Quán quân Olympia ít về lại Việt Nam, nữ tiến sĩ gắt không gì phải tiếc: "Đây không phải tài năng"
Giữa những ngày nhiều người quan tâm đến quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22, mình chợt nhớ đến chia sẻ của Tiến sĩ Đoàn Hương cách đây vài năm khi bà cho rằng quán quân Olympia “không phải là tài năng”.
21:49 05/08/2023
Những ngày gần đây, nhiều cư dân mạng dành sự quan tâm đặc biệt khi suất học bổng trị giá 40.000 USD (gần 1 tỷ đồng) của quán quân Olympia năm thứ 22 đã tìm ra chủ nhân. Nam sinh Đặng Lê Nguyên Vũ đến từ THPT Bắc Duyên Hà (tỉnh Thái Bình) đã xuất sắc vượt qua 3 “nhà leo núi” ở trận chung kết năm và giành lấy phần thưởng đặc biệt.
Giữa những bình luận về quán quân Olympia, mình chợt nhớ cách đây vài năm, Tiến sĩ Đoàn Hương đã từng lên tiếng chia sẻ và gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Cụ thể, bà đã cho rằng:
"Chương trình Olympia nói thật là rất thông minh. Có một khoảng thời gian, người ta cho rằng Việt Nam đào tạo tài năng cho Úc rồi sau đó quốc gia này cho mấy học bổng của trường đại học tư nhân, khoảng 30.000 đến 50.000 USD (682 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng), sang đi học và ở lại. Đây không phải là tài năng vì những câu hỏi trong Olympia là những câu hỏi đã có đáp án. Tài năng là khi nào có thể trả lời được những câu hỏi không có đáp án".
Ngoài ra, bà còn cho biết thêm, các thí sinh giành giải quán quân của Olympia khi qua Úc du học sẽ học ở trường tư nhân nhỏ, không phải là những trường danh giá lâu năm của xứ sở chuột túi - nơi hội tụ của nhiều nhân tài vì mức điểm học bạ thường từ 9 trở lên.
Tiến sĩ Đoàn Hương còn chia sẻ: "Những người đó ở lại đã làm được gì cho Úc? Tôi không dám nói ra".
Theo như ý mình đọc được trên báo, nữ tiến sĩ phủ nhận quan điểm “chảy máu chất xám” mà nhiều người thường nghĩ về mỗi khi quán quân Olympia học xong nhưng không về lại Việt Nam làm việc.
Sau khi nghe nữ tiến sĩ chia sẻ quan điểm cá nhân, mọi người suy nghĩ như thế nào ạ? Riêng mình thì thấy thế này, nếu nói quán quân Olympia không phải tài năng vì họ chỉ trả lời đúng những câu hỏi đã có sẵn đáp án là chưa xác đáng.
Theo mình tìm hiểu, định nghĩa về “tài năng” là thế này: “Năng lực xuất sắc, khả năng làm giỏi và có sáng tạo trong một công việc nào đó”.
Như vậy, nếu phủ nhận quán quân Olympia không phải tài năng có lẽ là “chưa đủ” bởi ít nhất các thí sinh rất giỏi trong việc tiếp thu, ghi nhớ, tổng hợp, phân tích các kiến thức đã học và trả lời để ghi điểm trong mỗi vòng thi. Trong khuôn khổ chương trình, quán quân là người có năng lực nhỉnh hơn nhiều thí sinh còn lại vì họ đã có nền tảng kiến thức tốt, lại thêm kỹ năng nhanh và nhạy bén khi đưa ra câu trả lời.
Có thể, quán quân là người trả lời đúng những câu hỏi đã có đáp án sẵn nhưng từ nền tảng kiến thức vững thì họ ít nhiều có khả năng sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu khi được đào tạo ở môi trường tốt. Trước khi muốn sáng tạo và thành công, điều quan trọng là phải nắm vững kiến thức cơ bản phải không ạ?
Còn về câu chuyện “chảy máu chất xám”, mình nghĩ đây là vấn đề nói mãi chưa có hồi kết vì không thể giải quyết một sớm một chiều. Phan Minh Đức - quán quân Olympia năm thứ 10 cũng từng chia sẻ về vấn đề này như sau:
"Mỗi năm cứ đến chung kết năm đường lên đỉnh Olympia, mình lại thấy kha khá bài báo nói về vấn đề chuyện đi hay về của các nhà vô địch được nhận học bổng và cả du học sinh nói chung. Mình chỉ có thể nói, đó là quyết định của mỗi người và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Khi bạn sống và học tập ở một nơi nào đó, cơ hội và mối quan hệ của bạn cũng sẽ diễn ra ở đấy. Chẳng hạn sau khi tốt nghiệp, được một công ty đề nghị làm việc, bạn đâu thể nào chỉ nghĩ cứ làm đại 1-2 năm lấy kinh nghiệm rồi về nước. Đó là một chặng đường dài cần nhiều sự chuẩn bị và tính toán kỹ lưỡng. Đó là chưa kể, nếu có gia đình, lựa chọn của họ đưa ra còn tác động đến nhiều người. Nếu cứ quy về do môi trường sống, chế độ đãi ngộ hay cơ hội học tập tốt hơn thì mình nghĩ là không còn đúng nữa rồi".
Phan Minh Đức còn cho biết thêm, từng có thời gian anh quay về Việt Nam nhưng ít người biết. "Lúc đó mình mới vừa học xong và thử trở về Việt Nam để làm việc. Mình thực tập trong một tập đoàn lớn. Sau đấy cũng có thời gian đi dạy tại một trường đại học ở TP.HCM.
Chắc hẳn mọi người sẽ thắc mắc lý do tại sao mình quay lại Úc. Thật ra, mình có quan niệm trước năm 30 tuổi sẽ sẵn sàng học tất cả những gì mình muốn, sau đó mới bắt đầu ổn định dần trong kế hoạch của bản thân. Hơn nữa, mình vẫn luôn mong muốn thử sức với công việc nghiên cứu, để xem có phù hợp với khả năng hay không. Nói chung việc học là trọn đời mà. Nên khi có cơ hội được học thêm, mình đã quyết định quay trở lại Úc để trải nghiệm cho thỏa sức và có thêm đánh giá về những cơ hội”, cựu quán quân chương trình Olympia chia sẻ.
Phan Minh Đức cũng chỉ ra những thử thách khi quán quân trở về nước dưới góc nhìn của anh. Anh chàng nhận định, ở Việt Nam không phải là không có cơ hội nghề nghiệp nhưng du học sinh trở về sẽ phải làm quen lại từ đầu, thích nghi mọi thứ nên sẽ mất thời gian. Rồi mang danh “nhà vô địch”, “quán quân” nên làm gì cũng dễ bị soi mói, đánh giá và chịu nhiều áp lực.
Gần đây, quán quân Olympia năm thứ 22 Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã chia sẻ về vấn đề du học xong có trở về lại Việt Nam làm việc hay không. Nam sinh cho biết: "Mặc dù chưa quyết định đi du học hay học ở các trường đại học trong nước, nhưng bản thân em nghĩ rằng nếu mình có đi du học và sau đó làm việc ở những môi trường tốt, phát triển được thì cũng là điều rất tốt".
Quán quân Olympia năm thứ 22 còn chia sẻ thêm, không nhất thiết phải quay về Việt Nam sau khi học xong thì mới gọi là có đóng góp cho đất nước. Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng cậu không đồng tình trước những ý kiến kiểu như “thêm một nhà vô địch Olympia đi nước ngoài và không trở về”.
Mình nghĩ rằng, ở lại Úc hay trở về Việt Nam sau khi học xong là quyết định của mỗi người, không thể bắt buộc họ trong khi bạn có thể đảm bảo được điều kiện tốt nhất nếu họ chọn trở về hay không. Mình còn nghĩ thế này, Việt Nam đâu phải chỉ có những tài năng là quán quân Olympia vì vẫn còn rất nhiều bạn trẻ năng động, giỏi giang, dễ dàng hòa nhập nhưng họ không tham gia chương trình mà thôi. Tuy nhiên, từ câu chuyện này, thiết nghĩ vấn đề về chế độ cũng như cơ hội dành cho những tài năng là điều nên quan tâm vì như vậy mới có thể “chiêu mộ” được nhiều nhân tài.
Vợ ốm 2 hôm chồng tức tối quăng vỡ mâm bát: “Cô coi tôi là osin à”, một tuần sau nhìn tờ giấy với con số khủng cô đưa mà anh ta xám mặt
Cô khỏe mạnh và cáng đáng mọi việc trong nhà từ lớn đến nhỏ, vậy mới là bình thường và là điều nên làm. Cô ốm và Khang phải thay vợ làm việc nhà, đó là lỗi của cô.