Quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống Mỹ diễn ra thế nào?
Trong thời gian chuyển giao quyền lực
02:00 25/11/2020
Ứng viên được dự đoán đắc cử tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ có nhiều việc cần làm, trong đó có hoàn thiện bộ máy chính quyền trước khi nhậm chức.
Gần hai tuần sau khi truyền thông Mỹ dự đoán ứng viên tổng thống Dân chủ Joe Biden đắc cử, cơ quan chức trách mới "bật đèn xanh" cho quá trình chuyển giao quyền lực. Ông Trump nói rằng, “vì lợi ích tốt nhất của đất nước”, ông đã khuyến nghị Cơ quan Dịch vụ công (GSA) thực hiện các thủ tục cần thiết để đội ngũ của ông Biden có thể bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực, song ông sẽ tiếp tục theo đuổi các vụ kiện.
Quyết định của GSA sẽ cho phép đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Biden được tiếp cận khoản ngân sách 6,3 triệu USD phục vụ quá trình chuyển giao. Ngoài ra, đội ngũ của ông Biden sẽ có quyền tiếp cận các văn phòng chính phủ và có thể được nhận các báo cáo tình báo nhạy cảm.
Chuyển giao quyền lực bắt đầu khi nào?
Chuyển giao quyền lực là quá trình có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt với ứng viên sắp tiếp quản chính quyền. Đây là thời gian kể từ khi một ứng viên đắc cử cho đến khi chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau. Quá trình này sẽ do đội ngũ chuyển giao quyền lực của ứng viên đắc cử đảm nhiệm.
Quá trình chuyển giao quyền lực được nêu rõ trong Đạo luật Chuyển giao Quyền lực Tổng thống năm 1963 của Mỹ và các điều khoản sửa đổi. Đạo luật ra đời nhằm thúc đẩy một quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự. Theo đó, quá trình này chính thức bắt đầu khi kết quả bầu cử rõ ràng và GSA chứng nhận ứng viên đắc cử.
4.000 đề cử
Trong quá trình chuyển giao, ứng viên đắc cử có nhiệm vụ lựa chọn các vị trí chủ chốt cho chính quyền tương lai như Chánh văn phòng Nhà Trắng và các chức vụ quan trọng trong nội các. Tính chung, một ứng viên đắc cử sẽ đưa ra khoảng 4.000 đề cử chính trị, trong đó khoảng 1.200 chức vụ cần được Thượng viện phê chuẩn.
Mặc dù đội ngũ của ông Biden chỉ chính thức được phép kích hoạt chuyển giao quyền lực vào hôm 23/11, nhưng tuần trước ông đã bổ nhiệm ông Ron Klain, một trợ lý thân cận, làm Chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai. Hôm qua, ông cũng công bố 6 đề cử quan trọng gồm Ngoại trưởng, Bộ trưởng An ninh Nội địa, Cố vấn an ninh quốc, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu. Các vị trí quan trọng khác dự kiến được công bố trong vài ngày tới.
Khi nào quá trình chuyển giao kết thúc?
Thông thường quá trình chuyển giao kéo dài từ ngày bầu cử vào đầu tháng 11 đến ngày nhậm chức (20/1). Tuy nhiên, quá trình 11 tuần này có thể được rút ngắn lại nếu kết quả bầu cử bị chậm công bố, kịch bản tương tự cuộc bầu cử năm nay.
Quá trình chuyển giao quyền lực năm nay phức tạp hơn so với thông thường do Tổng thống Donald Trump chưa công nhận chiến thắng của ông Biden. Ông Trump tuy ủng hộ việc GSA thông qua các thủ tục ban đầu để đội ngũ của ông Biden tiến hành các hoạt động chuyển giao quyền lực, song ông tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý và sẽ “không bao giờ nhượng bộ phiếu bầu giả”.
Link nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/qua-trinh-chuyen-giao-quyen-luc-tong-thong-my-dien-ra-the-nao-20201124150551384.htm
Mỹ sẽ có lễ nhậm chức tổng thống đặc biệt chưa từng thấy
Trong bối cảnh đại dịch hoành hành và đất nước lâm vào khủng hoảng, nếu chính thức được tuyên bố chiến thắng, ông Joe Biden sẽ trải qua lễ nhậm chức đặc biệt chưa từng có tiền lệ.