Sẽ ra sao nếu Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2020?
Nếu ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2020, một số chính sách liên quan đến thương mại, tiền tệ và thuế có khả năng sẽ bị ảnh hưởng.
22:30 22/12/2019
Nhìn về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, nhiều chuyên gia phố Wall đang chuẩn bị cho trường hợp Tổng thống Donald Trump tái đắc cử và luận bàn về việc này sẽ ảnh hưởng đến các chính sách sắp tới như thế nào.
Nhiều chuyên viên phân tích chính sách tại Phố Wall cho biết rằng nếu ông Trump thắng cử nhiệm kỳ thứ 2, chính quyền Mỹ có thể sẽ nhắm tới các tổ chức thương mại đa phương toàn cầu. Điều này cũng sẽ cho phép ông Trump gây thêm áp lực cho Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell và thậm chí khi nhiệm kỳ của ông Powell kết thúc vào năm 2022 tới đây, ông có thể sẽ bị thay thế bằng một vị chủ tịch khác dễ phục tùng theo ý của Tổng thống hơn.
Chris Krueger, chuyên gia phân tích chính sách tại Cowen đánh giá chiến thắng trong việc tái tranh cử có thể sẽ thúc đẩy Trump hướng đến các khoản chi tiêu lớn và thẳng thắn chỉ trích bất cứ ai mà ông tin là đang kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế.
“Tôi nghĩ rằng nếu ông Trump tái đắc cử vào năm tới, ông ấy sẽ hoàn toàn trút bỏ được các gánh nặng”. Chuyên gia Krueger nói. “Khi đó, Trump sẽ gây áp lực lên Powell như những gì ông ấy đã làm với Jeff Sessions”.
Dĩ nhiên, cho dù ai đắc cử đi nữa thì một Quốc hội có nhiều đảng tham gia sẽ góp phần kiểm soát các chính sách. Đảng Cộng hòa được kỳ vọng sẽ nắm Thượng viện và Đảng Dân chủ sẽ giữ đa số ghế tại Hạ viện với xác suất lần lượt là 66% và 74% theo tính toán của trang PredictIt.
Việc này có thể giúp ngăn chặn những đề xuất chính sách quá bốc đồng và kiểm soát ông Trump trong việc “viết lại” các thỏa thuận thương mại trước nay giữa Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế.
Nhắm tới WTO?
Trong chiến dịch tranh cử chạy đua vào Nhà Trăng hồi tháng 6/2015, Ông Trump đã phát biểu với những người ủng hộ ở Monessen - Pennsylvania, rằng nguyên nhân gây suy giảm việc làm trong các ngành sản xuất tại Mỹ đến từ Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Từ đó đến nay, các ưu tiên trong chính sách của Tổng thống Trump dường như vẫn không có gì thay đổi.
Cụ thể, một trong những chiến thắng quan trọng về mặt ngoại giao của chính quyền Trump đã diễn ra vào tuần trước, khi mà Nhà Trắng đạt được thỏa thuận với Hạ viện về việc triển khai thực hiện thay thế các thỏa thuận NAFTA.
“Thứ Sáu vừa qua có lẽ là ngày trọng đại nhất trong lịch sử thương mại Hoa Kỳ. Ngày hôm ấy, chúng ta đã đệ trình USMCA (Thỏa thuận Mỹ -Mexico-Canada) với sự đồng thuận của lưỡng đảng và sự hậu thuẫn từ các doanh nghiệp cũng như người lao động”. Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết trong bài phát biểu tuần trước.
Cũng trong ngày thứ Sáu (13/12/2019), Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố về việc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà cả hai bên mong đợi từ lâu. Mặc dù thỏa thuận này vẫn chưa được ký kết, nhưng chắc chắn sẽ có các điều khoản quy định về việc giảm bớt một sốloại thuế quan mà Washington đang áp lên hàng hóa Trung Quốc nhằm đổi lấy cam kết mua nông sản Mỹ từ Bắc Kinh.
Mặc dù đạt được 2 chiến thắng lớn vào tuần qua nhưng chính quyền Trump vẫn còn nhiều điều để giải quyết. Hiện tại, ông Lighthizer, ông Steven Mnuchin - Bộ trưởng Tài chính và ông Larry Kudlow - Giám đốc Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng, sẽ có thời gian để tập trung giải quyết các mối quan ngại về hệ thống thương mại toàn cầu sau khi đã giải xong các bài toán về USMCA và Trung Quốc suốt hai năm qua.
Cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng – Clete Willems cho biết nhiều người kỳ vọng ông Trump sẽ phát động một cuộc chiến đối với WTO tương như cách ông đã làm với Trung Quốc.
Theo ông Will Willems Hoa Kỳ nghĩ rằng WTO sẽ trở thành một diễn đàn nơi mà các nước tìm đến để giải quyết tranh chấp với nhau. Chính quyền Trump cần phải tìm ra cách để giảm bớt những ưu tiên của WTO dành cho EU và Trung Quốc.
Chiến dịch gây sức ép của Hoa Kỳ tại WTO đã bắt đầu được triển khai vào tuần trước, khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố một danh sách hàng hóa châu Âu bổ sung mà họ đang xem xét áp đặt thuế lên đến 100% giữa lúc hai bên đang tranh cãi quyết liệt về trường hợp trợ cấp cho Airbus.
Gây áp lực lên ông Powell
Ông Trump thường thẳng thừng chỉ trích Chủ tịch Fed Powell khi mà cơ quan này không thực hiện điều chỉnh lãi suất theo chỉ đạo của Tổng thống
Theo ông Ed Mills, Chuyên viên phân tích chính sách tại Raymond James, với việc thường chống đối lại chỉ đạo của Tổng Thống như vậy, nhiều khả năng ông Trump sẽ không tái bổ nhiệm ông Powell vào ghế Chủ tịch FED khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2022.
“Một điều chắc chắn rằng nếu tái đắc cử, ông Trump khó lòng có thể sẽ tái bổ nhiệm ông Powell cho nhiệm kỳ tiếp theo”, ông Mills cho biết. “Ngược lại, nếu người ở Đảng Dân chủ đắc cử Tổng thống vào tháng 11/2020 tới, tôi nghĩ họ cũng sẽ muốn bổ nhiệm một Chủ tịch FED theo ý họ. Vì vậy, nhiều khả năng ông Powell sẽ rời đi sau năm 2022, cho dù kết quả bầu cử có ra sao đi chăng nữa”.
Nhiều năm qua, ông Trump muốn Fed giữ lãi suất ở mức thấp và tranh luận rằng chi phí cho vay tương đối cao ở Mỹ sẽ làm hỏng nỗ lực giảm bớt thâm hụt thương mại của Trump. Quốc hội Mỹ, cơ quan giám sát FED đã giao nhiệm vụ điều chỉnh lãi suất cho FED với hai mục đích là toàn dụng nhân công và giữ giá cả ổn định, trong đó ông Powell hiện đang làm tốt một mục tiêu suốt những năm qua khi giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ với mức 3,5%. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục kêu gọi FED thúc đẩy kinh tế nhiều hơn.
“FED nên giảm lãi suất xuống mức 0 hoặc thấp hơn và sau đó, chúng ta nên bắt đầu tái tài trợ các khoản nợ”, ông Trump viết trên Twitter vào buổi sáng ngày 11/09/2019. “Chính Jay Powell và FED không cho phép chúng ta làm những gì mà các quốc gia khác đang làm. Chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một chỉ vì những ‘kẻ đầu đất’ (ở FED)”, ông Trump chỉ trích thêm. Những chỉ trích này trái ngược hoàn toàn với những gì ông Trump đã bày tỏ khi bổ nhiệm Powell vào tháng 11/2017. Lúc ấy Trump cho rằng ông rất vui sướng và vinh dự khi được thông báo Jerome Powell sẽ trở thành người lãnh đạo FED.
Bất mãn với FED, Tổng thống Mỹ đã lên kế hoạch bổ nhiệm Judy Shelton vào ghế Thống đốc Fed, người cho rằng chính sách tiền tệ hiện tại đang không hợp lý. Trong mùa hè năm nay, bà Shelton viết trên Wall Street Journal rằng lãi suất Mỹ nên được giảm xuống để “đảm bảo tối đa hóa khả năng tiếp cận vốn”.
Tuy nhiên, Ông Powell vẫn nhất quán cho rằng mình sẽ cố gắng phục vụ cho đến hết nhiệm kỳ 4 năm. Khi Đảng viên Dân chủ Maxine Waters (Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện) chất vấn “nếu nhận được cuộc gọi từ Tổng thống Mỹ và ông ấy nói ‘tôi sa thải ông. Hãy cuốn gói rời khỏi FED đi’. Vậy ông sẽ làm gì?”, ông Powell trả lời: “Dĩ nhiên tôi sẽ không làm vậy. Luật đã ghi rõ ràng về việc tôi có nhiệm kỳ 4 năm và tôi sẽ toàn tâm phục vụ cho đến hết nhiệm kỳ”.
Đợt cắt giảm thuế 2.0?
Xét về chính sách nội địa, ông Mills cho rằng nếu ông Trump tái đắc cử, Nhà Trắng sẽ tập trung vào một vài ưu tiên có thể thu hút sự ủng hộ của Đảng Dân chủ tại Hạ viện.
Trước tiên, đó có thể là đợt cắt thuế thứ hai, hay còn được gọi là “Đợt cắt giảm thuế 2.0” được ban hành trên cơ sở Đạo luật việc làm và cắt giảm thuế mang tính bước ngoặt giúp giảm thuế suất thuế doanh nghiệp xuống 21%.
Tháng trước, ông Kudlow cho biết Tổng thống Mỹ yêu cầu ông xem xét về kế hoạch cắt giảm thuế, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng “vẫn còn quá sớm” để đưa ra một kế hoạch cụ thể. Trước đó, tờ Washington Post ghi nhận rằng các cố vấn hàng đầu của Trump, đã nảy ra một đề xuất giảm thuế suất cho tầng lớp trung lưu xuống còn 15%.
“Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu trong kế hoạch cắt giảm thuế mới”, ông Kudlow nói trong tháng 11/2019. “Kế hoạch này sẽ mất nhiều tháng để hoàn thành và đây có thể được sử dụng làm các kế hoạch thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế trong chiến dịch tái tranh cử sắp tới của ông Trump. Chúng tôi muốn tầng lớp trung lưu có mức thuế suất thấp nhất có thể”.
Tuy nhiên, việc ông Trump tập trung vào cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu xuất phát từ nguyênnhân chính trị nhiều hơn. Đảng Dân chủ – những người có khả năng giữ quyền kiểm soát Hạ viện trong năm 2021 – khó lòng thông qua đề xuất cắt giảm thuế của Đảng Cộng hòa.
Thế nhưng, nếu Đảng Cộng hòa gây bất ngờ trong ngày bầu cử Tổng thống năm 2020 và được người dân ủng hộ mạnh mẽ, khả năng thông qua gói cắt giảm thuế không phải là không thể, ông Mills cho biết.
Luận tội Trump: Có khả năng sẽ xảy ra bước ngoặt thú vị
Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu cho việc luận tội Tổng thống Donald Trump. Trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà khoa học chính trị nghiên cứu Mỹ Konstantin Blokhin lý giải tại sao tình hình có thể gây nguy hiểm cho đảng Dân chủ khởi xướng quá trình này.