Ông Trump 'lột xác chương trình thị thực H1-B', cơ hội nào cho lao động nước ngoài?
Mục tiêu cuối cùng của sắc lệnh mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký là bỏ chương trình thị thực H1-B kiểu xổ số hiện nay vốn chỉ kéo được người lao động chấp nhận lương thấp. Thay vào đó, Mỹ sẽ hướng tới một hệ thống ưu đãi hơn với lao động nước ngoài trình độ cao hơn, tay nghề cao hơn.
00:44 21/04/2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký một sắc lệnh hướng dẫn các cơ quan liên bang thực thi mệnh lệnh “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” mà ông Trump đã nhấn mạnh từ khi tranh cử tổng thống. Sắc lệnh này sẽ ảnh hưởng thế nào tới người lao động nước ngoài tay nghề cao muốn làm việc ở Mỹ, trong đó có người Việt Nam?
Hàng Mỹ, người Mỹ, nước Mỹ
Phát biểu trước các sinh viên kỹ thuật và nhân viên sản xuất tại trụ sở công ty Snap-On Tools, một công ty sản xuất ở Wisconsin, ông Trump ngày 18/4 (giờ Mỹ) nói trước khi ký sắc lệnh: “Sắc lệnh mua hàng và thuê người Mỹ tôi sắp ký sẽ bảo vệ người lao động và sinh viên như các bạn”. Ông Trump khẳng định sắc lệnh sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc sản xuất và sử dụng hàng hóa tại Mỹ, đồng thời đảm bảo người lao động Mỹ được thuê làm việc.
Theo các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, sắc lệnh nhằm tăng cường bảo vệ một số hàng hóa nhất định sản xuất tại Mỹ và kêu gọi xem xét lại chương trình thị thực H-1B dành cho người lao động nước ngoài tay nghề cao, tiến tới cải cách chương trình này.
Giới chức Mỹ ca ngợi sắc lệnh hành chính mới của ông Trump là bước đi lịch sử giúp bảo vệ người lao động cũng như các nhà sản xuất Mỹ. Chính quyền của ông Trump cho rằng hai đối tượng này bị tổn thương do thực thi các luật “mua hàng Mỹ” lỏng lẻo và chủ doanh nghiệp lạm dụng chương trình thị thực H1-B để tuyển lao động nước ngoài.
Tuy nhiên, sắc lệnh hành chính này không trực tiếp thay đổi cơ bản cả luật về “mua hàng Mỹ” cũng như chương trình H1-B, mà chỉ khởi xướng một loạt đánh giá, rà soát, kêu gọi các cơ quan liên bang bắt đầu đề xuất thay đổi các chương trình.
Theo kênh CNN, sắc lệnh sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng tới các cơ quan liên bang chịu trách nhiệm thực thi các chương trình liên quan, muốn họ quyết liệt hơn trong bảo vệ người Mỹ. Hai chương trình “thuê người Mỹ” và “mua hàng Mỹ” đều bị xem nhẹ trong thời gian qua.
Trên mặt trận “thuê người Mỹ”, sắc lệnh chỉ thị cho các cơ quan liên quan nghiêm túc thực thi luật thị thực H1-B, đề xuất cải cách để ngăn chặn gian lận, đảm bảo thị thực được cấp cho các ứng viên lành nghề nhất.
Trên mặt trận “mua hàng Mỹ”, sắc lệnh kêu gọi các cơ quan thực thi nghiêm ngặt hơn luật về việc mua sắm hàng Mỹ trong chính phủ liên bang và sử dụng thép, sắt sản xuất tại Mỹ trong các dự án có vốn liên bang. Qua sắc lệnh này, ông Trump muốn sử dụng tiền thuế của người Mỹ để mua hàng Mỹ.
Thị thực xổ số
Chương trình thị thực H1-B nhằm thu hút lao động tay nghề cao vào Mỹ làm việc trong một số lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cho rằng giới chủ lao động đã lạm dụng chương trình để thuê người lao động nước ngoài chấp nhận hưởng lương thấp hơn người Mỹ. Do đó, người Mỹ đã mất cơ hội việc làm, hưởng lương thấp hơn và không có cơ hội được đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật.
Theo Bộ Lao động Mỹ, khoảng 40% thị thực H1-B được cấp cho lao động nước ngoài trình độ bình thường và 40% cho người ít kinh nghiệm và kỹ năng.
Các công ty công nghệ hàng đầu Mỹ tuyển dụng hàng nghìn người lao động có thị thực H1-B. Hàng nghìn công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon cũng thuê một số lao động H1-B.
Hiện nay, H1-B được cấp theo kiểu xổ số ngẫu nhiên. Khoảng 65.000 thị thực được cấp mỗi năm, trong đó 20.000 thị thực được cấp cho các ứng cử viên có bằng thạc sĩ trở lên. Thống kê cho thấy khoảng 70% thị thực H1-B được cấp cho người Ấn Độ. Theo trang plo.vn, trong năm tài chính 2015, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp 457 thị thực H1-B cho công dân Việt Nam.
Vì số đơn nhiều nên sau khi nhận đủ, USCIS sẽ cho quay xổ số các đơn để lựa chọn ngẫu nhiên các đơn sẽ xét. Các ứng viên có bằng cấp cao sẽ được ưu tiên trước.
Nhiều người được cấp H1-B thường tới khu vực Thung lũng Silicon để làm việc với mức lương 65.000 – 75.000 USD/năm thông qua các công ty như Tata, Infosys, Cognizant. Google và Microsoft có thể trả lương tới 100.000 USD/năm.
Thị thực H1-B là loại thị thực rất phổ biến và đơn xin cấp thị thực nhiều tới mức chỉ vài ngày Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) đã nhận đủ mức trần thị thực. Theo tờ New York Times, năm 2017, USCIS nhận đủ đơn xin thị thực H1-B trong bốn ngày.
Cửa hẹp cho người lao động nước ngoài?
Trong bối cảnh đó, mục tiêu cuối cùng của sắc lệnh mới mà ông Trump vừa ký là bỏ chương trình thị thực kiểu xổ số H1-B hiện nay vốn chỉ kéo được người lao động chấp nhận lương thấp. Thay vào đó, Mỹ sẽ hướng tới một hệ thống ưu đãi hơn với lao động nước ngoài trình độ cao hơn, tay nghề cao hơn. Một quan chức Mỹ nói: “Chúng tôi sẽ thiết lập cấu trúc mới hoàn toàn trong cấp các loại thị thực này. Đây là sự lột xác hoàn toàn chương trình H1-B”.
Các cơ quan chính phủ có nhiệm vụ đề xuất cải cách thị thực là Bộ Lao động, Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao. Mục tiêu là triệt tiêu tình trạng gian lận, lạm dụng thị thực H1-B.
Hiện tại, sắc lệnh không làm thay đổi điều kiện xét thị thực H1-B mà nhiều lao động nước ngoài tay nghề cao, trong đó có lao động Việt Nam, thường xin để làm việc tại Mỹ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, giới chủ ở Thung lũng Silicon và người muốn xin thị thực H1-B sẽ sớm phải tuân theo quy định cải cách mà ít nhất bốn cơ quan liên bang Mỹ sẽ phải đề xuất theo chỉ thị của sắc lệnh.
Xét mục tiêu của sắc lệnh mới, có thể hiểu rằng trong tương lai không xa, người lao động nước ngoài sẽ không còn được dựa vào may rủi khi xin thị thực H1-B với kiểu quay xổ số hiện nay, mà họ phải dựa vào trình độ và năng lực chuyên môn. Với các du học sinh nước ngoài muốn ở lại Mỹ làm việc sau khi học xong, trong đó có du học sinh Việt Nam, cơ hội xin được thị thực H1-B có thể sẽ bị thu hẹp khi có quy định mới vì áp lực cạnh tranh với lao động Mỹ và các nước khác sẽ cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sắc lệnh của ông Trump có thể có mục đích tốt nhưng không tính tới thực tế rằng các trường ở Mỹ tụt hậu so với nhiều quốc gia về giáo dục kỹ thuật, khiến một số ứng cử viên Mỹ kém chất lượng hơn ứng cử viên nước ngoài. Báo cáo của Trung tâm Pew hồi tháng 2 cho thấy thành tích của học sinh Mỹ trong các môn khoa học, toán, đọc chỉ đứng ở giữa bảng xếp hạng trong khi các môn này đều quan trọng trong công việc kỹ thuật.
Hãng tin Reuters dẫn nhận định của ông Robert Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và Công nghệ Thông tin: Cải cách hệ thống thị thực H1-B theo hướng dựa vào năng lực có thể thu hút nhiều người có kỹ năng công nghệ, khoa học cao hơn tới Mỹ. Tuy nhiên, hệ thống thị thực cải cách có thể không hiệu quả vì doanh nghiệp cần phải quảng cáo vị trí việc làm trong một thời gian dài để chứng minh người lao động Mỹ không đáp ứng được vị trí đó, sau đó mới xét đến ứng viên nước ngoài. Khi đó, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng vì mất thời gian tuyển dụng.
Mỹ, Úc siết thị thực với lao động nước ngoài
Mỹ, Úc lần lượt có những điều chỉnh về chính sách thị thực liên quan đến việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao từ các nước khác.