Phó Giáo sư 'cải tiến chữ quốc ngữ' Bùi Hiền: 88 tuổi, 5 người con vẫn lựa chọn sống ở Viện Dưỡng lão
'Khi chuyển đến Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng ở, tôi không có cảm giác đi đến một nơi xa lạ mà giống như được trở về nhà mình' - PGS.TS Bùi Hiền, người đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ nói về ngôi nhà thứ 2 của mình.
10:17 21/07/2023
Cô đơn trong chính ngôi nhà của mình
Trong căn phòng rộng khoảng 15m2 tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2, hàng ngày PGS.TS Bùi Hiền vẫn miệt mài làm việc, nghiên cứu và viết sách về công trình khoa học tâm huyết cả đời – “Cải tiến chữ quốc ngữ”.
Ở tuổi 88, PGS Bùi Hiền vẫn rất khoẻ mạnh, tinh anh. Mỗi ngày, ngoài thời gian làm việc, nghiên cứu về ngôn ngữ, lên mạng trò chuyên với người thân, bạn bè, ông Hiền còn dành khoảng 1 giờ đồng hồ đi dạo, thể dục quanh khuôn viên trung tâm. Ông bảo, không gian ở đây yên tĩnh, không khí trong lành, rất thích hợp để vừa làm việc, vừa an dưỡng tuổi già.
Dù có 5 người con, đủ cả nếp cả tẻ nhưng PGS Bùi Hiền vẫn chọn sống 1 mình trong căn nhà tập thể ở tầng 3 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vợ ông chuyển sang Ba Lan sinh sống cùng con gái để tiện chăm sóc cháu ngoại và giúp con gái trông nom nhà cửa. Còn ông do không muốn sống ở nước ngoài, cũng không muốn phiền những người con khác đang sinh sống trong nước nên nhiều năm qua ông vẫn tự chăm sóc bản thân.
Vài năm trước, trong một lần vội vã đi làm, ông Hiền bước hụt cầu thang dẫn đến bị bong gân, đau chân mất một thời gian dài mới khỏi.
“Lúc đau chân không có người chăm sóc tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Tôi phải chống gậy làm tất cả mọi việc. Cháu nội thương ông một mình vất vả nên ngay sau khi cưới vợ đã chuyển về ở cùng ông để thuận tiện chăm sóc ông.
Tôi đã rất vui khi các cháu chuyển đến ở cùng mình. Tuy nhiên, khi sống cùng các cháu một thời gian tôi mới nhận thấy, dù tình cảm ông cháu rất tốt nhưng do 2 thế hệ có tuổi tác cách biệt, lối sống khác nhau nên rất khó để hài hòa” – PGS.TS Bùi Hiền chia sẻ.
Điển hình của sự khác biệt giữa ông và cháu là giờ giấc ngủ nghỉ và ăn uống. Ông Hiền đã có tuổi nên hay dậy sớm thể dục, làm việc, trong khi các cháu ông vẫn còn rất trẻ, chưa đến 30 tuổi, công việc hay phải làm đêm về muộn nên sáng ra thường ngủ “nướng”.
Vì lệch thời gian làm việc, ngủ nghỉ nên ông cháu cũng không ăn cơm cùng nhau. Hơn nữa, ông Hiền già rồi nên răng yếu, dạ dày yếu, có bệnh nền, thích ăn những món mềm, thanh đạm, trong khi các cháu trẻ tuổi nên thích những món ăn của giới trẻ hiện nay, thích ăn món rán, ăn lẩu, nướng, thích ăn món rai rai, cay cay…
Vậy nên, “nói là ở chung nhà nhưng ông cháu lại ăn riêng, ít có thời gian nói chuyện cùng nhau. Có nhiều lúc tôi cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình” – ông Hiền tâm sự.
Trở về nhà
Không có người để trò chuyện, xem tivi nhiều cũng chán, bạn bè cùng khu đều già yếu, bản thân ông Hiền chân đau phải chống gậy lên xuống cầu thang khó khăn nên không thể thường xuyên đến nhà bạn bè. Chính vì vậy mà ông Hiền có nhu cầu tìm một nơi để an dưỡng tuổi già, lại thuận tiện để làm việc.
Sau khi đi thăm quan, tìm hiểu nhiều nơi, PGS Bùi Hiền đã lựa chọn 1 phòng riêng với giá 12 triệu/tháng tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng để ở.
Ông Hiền cho biết: “Bỏ ngần ấy tiền ra mỗi tháng với tôi là khá cao, lương của tôi không đủ, nhưng các cháu hỗ trợ thêm hàng tháng để tôi có được chỗ ở và làm việc thoải mái nhất.
Tôi ở đây các con, các cháu đều yên tâm vì có người lo cơm ăn 4 bữa, có người dọn vệ sinh, giặt giũ, được các cháu điều dưỡng trẻ khỏe chăm sóc, theo dõi sức khỏe hàng ngày và nhắc nhở việc dùng thuốc đúng giờ.
Hơn nữa, tại Trung tâm thường hay tổ chức chương trình vui chơi tập thể như sinh nhật, lễ, tết… với nhiều hoạt động vui, khỏe và ý nghĩa cho người già”.
Đến nay, ông Hiền đã sống trong viện dưỡng lão được gần nửa năm và nhận thấy cuộc sống ở đây rất tốt. Không gian yên tĩnh, không bị ai làm phiền, có các bạn già để giao lưu, trò chuyện, có các cháu điều dưỡng trẻ vui tính, nhiệt tình chăm sóc.
“Khi đến viện dưỡng lão, tôi được chuyển hết đồ dùng cá nhân, máy tính, tài liệu nghiên cứu đến đây, gần như tôi chuyển góc làm việc của mình đến nơi ở mới, mọi thứ thân quen nên tôi thấy rất thân thuộc, không bị tâm lý xa lạ. Điều kiện ăn ở tốt khiến tôi cảm thấy như trở về nhà mình chứ không phải chuyển đến chỗ ở mới” – ông Hiền hồ hởi khỏe.
Chuyển nhà đến viện dưỡng lão một thời gian, ông Hiền liên tục nhận được những lời hỏi thăm của người thân, bạn bè xem cuộc sống ở “nhà mới” của ông ra sao. Đáp lại sự quan tâm của mọi người, ông Hiền không ngừng chia sẻ cho mọi người biết những việc diễn ra hàng ngày, các hoạt động vui chơi, giải trí hữu ích giành cho người già tại viện dưỡng lão.
Ông Hiền cũng chia sẻ: “Vì được chăm sóc chu đáo, không phải làm mấy việc lặt vặt như khi ở nhà nên bây giờ tôi có nhiều thời gian để làm việc, để nghiên cứu ngôn ngữ và thấy vui vẻ hơn rất nhiều”.
PGS Bùi Hiền cho rằng, Trung tâm dưỡng lão là mô hình mới, hữu ích đối với người cao tuổi Việt Nam. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của gia đình mà nên khuyến khích các cụ đến an dưỡng tại những trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Như thế sẽ có lợi cho cả người già, con trẻ, lẫn toàn xã hội.
Niềm vui của 'tình già' khi sống ở Viện Dưỡng lão
Khi về già, ai cũng có những khát khao được yêu thương, bầu bạn. Bà Nguyễn Thị Liệu đã tìm được hạnh phúc giản dị đó ở tuổi 70, khi vào viện dưỡng lão ở, nơi mà nhiều người nghĩ người già sẽ phải đối mặt với sự cô đơn, buồn chán.