".
Chiến lược gia Bannon từng cảnh báo trên chương trình truyền thanh do ông tổ chức rằng Mỹ "sẽ tham chiến ở Biển Đông trong 5 - 10 năm tới".
"Họ (Trung Quốc) đang chiếm giữ những bãi cát (ở Biển Đông) và về cơ bản, biến chúng thành những 'tàu sân bay cố định' rồi đưa tên lửa đến đây. Họ tới ngay trước mặt chúng ta. Các bạn cũng hiểu bộ mặt quan trọng thế nào rồi", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm bước vào Nhà Trắng, Bannon cũng ít khi đả động đến Trung Quốc.
Kushner - cầu nối nhạy cảm với Trung Quốc
Việc Jared Kushner, con rể Trump, tham gia xây dựng chính sách đối với Trung Quốc được xem là vấn đề nhạy cảm. Ảnh: New York Times |
Nếu Bannon và Navarro im hơi lặng tiếng về Trung Quốc, Kushner lại nổi lên như một gương mặt trung tâm. Kushner là người sắp xếp một cuộc gọi hòa giải giữa ông Trump và ông Tập hồi tháng trước, ở đó, Trump cam kết tôn trọng chính sách Một Trung Quốc tồn tại 4 thập kỷ qua.
Để sắp xếp cuộc gọi, Kushner và vợ Ivanka Trump đã nhờ cậy sự giúp đỡ từ đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải. Ivanka Trump và con gái Arabella, 5 tuổi, từng dự một buổi tiệc chiêu đãi tại đại sứ quán Trung Quốc nhân dịp Tết cổ truyền Trung Quốc. Trong khi đó, Kushner đang trao đổi với ông Thôi về chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Tập.
Việc Kushner tham gia xây dựng chính sách với Trung Quốc được đánh giá là một vấn đề nhạy cảm bởi ông đang thuyết phục tập đoàn bảo hiểm Anbang, Trung Quốc, đầu tư vào dự án xây dựng lại cao ốc văn phòng 666 Fifth Ave ở Manhattan, New York. Tòa nhà này là tài sản có giá trị nhất thuộc đế chế bất động sản gia đình Kushner. Hôm 13/2, Bloomberg News cho hay Anbang đã nhất trí đầu tư cho dự án trên hơn 400 triệu USD.
Theo cây bút Mark Landler, Triều Tiên sẽ là phép thử sớm cho cách tiếp cận Trung Quốc của chính quyền Trump. Nhà Trắng đã tỏ ra hờ hững khi Bắc Kinh đề xuất yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử tên lửa, đổi lại, Washington và Seoul phải dừng những cuộc tập trận chung tại Hàn Quốc, được cả hai nước chú trọng. Giới chuyên gia dự đoán tại cuộc gặp sắp tới, ông Tập sẽ nhắc lại đề xuất này với Trump, đồng thời gợi ý rằng quả bóng bây giờ đang ở phần sân Mỹ.
"Những bất đồng về chính sách đối với Trung Quốc không mới. Tuy nhiên, những bất đồng này giờ đây gay gắt hơn vì một số tiếng nói trong chính quyền Mỹ hiện tại cực đoan và hành xử đơn phương hơn trước", Michael J Green, cựu giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á tại NSC dưới thời Tổng thống George W Bush, bình luận.
Trung Quốc cảnh báo Nhật điều tàu chiến lớn nhất đến Biển Đông
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh chưa nhận thông báo của Tokyo về việc điều tàu chiến Izumo đến Biển Đông, nêu nghi vấn về mục đích của kế hoạch này.