Nữ du học sinh Việt tốt nghiệp thủ khoa đầu tiên ngành Dược tại Mỹ: ‘Tôi muốn đưa các dự án quốc tế về Việt Nam’
Tốt nghiệp thủ khoa đầu tiên ngành Dược tại Mỹ, Nguyễn Thị Hồng Ngọc (28 tuổi, Bình Định) đã nhận được vô vàn cơ hội làm việc lớn. Tuy nhiên, trong tương lai, cô nàng vẫn mong muốn có cơ hội sẽ đưa các dự án quốc tế về Dược về Việt Nam.
11:00 11/05/2021
Ngày 3/5, nữ du học sinh Nguyễn Thị Hồng Ngọc (28 tuổi, Bình Định) đã vượt qua hàng nghìn sinh viên để xuất sắc trở thành thủ khoa ngành Dược đầu tiên tại trường ĐH Tyler bang Texas (Mỹ). Câu chuyện về phát biểu tự hào trước toàn trường và lời cảm ơn ngọt ngào bằng tiếng Việt khiến ai nấy đều cảm phục cho nghị lực phi thường của cô gái bé nhỏ.
Nhưng với Ngọc, tất cả chỉ là bước khởi đầu cho con đường ‘cứu người’ và tương lai gần nhất có thể đưa các dự án Dược quốc tế về Việt Nam.
Trước thông tin về nữ du học sinh Việt tốt nghiệp thủ khoa đầu tiên ngành Dược tại Mỹ, tạp chí điện tử Saostar cũng đã có buổi chia sẻ với Hồng Ngọc.
Chào Ngọc, sau khi tốt nghiệp thủ khoa đầu tiên ngành Dược tại Mỹ, cuộc sống hiện tại của chị thế nào?
Mình vẫn đang ôn thi để lấy bằng hành nghề thôi. Ở Mỹ, tốt nghiệp ngành Dược với tấm bằng Doctor of Pharmacy chỉ là bước đầu tiên để mình đủ điều kiện đăng ký dự thi thôi. Mình phải trải qua một kỳ thi chuyên môn kéo dài 6 tiếng và một kỳ thi luật kéo dài 2 tiếng nữa thì mới được cấp bằng để đi làm.
Sau thành tích lớn của mình như thế, chị chắc chắn đã nhận được nhiều cơ hội làm việc chứ? Chị dự tính thế nào?
Giữa tháng 3 năm nay mình được nhận vào 1 trong 3 vị trí thực tập sinh ở Methodist Dallas Medical Center. Công việc này kéo dài trong vòng 1 năm.
Sau đó mình dự tính xin vào một vị trí thực tập như vậy nữa để nghiên cứu chuyên sâu vào thuốc điều trị ung thư. Song song với đó mình cũng muốn tham gia giảng dạy ở các trường Y Dược trong khu vực; hiện tại trường ĐH Tyler cũng ngỏ ý muốn mình về dạy theo tiết, có lẽ sang năm mình mới sắp xếp được.
Cuối cùng thì mình cũng muốn học thêm về quản lý hệ thống y tế và về quản trị kinh doanh nữa, nên có lẽ con đường học hành của mình còn dài lắm.
Không biết Ngọc xa Việt Nam bao lâu rồi?
Mình qua Mỹ từ tháng 12/2011, cũng được gần 10 xa Việt Nam rồi. (Cười).
Giấc mơ du học đã nhen nhóm trong Ngọc từ khi nào?
Là học sinh của khối xã hội, mình rất thích môn tiếng anh từ hồi cấp 3 nên có lẽ giấc mơ du học nhen nhóm từ lúc đó. Tuy nhiên gia đình không muốn con gái phải xa nhà khổ cực nên khuyên mình chọn thi Đại học Quy Nhơn. Mình vẫn hay đùa, ba mẹ không muốn mình đi học xa ở trong TP.HCM, mà con vù một phát qua Mỹ luôn (Cười).
Ngọc đã phấn đấu như thế nào để thực hiện được giấc mơ đó?
Trước tiên là phải chuẩn bị tinh thần tự lập, mạnh mẽ khi sống xa gia đình. Vì không được ba mẹ ủng hộ nên mình phải tự lo giấy tờ, thủ tục và chọn trường cũng như tìm hiểu về những ưu đãi cho sinh viên quốc tế.
Hình ảnh cô nàng thường xuyên cập nhật trên facebook cá nhân rất vui vẻ.
Tiếp nữa là chuẩn bị về mặt kiến thức. Mình ôn thi TOEFL iBT trong một khoảng thời gian rất ngắn, khoảng 1 tháng thôi. Mình cũng có tìm hiểu là trường ĐH tại Mỹ bạn có thể thi vượt lớp nếu kiến thức bạn vững nên mình cũng ôn thêm Toán nữa.
Học ngôn ngữ Anh nhưng lại chọn ngành Dược để du học, điều đó chắc phải gặp nhiều khó khăn?
Thật ra từ đầu mình đã muốn dùng kiến thức về ngoại ngữ để làm thêm một lĩnh vực gì khác, nhưng cũng không đoán được là chuyển hẳn qua một ngành mới như thế này.
Có lẽ mọi thứ là nhờ cái duyên; khi sang bên này mình may mắn xin được việc ở phòng thí nghiệm vi sinh và giải phẫu của trường. Khoảng thời gian đó mình tiếp xúc với nhiều thầy cô và các bạn sinh viên, những người đã giúp mình định hướng nghề nghiệp trong ngành Y Dược. Cuối cùng mình chọn Dược vì cơ hội việc làm phong phú và thời gian học ngắn hơn (6 năm học cùng 2 năm thực tập) so với Y (8 năm học, 3 năm thực tập cơ bản và một số năm khác nếu muốn chuyên sâu). Những ngành này bài vở nhiều nên mình cũng phải hy sinh rất nhiều thời gian cho việc học; cái khó nhất có lẽ là sắp xếp thời gian để vừa học, vừa tham gia công tác xã hội và thời gian cho gia đình cũng như bản thân.
Để thích nghi ngành học, được biết Ngọc đã đăng kí tình nguyện ở các phòng khám miễn phí, giúp đỡ người nghèo,… không biết khoảng thời gian đó diễn ra như thế nào?
Những ngày còn ở Đại học Quy Nhơn mình cũng rất thích đi tình nguyện để phiên dịch cho các đoàn khách quốc tế. Mình thích đi đây đi đó và tiếp xúc với nhiều người. Sau khi ổn định cuộc sống ở Mỹ được một thời gian thì mình tình nguyện đi thăm những người bị bệnh hiểm nghèo. Trải nghiệm này khiến cho mình có cái hiểu sâu sắc hơn về ngành y tế ở Mỹ và quan trọng hơn là trân trọng những giá trị cuộc sống.
Sau khi đậu vào trường Dược, mình tham gia vào các tổ chức sinh viên và những hoạt động tình nguyện 2-3 lần/tháng. Tình cờ mình có biết được một phòng khám thiện nguyện vào cuối tuần. Ban đầu thì có vài bạn trong lớp nữa nhưng sau cùng thì chỉ còn mỗi mình là trụ lại.
Mình thường có mặt ở đó vào khoảng 9h sáng -3h chiều, khám bệnh chung với bác sĩ và tư vấn cho bệnh nhân cách sử dụng thuốc. Những bệnh nhân này thường chỉ có thể mua được một vài loại thuốc mỗi tháng nên mình phải làm sao chọn ra những loại thuốc thiết yếu nhất và rẻ nhất để họ có thể chi trả được.
Những chuyến đi tình nguyện đã cho Ngọc nhiều trải nghiệm đáng quý.
Để học tập thật tốt ở xứ người như vậy chắc chắn Ngọc còn có bí quyết khác?
Mình thường dành thời gian đọc và tóm tắt kiến thức từ sách giáo khoa. Làm như vậy tuy quá trình đọc hiểu có lâu hơn nhưng bù lại khi ôn thi mình chỉ cần nhìn vào bài soạn do mình chuẩn bị thôi chứ không cần đọc lại sách nữa.
Ngoài những kiến thức trong giáo trình ra thì mình cũng thích đọc những tài liệu nghiên cứu khoa học để hiểu rõ hơn về những thứ mình đang học. Mình cũng không “mọt sách” lắm đâu nhưng có lẽ chính sự tò mò đã làm mình hứng thú đọc hiểu hơn. Việc hiểu một vấn đề cũng làm cho mình đỡ tốn công khi phải ghi nhớ điều gì đó.
Trong quá trình học tập và nghiên cứu, Ngọc đã đạt được thành tích gì tiêu biểu nữa không nhỉ?
Mình còn đạt học bổng trong suốt 4 năm học ở cho SV giỏi ĐH Tyler, AACP Walmart Scholar (2018), UT Tyler Award for Academic Excellence (2019)…
Xuất sắc trở thành thủ khoa của ĐH Tyler, không biết cảm xúc gia đình và bạn bè Ngọc thế nào, có ai qua chung vui không?
Ba mẹ có sang dự lễ Tốt nghiệp của mình. Có lẽ vui nhất là khi đọc diễn văn Tốt nghiệp mình tranh thủ chèn một câu tiếng Việt để cảm ơn ba mẹ, dù cả hội trường đều không hiểu mình nói gì nhưng đã vỗ tay cổ vũ. Rất nhiều bạn bè cũng chúc mừng và thông qua cơ hội này mình được trò chuyện với nhiều bạn đã lâu mất liên lạc.
Tương lai Ngọc cũng muốn đưa các chương trình về ngành Dược quốc tế về để giúp đỡ Việt Nam.
Không biết chị có ý định nào để quay trở về việt Nam làm việc và phục vụ cộng đồng không?
Hiện tại mình vẫn muốn tập trung vào công việc ở Mỹ để nâng cao chuyên môn. Trong tương lai mình vẫn muốn tham gia vào những dự án trong nước chú trọng về việc nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Mình có biết một vài tổ chức y tế nói chung và trong ngành Dược nói riêng có tổ chức những chương trình như vậy, và mình ước mong được tham gia cũng như góp phần đưa những dự án mới về Việt Nam.
Nếu có một lời nhắn gửi tới các bạn trẻ Việt Nam nói chung và những người có đam mê du học nói riêng, chị sẽ nhắn gửi điều gì?
Hãy kiên định với ước mơ của mình. Đôi khi bạn phải hy sinh những điều dễ dàng để bước vào con đường chông gai hơn, nhưng nếu bạn bỏ công với nó thì chắc chắn thành quả sẽ xứng đáng.
PV
Zuckerberg không thể né tránh việc phán quyết về tài khoản ông Trump
Hội đồng giám sát của Facebook đã đưa ra phán quyết cấm tạm thời tài khoản cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, hội đồng này cũng phê phán Facebook đã né tránh trách nhiệm.