Thói quen 'hóng drama' của người Việt
Chuẩn bị đi ngủ thì đọc được bài viết "nữ ca sĩ triệu fan lộ phốt" trên mạng, Yến Thanh lại ngụp lặn trong hàng nghìn bình luận.
13:57 04/08/2023
Nữ sinh viên năm 3 tại Hà Nội nói mình hiếm khi bỏ lỡ vụ lùm xùm hoặc scandal nào trên mạng xã hội, từ đấu tố, đánh ghen cho đến bàn luận về đời tư của người nổi tiếng. Cô thừa nhận động cơ lớn nhất là không muốn trở thành "người tối cổ" - cụm từ chỉ việc không nắm bắt được các xu hướng, chủ đề đang được bàn tán trên mạng. "Vài trường hợp "hóng" không đầy đủ còn bị chế giễu và loại khỏi cuộc trò chuyện", Thanh giải thích.
Thói quen của Thanh được người dùng mạng gọi là "hóng drama" - quan tâm, theo dõi những chủ đề không liên quan để không có cảm giác bị lạc lõng, cô lập với những người xung quanh.
Tâm lý FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) cũng khiến Công Thành (25 tuổi) ở Quảng Ninh luôn mong các hội nhóm "bóc phốt", "tung drama" trong giờ hành chính, tránh ảnh hưởng thời gian nghỉ ngơi.
"Các bài đăng bóc phốt người yêu cũ, tố công ty hoặc tiết lộ thông tin mật của một người nổi tiếng luôn tạo được sự tò mò và phấn khích. Nhiều khi "ngụp lặn" đọc tin trong các nhóm cũng đến 3-4h sáng", anh kể. Thành cũng cho rằng việc tìm hiểu câu chuyện của người khác giúp anh có thêm góc nhìn về cuộc sống, những điều không thể xuất hiện trên các phương tiện truyền hình hay sách báo chính thống.
Hội chứng thích "hóng drama" không dừng ở người trẻ. Chị Hồng Nhung (50 tuổi) ở Thanh Hóa cũng thích theo dõi những chuyện lùm xùm, ban đầu là muốn rút ngắn khoảng cách thế hệ với con và đồng nghiệp trẻ trong các buổi trò chuyện phiếm. "Nhưng càng đọc càng cuốn, nhất là những bài viết về đánh ghen hoặc tố cáo, hạ bệ một cá nhân. Giờ thành thói quen, vài tiếng không mở mạng là khó chịu, thi thoảng tôi cũng bình luận bày tỏ quan điểm", chị Nhung nói.
"Drama" có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại, chỉ một hành động hoặc sự kiện kích thích. Ngày nay chúng được người trẻ sử dụng để chỉ những câu chuyện mang tính phơi bày, bóc phốt các vụ scandal có tác động đến cộng đồng, xã hội, nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý.
Trên các nền tảng mạng xã hội Việt Nam hiện có hàng trăm hội, nhóm với vài triệu lượt theo dõi liên tục chia sẻ thông tin độc quyền, gây sốc của người nổi tiếng hay phát ngôn, hành động trái đạo lý, nhằm tạo tranh luận. Mới nhất là sau vụ việc một hoa hậu có phát ngôn gây sốc, một nhóm kín bàn luận về người này có gần 500.000 người theo dõi sau 6 ngày. Trung bình mỗi ngày có gần 1.000 bài viết chia sẻ thông tin, cùng hàng nghìn lượt bình luận.
Chưa có nghiên cứu cụ thể nào về thói quen "hóng drama" của người Việt nhưng khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), cho thấy mỗi ngày người Việt dùng Internet trung bình 6 tiếng 47 phút, trong đó 2 tiếng 21 phút dành riêng cho mạng xã hội. Thực nghiệm 72 giờ không mạng xã hội của Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho kết quả hơn 43% người tham gia vi phạm cam kết ngay sau 6 tiếng đầu tiên. Những trạng thái cảm xúc thường thấy là mất kết nối với bạn bè, lạc hậu do không nắm được các thông tin đang diễn ra và bứt rứt, thiếu thốn một thứ gì đó.
Giải thích về lý do có thể khiến nhiều thích "hóng drama", tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng khoa tâm lý - giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục (Hà Nội) cho biết, đứng trước những tình huống mới, lạ con người thường xuất hiện phản xạ "cái gì thế" và lập tức chuyển sự chú ý của bản thân vào đó.
Phản ứng này thường xuất hiện ở mỗi cá nhân, đi kèm các hành vi như nhìn ngắm, bàn tán, suy luận, hoặc bình phẩm về các vấn đề liên quan đến tình huống.
Về khởi nguyên, văn hóa người Việt được phát triển trên nền tảng của văn minh nông nghiệp lúa nước. Điều này dẫn đến nhu cầu cố kết, chia sẻ và tính cộng đồng của người Việt cao. Cùng với đặc điểm văn hóa này, ở khía cạnh tâm lý, dân ta cũng có xu hướng quan tâm, chú ý, bàn luận và phán xét nhiều hơn khi chứng kiến các hiện tượng mới lạ, hoặc các sự kiện được cộng đồng chú ý.
Dưới sự tác động của thời đại công nghệ, tính cộng đồng, sự tò mò, thích bàn luận, bình phẩm được di chuyển lên không gian mạng. "Ngày càng nhiều người trẻ dần coi thế giới ảo giống như cuộc sống thực, họ sẽ có xu hướng quan tâm, bàn luận, nhận xét về mọi thứ theo ý nghĩ chủ quan của bản thân trên môi trường mạng, qua màn hình máy tính", tiến sĩ Học nói.
Cho rằng cập nhật tin tức giúp người dùng mạng giải trí, giảm căng thẳng, dễ hòa nhập, trò chuyện với mọi người, nhưng thạc sĩ Lê Anh Tú, Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang (TP HCM) cũng khẳng định "hóng drama" có thể trở thành vô bổ, lãng phí thời gian nếu tiếp nhận những thông tin không tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội.
Ông Tú nói thêm nếu người tung tin và "hóng" tin không đủ tỉnh táo rất dễ bị cuốn vào những tác động tiêu cực. "Bị hút vào những tranh cãi không hồi kết gây lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến cá nhân hoặc bị dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch. Người tung tin đồn dễ đối mặt với các mức phạt hành chính, thậm chí đi tù nếu gây ảnh hưởng đến người khác. Trong khi "nạn nhân" bị đem ra bàn tán, chỉ trích phải chịu với tổn thương tâm lý hoặc nảy sinh suy nghĩ dại dột", chuyên gia cảnh báo.
Như với Yến Thanh, thói quen cập nhật tin tức bất kể giờ giấc khiến cô luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải, được chẩn đoán rối loạn nhịp sinh học, thường xuyên đau nhức nửa đầu do thiếu ngủ.
Mục đích ban đầu tìm đến mạng xã hội để giải tỏa căng thẳng sau giờ làm nhưng không ít lần Công Thành vô tình trở thành "anh hùng bàn phím", để lại bình luận có hơi hướng công kích, thể hiện quan điểm cá nhân. "Chỉ khi người tôi từng buông lời miệt thị được minh oan, toàn bộ câu chuyện kia chỉ là dàn dựng, bản dân mới trào dâng cảm giác tội lỗi. Lẽ ra tôi nên dừng lại ở việc đọc bởi không có quyền phán xét họ", Thành thừa nhận.
Chính các chủ tài khoản chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng cũng phải đối mặt với án phạt. Như hồi cuối tháng 7, Nguyễn Lê Tấn Tài (19 tuổi) ở TP HCM bị phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ vì phát tán thông tin bịa đặt, sai sự thật về việc "nữ sinh bị xâm hại khi học quân sự" lên fanpage. Đáng chú ý, bài viết có hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, tương tác, gây hoang mang dư luận.
Hai năm trở lại đây, Bộ Công an ra gần 600 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật lên mạng xã hội với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Bộ cũng đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can vì hành vi này.
Thạc sĩ Lê Anh Tú khuyên người dùng mạng nên tỉnh táo sàng lọc thông tin, không để tin xấu, tin độc hại làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân và người xung quanh.
"Hãy là người "hóng drama" văn minh, biết điểm dừng thay vì bị dẫn dắt và khiến nhận thức trở nên lệch lạc", chuyên gia nói.
Cụ bà Mỹ 87 tuổi đánh trả kẻ đột nhập
Cụ bà Marjorie Perkins đánh trả kẻ đột nhà mình ở bang Maine, rồi cho thiếu niên này ăn đồ trong bếp trước khi báo cảnh sát.