Ống hút nhựa của ông Trump
Ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã dội gáo nước lạnh vào các nỗ lực giảm rác thải nhựa toàn cầu: ông ký sắc lệnh ngừng mua ống hút giấy tại các cơ quan liên bang, quay lại với ống hút nhựa.
08:24 16/02/2025
Lý do ông đưa ra - ống hút giấy "không hiệu quả", "vỡ nát khi ngấm nước" - lập tức khơi lên một làn sóng tranh cãi.
Tổng thống Trump từ lâu đã phản đối các chiến dịch tẩy chay ống hút nhựa. Năm 2020, đội ngũ vận động tranh cử của ông thậm chí còn bán ống hút nhựa tái sử dụng trên website chính thức.
Vậy tại sao hút ống nào lại là câu chuyện chia phe tranh cãi?
Để hiểu rõ vấn đề, cần đặt câu hỏi căn bản: ưu nhược điểm của ống hút giấy và ống hút nhựa là gì, dựa trên căn cứ khoa học và tiêu chí LCA (Đánh giá vòng đời sản phẩm).
Trước hết, ống hút nhựa được sản xuất từ dầu mỏ, với quy trình đơn giản và chi phí thấp, tạo ra sản phẩm có độ bền cao - không dễ bị hỏng hay vỡ trong quá trình vận chuyển và sử dụng. Một lợi thế của ống hút nhựa là khả năng tái chế nếu được thu gom đúng cách. Tuy nhiên, khuyết điểm lớn nhất của nó chính là thời gian phân hủy kéo dài hàng trăm năm, dẫn đến sự tích tụ của vi nhựa trong môi trường, gây nguy hại cho động vật biển cũng như sức khỏe con người.
Ngược lại, ống hút giấy được làm từ nguồn nguyên liệu tái tạo như gỗ hay tre, có khả năng phân hủy sinh học chỉ trong vòng 6-24 tuần - một điểm sáng được nhiều người ca ngợi. Nhưng đằng sau "hào quang xanh" ấy là quá trình sản xuất tốn kém tài nguyên: tiêu thụ lượng lớn nước, năng lượng và hóa chất để tạo ra sản phẩm đạt chuẩn. Một số nghiên cứu, chẳng hạn báo cáo từ nhóm nghiên cứu của giáo sư Poritosh Roy (University of Guelph, Canada), cho thấy lượng khí nhà kính thải ra trong suốt vòng đời của ống hút giấy có thể cao hơn từ 25% đến 100% so với ống hút nhựa. Vì vậy, nếu chỉ xét về mặt LCA thì "xanh" của ống hút giấy chưa hẳn là một con số thực sự hiệu quả.
Trong số các loại rác thải nhựa, ống hút nhựa chiếm một phần nhỏ. Thậm chí, nếu toàn bộ ống hút nhựa trên thế giới bị ném xuống biển, chúng cũng chỉ chiếm khoảng 0,02% trong số 8 triệu tấn chất thải nhựa đổ vào đại dương mỗi năm, theo National Geographic, thống kê năm 2018. Lưới đánh cá bị bỏ lại hoặc thất lạc trên biển - nôm na là "lưới ma" - mới đóng góp đáng kể vào ô nhiễm nhựa đại dương, thậm chí bẫy và giết chết nhiều loài sinh vật.
Thêm vào đó, việc tập trung vào vấn đề ống hút như một "nút thắt" riêng lẻ của rác thải nhựa là cách tiếp cận nửa vời. Con người có thể hô hào "bỏ ống hút nhựa, dùng ống hút giấy" nhưng nếu trong khi đó, ly, bao bì, nắp chai - những bộ phận không kém phần gây ô nhiễm - tiếp tục được sử dụng, thì bài toán môi trường vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Theo số liệu của Ngân hàng World Bank, mỗi năm thải ra môi trường trên đất liền khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa, trong đó ít nhất 10% (tương đương 310.000 tấn) rò rỉ vào sông và biển. Phần lớn trong số này là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Nếu chỉ thay đổi ống hút mà không cải tiến toàn bộ chuỗi sản xuất và tiêu dùng, thì chúng ta chỉ đang "dán băng hờ" cho một vết thương sâu của môi trường.
Quyết định của đã mở ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu các giải pháp "xanh" như vậy có thực sự mang lại lợi ích môi trường hay chỉ là hình thức. Nếu chỉ dừng lại ở việc thay đổi loại ống hút trong khi toàn bộ hệ thống tiêu dùng sản phẩm nhựa vẫn không được cải tiến, thì nỗ lực bảo vệ môi trường chỉ là những bước đi nửa vời, không đủ để xóa bỏ gốc rễ của ô nhiễm.
Để thực sự bảo vệ môi trường, theo tôi, cần tập trung vào phân loại và tái chế rác thải, thay vì hô hào nhỏ lẻ, phong trào hiện nay. Việc phân loại rác tại nguồn giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, đồng thời mang lại nhiều lợi ích khác như tạo ra nguồn nguyên liệu tái chế cho sản xuất và giảm chi phí xử lý rác. Tái chế một tấn nhựa giúp tiết kiệm 5.774 kWh năng lượng, 16,3 thùng dầu, theo Plastic For Change.
Khoảng 0,11-0,4 euro là số tiền người mua ở Phần Lan phải đặt cọc khi cầm theo một chai nước hay lon bia, tùy vào loại bao bì. Và cũng chính khoản tiền này sẽ quay lại túi họ nếu chịu khó mang vỏ chai đến máy hoàn trả. Cơ chế đơn giản, lợi ích rõ ràng, và quan trọng hơn cả: nó ăn sâu vào đời sống như một thói quen.
Thói quen này sẽ giúp giảm lượng rác nhựa vương vãi trong môi trường, đặc biệt ở các khu vực sông, biển. Thêm vào đó, người tiêu dùng có động lực để tái chế, vì mỗi lần trả vỏ chai là một lần tiền về túi. Quan trọng hơn, hệ thống này tạo ra một vòng tuần hoàn bền vững, nơi nhựa không bị vứt bỏ mà quay lại quy trình sản xuất, giảm phụ thuộc vào tài nguyên mới.
Còn ở Đức, cảnh người dân xếp hàng, tay xách nách mang túi chai lọ để đổi tiền đã trở nên quen thuộc. Không cần máy móc, đặt cọc như ở Phần Lan, họ mang vỏ chai đến thẳng cửa hàng, nhận lại tiền, thế là xong. Một quy trình vận hành trơn tru, không cần hô hào, không cần cấm đoán, chỉ cần đánh vào đúng nhu cầu kinh tế của con người.
Tất nhiên, hệ thống này cũng đối mặt với không ít thách thức. Xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng thu gom, tái chế đòi hỏi nguồn đầu tư lớn vào công nghệ, thiết bị và mạng lưới rộng khắp. Chưa kể, không phải loại chai nhựa nào cũng có thể tái chế hiệu quả, đòi hỏi quy trình phân loại chính xác ngay từ khâu thu gom.
Bài học cho không chỉ nằm ở việc áp dụng mô hình đặt cọc chai lọ, mà quan trọng hơn, là xây dựng một hệ thống thu gom và tái chế nhựa mạnh mẽ và bền vững. Hạ tầng thu gom phải chạy nhịp nhàng như mạch máu, doanh nghiệp phải thấy "lợi" trong từng gram nhựa, thủy tinh thu hồi, còn người dân phải coi việc thu gom trả chai như nếp quen chạm vào ý thức.
Nếu làm được tất cả điều này, Việt Nam không chỉ giảm bớt lượng rác nhựa mà còn có thể tiến gần đến một phần của nền kinh tế tuần hoàn thực thụ.
Trình Phương Quân
![Mỹ trục xuất nhóm người Việt và nhiều nước châu Á tới Panama Mỹ trục xuất nhóm người Việt và nhiều nước châu Á tới Panama](https://media.tinnuocmy.asia/thumb_x239x156/files/2025/02/14/my-truc-xuat-nhom-nguoi-viet-va-nhieu-nuoc-chau-a-toi-panamathumb2.jpg)
Mỹ trục xuất nhóm người Việt và nhiều nước châu Á tới Panama
Mỹ đưa 119 người di cư với nhiều quốc tịch như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ đến Panama, theo thỏa thuận để đất nước Trung Mỹ làm điểm dừng chân cho người bị trục xuất.