Sai lầm khiến đặc nhiệm Mỹ diệt hụt thủ lĩnh tối cao IS

Việc Lầu Năm Góc công bố vụ bắt giữ vợ một lãnh đạo IS có thể đã khiến al-Baghdadi có biện pháp đề phòng.

06:00 25/07/2017

sai-lam-khien-dac-nhiem-my-diet-hut-thu-linh-toi-cao-is

Thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi. Ảnh: CNN.

Dư luận Mỹ cuối tuần qua dậy sóng khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc trên Twitter rằng New York Times, một trong những tờ báo uy tín nhất nước, đã "phá hoại" chiến dịch của đặc nhiệm Mỹ nhằm tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, theo Hill.

"Tờ báo thất bại New York Times đã làm hỏng nỗ lực của Mỹ nhằm tiêu diệt tên khủng bộ bị truy nã gắt gao nhất, al-Baghdadi", viết. "Cách làm tệ hại của họ đã ảnh hưởng đến an ninh quốc gia".

Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra khoảng 25 phút sau khi Fox News phát bản tin rằng New York Times trong bài viết hôm 8/6/2015 đã tiết lộ thông tin tình báo về chiến dịch đột kích của đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt Abu Sayyaf, một chỉ huy cấp cao của IS, cũng như bắt sống vợ của ông ta.

Fox News dẫn thông tin từ tướng Tony Thomas, chỉ huy Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm Mỹ, trong cuộc phỏng vấn hôm 21/7. "Khi chúng tôi săn lùng Abu Sayyaf, bộ trưởng dầu mỏ IS rất thân cận với al-Baghdadi, hắn ta đã bị tiêu diệt, nhưng vợ hắn còn sống. Cô ta đã cung cấp cho chúng tôi một kho thông tin về những địa điểm đã gặp al-Baghdadi ở Raqqa trong nhiều ngày trước. Đó là một đầu mối rất tốt, nhưng rủi thay nó đã bị một tờ báo lớn tiết lộ khoảng một tuần sau, khiến manh mối đó tắt ngấm", tướng Thomas nói, không đề cập trực tiếp đến New York Times.

Theo giới quan sát, việc công bố thông tin về vụ bắt giữ vợ của Abu Sayyaf là một sai lầm của Mỹ, bởi nhờ thông tin này, al-Baghdadi sẽ biết được Mỹ đang thẩm vấn một thành viên IS biết rõ đường đi nước bước và phương thức liên lạc của ông ta. Từ đó, thủ lĩnh tối cao IS sẽ có các biện pháp đề phòng như thay đổi địa điểm trú ẩn, sử dụng các loại phương tiện di chuyển khác cũng như ngừng các hình thức liên lạc cũ.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã đưa ra cáo buộc không chính xác khi cho rằng chính New York Times là phía gây ra sai lầm này. Trên thực tế, thông tin về cuộc đột kích tiêu diệt Abu Sayyaf và bắt giữ vợ ông ta, Umm Sayyaf, đã được chính Lầu Năm Góc công bố với báo chí hơn ba tuần trước bản tin của New York Times.

Ngày 16/5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Ashton Carter ra tuyên bố, cho biết lực lượng đặc nhiệm Delta Mỹ vừa tiến hành chiến dịch đột kích đầu tiên ở al-Amr, Syria, tiêu diệt Abu Sayyaf, bắt sống Umm Sayyaf và thu được nhiều thông tin tình báo quan trọng từ điện thoại di động, laptop và nhiều thiết bị khác.

"Đặc nhiệm Mỹ bắt giữ Umm Sayyaf, kẻ chúng tôi tình nghi là một thành viên của IS, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động khủng bố của IS và có thể là đồng lõa trong hoạt động bắt các thiếu nữ Yazidi làm nô lệ", thông báo của ông Carter nhấn mạnh.

Diễn biến cuộc đột kích tiêu diệt Abu Sayyaf. Video: CNN.

Trước khi bắt được Umm Sayyaf, tình báo Mỹ gần như không nắm được thông tin gì về cách thức hoạt động của lãnh đạo IS. Họ rất háo hức với nguồn thông tin tình báo đồ sộ vừa thu giữ được.

Từ thông báo của Lầu Năm Góc, hàng loạt tờ báo phương Tây ngày hôm sau đã đưa tin rộng rãi về chiến dịch đột kích, trong đó có New York Times. Trong bài viết đăng hơn ba tuần sau, tờ báo này cung cấp một số thông tin mới, chẳng hạn như tình báo Mỹ đã thu được 7 terabyte dữ liệu, giúp làm rõ cách thức al-Baghdadi hoạt động và tránh bị phát hiện.

Bài báo cho biết các thủ lĩnh cấp cao IS được yêu cầu giao nộp điện thoại trước khi được đưa tới nơi họp với al-Baghdadi để đối phương không thể lần theo dấu vết của họ. Vợ của các lãnh đạo IS cũng có vai trò quan trọng trong công việc truyền tin để tối thiểu hóa nguy cơ thông tin liên lạc bị chặn thu.

New York Times cho rằng họ không hề có lỗi trong việc công bố thông tin về cuộc đột kích, bởi các quan chức chính phủ Mỹ hoàn toàn ý thức được rằng tuyên bố công khai của họ sẽ được đăng tải trên báo chí.

Ban biên tập tờ báo nhấn mạnh rằng thủ lĩnh IS rõ ràng đã có những bước đi đề phòng sau khi Lầu Năm Góc công bố chi tiết về vụ bắt giữ Umm Sayyaf. Trùm khủng bố này đã thay đổi cách sinh hoạt, di chuyển nơi ẩn náu và áp dụng cách thức liên lạc mới với thuộc hạ nhiều ngày trước khi New York Times đăng bài báo hôm 8/6.

Điều đó cho thấy al-Baghdadi nhiều khả năng đã biết ngay sau đó qua các nguồn tin của mình hoặc thông báo của Lầu Năm Góc và báo chí Mỹ rằng Umm Sayyaf đã bị bắt và đang bị thẩm vấn. "Nếu quân đội Mỹ muốn khai thác thông tin từ Umm Sayyaf về hoạt động của al-Baghdadi, tại sao Lầu Năm Góc lại vội vàng ra thông báo về việc bắt giữ cô ta sau cuộc đột kích", đại diện tờ báo đặt câu hỏi.

Các quan chức Lầu Năm Góc dưới thời cựu tổng thống Obama cho biết họ có nhiều lý do để thông báo về chiến dịch đột kích này cũng như việc bắt giữ Umm Sayyaf. Theo đó, phải lập tức báo cho quốc hội theo Nghị quyết Quyền chiến tranh về chiến dịch đặc nhiệm đầu tiên ở Syria. Chiến dịch này cũng được khởi phát ở Iraq, nên chính quyền Iraq cũng cần được biết về nó.

sai-lam-khien-dac-nhiem-my-diet-hut-thu-linh-toi-cao-is-1

Bộ trưởng dầu mỏ IS Abu Sayyaf bị tiêu diệt trong cuộc đột  kích. Ảnh: Reuters.

Về nguyên tắc, Mỹ cũng phải thông báo về cuộc đột kích với Hội Chữ thập đỏ Quốc tế rằng họ đang giữ một nữ nghi phạm của IS. Bản thân ông Carter cho rằng người dân Mỹ cần được biết về nỗ lực đầu tiên của họ nhằm vào các thuộc hạ cấp cao của al-Baghdadi và không muốn Lầu Năm Góc bị cáo buộc rằng đã giấu nhẹm việc bắt giữ một thành viên quan trọng của IS.

Kenneth McGraw, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm Mỹ, từ chối bình luận về việc bài báo của New York Times có phải là nguyên nhân Mỹ để lỡ cơ hội tiêu diệt al-Baghdadi hay không. "Tướng Thomas không đề cập đến tên tờ báo hay bài viết cụ thể nào trong cuộc phỏng vấn", McGraw cho biết. "Nên việc tôi bình luận thêm là không phù hợp".

New York Times hôm qua đã viết thư yêu cầu Fox News xin lỗi trên sóng truyền hình và Twitter vì bài viết "độc địa và không chính xác" nhắm vào tờ báo này. Fox News cho biết họ đã sửa thông tin trên bài viết, đồng thời cho rằng New York Times đã "chuyện bé xé ra to" trong vụ việc trên.

Tags:
Bác sĩ Việt kiều mổ miễn phí cho người nghèo

Bác sĩ Việt kiều mổ miễn phí cho người nghèo

Hơn 20 năm qua, một ông bác sĩ Việt kiều miệt mài qua lại giữa Pháp và Việt Nam, để làm lại cuộc đời cho hàng ngàn người bị dị tật với tâm niệm vì “tôi là người Việt Nam mà.”

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất