Nơi hàng trăm học sinh nhập cảnh vào Mỹ mỗi ngày
Mỗi ngày, hàng trăm học sinh ở Palomas, Mexico lại làm thủ tục tại chốt kiểm soát biên giới nhập cảnh vào Mỹ để đi học.
13:25 09/06/2017
Cô bé JoAnna Rodriguez, học sinh lớp 5, lên xe buýt chuẩn bị tới trường học thì chợt nhận ra mình quên một thứ quan trọng. Không phải bài tập về nhà hay bữa ăn trưa. Cô bé vừa gọi điện về nhà vừa lục tìm trong chiếc cặp xách hình con ngựa. “Mẹ, con quên hộ chiếu”, JoAnna nói. Cô bé 11 tuổi này cần hộ chiếu để chứng minh em là công dân Mỹ. JoAnna là một trong gần 800 học sinh người Mỹ sống ở Palomas, Mexico, cùng cha mẹ, những người từng cư trú bất hợp pháp ở Mỹ và đã bị trục xuất về nước.
Không để con chịu thiệt thòi
Cứ đúng 8h mỗi sáng, các em nhỏ này lại xếp thành hàng dài ở cửa khẩu kiểm soát của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ để làm thủ tục nhập cảnh. “Trong cặp cháu có gì thế?”, một nhân viên hải quan hỏi. “Kẹo ạ”, bé gái mặc váy hồng trả lời.
Sau khi kiểm tra an ninh xong, các em được phép nhập cảnh vào New Mexico (Mỹ). Mẹ các em đứng ở phía bên kia biên giới vẫy tay chào tạm biệt. Bang New Mexico cho phép tất cả trẻ em là công dân Mỹ, dù sinh sống ở đâu, đều được đi học miễn phí ở các trường công lập. Mỗi sáng, nhiều xe buýt đợi bên phía biên giới Mỹ để chở các em tới trường cách đó khoảng 8km.
Cha JoAnna Rodriguez, ông Jesus Rodriguez là một thợ cơ khí. Ông là người lạc quan, yêu động vật và thích cảnh miền quê. Mẹ JoAnna Rodriguez, cô Arianna Rodriguez, 30 tuổi là người chu đáo và cởi mở. Nhưng giữa họ có sự khác biệt lớn. Mẹ JoAnna là người Mỹ còn cha bé thì không. Ông Jesus, 35 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Zacatecas, Mexico. Ông bị trục xuất khỏi Mỹ hồi năm 2007 sau khi bị bắt giữ vì vượt biên trái phép vài lần.
Sau khi Jesus bị trục xuất cách đây 10 năm, ông tới một thị trấn biên giới ở Chihuahua, Mexico, nơi có người thân sinh sống. Không để con cái phải chịu thiệt thòi vì mất đi những cơ hội ở Mỹ, vợ chồng Jesus thống nhất, Arianna cùng các con sẽ ở lại Hatch, New Mexico. Quyết định này buộc gia đình họ phải sống cách xa nhau trong 5 năm.
Dịp cuối tuần, bà Arianna lái xe mất 2 tiếng đồng hồ chở con gái tới thăm chồng. Lúc hai mẹ con phải rời đi, bé JoAnna thường xin mẹ cho ở lại cùng cha. “Các con tôi không có thời gian bên cạnh cha. Những nụ hôn chúc ngủ ngon mỗi tối, chiếc răng sữa đầu tiên rụng… tất cả những khoảnh khắc đó chồng tôi đều bỏ lỡ”, Arianna nói.
Gia đình đoàn tụ nhờ trường
Khi Arianna lần đầu tiên nghe được thông tin về việc một trường tiểu học ở New Mexico mở lớp dạy những học sinh là công dân Mỹ sống ở Mexico, bà tỏ ra hoài nghi, không tin đó là sự thật nên đã tới thăm trường Tiểu học Columbus. Hiệu trưởng nhà trường, Armando Chavez cho biết, 2/3 trong số 700 học sinh theo học tại trường sống ở Palomas. Các em đều là công dân Mỹ.
Tại ngôi trường song ngữ này, trong khi học sinh lớp một đang ngồi học viết các câu bằng tiếng Anh, thì ở cuối hành lang, các học sinh lớp hai đang tập trung học ngữ pháp tiếng Tây Ban Nha. Hàng sáng, tất cả học sinh trong trường làm lễ chào cờ bằng cả hai thứ tiếng. Nhờ có ngôi trường này, mà gia đình Arianna được đoàn tụ. Ba ngày sau khi thăm trường, Arianna chở con gái tới Palomas để gia đình họ được sống cùng nhau.
Các ngôi trường gần biên giới hai nước tại các bang khác của Mỹ như Texas và California, cũng dạy cho học sinh sống ở Mexico, nhưng không được miễn học phí. Đây hầu hết là những trường tư nên nhiều gia đình không có đủ tiền cho con theo học tại đây.
Jesus Rodriguez đã chờ đợi 10 năm để theo đuổi con đường pháp lý đấu tranh cho việc trở lại Mỹ. Nhưng anh và gia đình lo ngại những chính sách nhập cư nghiêm ngặt dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dập tắt giấc mơ của họ. Gia đình đã thuê một luật sư chuyên về nhập cư từ El Paso, và Jesus đã làm đơn với mong muốn trở thành một công dân Mỹ hợp pháp.
Mỗi chiều, Jesus quay trở lại khu vực biên giới mà anh không thể vượt qua để đón con gái sau giờ tan học. Sau khi các quan chức biên giới Mexico thực hiện quy trình kiểm tra an ninh đối với cặp xách của các học sinh, 2 chị em JoAnna lại chạy nhanh tới chiếc xe tải của cha đang chờ sẵn để trở về nhà ở Mexico.
Thị thực sau tốt nghiệp cho du học sinh Mỹ
Quy định về các loại thị thực cho du học sinh muốn ở lại Mỹ làm việc sau tốt nghiệp.