Sỉ nhục người Á Châu, một phụ nữ ở Portland phải dọn đi nơi khác sống
Một đoạn video trong đó cho thấy một phụ nữ ở Oregon có lời lẽ kỳ thị sỉ nhục một phụ nữ gốc Á Châu đã được đưa lên mạng Facebook hôm Thứ Tư, 12 Tháng Chín, có cả triệu lượt người xem, dẫn đến các phản ứng chỉ trích gay gắt.
02:30 17/09/2018
Nay, người phụ nữ kia đã phải dọn ra khỏi vùng Portland vì bị quá nhiều phản đối, theo bản tin của đài truyền hình địa phương KOIN 5.
Bà Selina Cairel, một người Mỹ gốc Philippines, đưa đoạn video lên trang Facebook của mình vào trưa ngày Thứ Tư, viết rằng “Tôi ra phố với mấy người bạn tối qua ở Portland, và gặp phải người này, nói những lời kỳ thị tệ hại nhất…”
Đoạn video mở đầu cho thấy người phụ nữ kia nói: “Trước khi mở miệng nói gì thì phải chắc là mình ở Mỹ hợp pháp, rồi gọi cảnh sát nói cho họ biết.”
Bà Cairel nói là vụ này xảy ra khi hai chiếc xe đậu cạnh nhau gần tiệm bán doughnut “Voodoo Doughnut” nổi tiếng ở Portland.
Bà Cairel cũng kể lúc đầu người kia nhái giọng Á Châu để nói lời dè bỉu rằng bà “là người Á Châu nên không biết lái xe.”
Trong đoạn video, bà Cairel và người bạn hỏi người phụ nữ kia nói gì vậy, và bà ta trả lời, “tôi muốn nói rằng bà vào Mỹ bất hợp pháp và cha mẹ bà có lẽ phải làm việc với giá rẻ mạt mới được ở đây.”
Sau khi đoạn video được post lên, có nhiều phản ứng gay gắt về các lời nói của phụ nữ kia.
Đài truyền hình KOIN 5 tại Oregon liên lạc được với mẹ của người phụ nữ này và được cho biết là con bà “hối tiếc” và nhận ra là đã “lầm lỗi.” Bà mẹ cũng nói con gái mình có gốc thổ dân Mỹ, từ một bộ lạc ở Alaska.
Nơi người này làm việc trước đây, một club vũ sexy có tên “Stars Cabaret Bridgeport,” nói rằng vì có quá nhiều người gọi điện thoại tới bày tỏ sự giận dữ nên cũng phải lên tiếng.
Chủ nhân nơi này, ông Randy Kaiser, nói với đài KOIN là người phụ nữ đó không làm việc ở club của ông từ ít nhất là 6 tháng nay.
Ông Kaiser cũng lên án sự kỳ thị. “Ở Mỹ, người ta có quyền thiếu hiểu biết. Chúng tôi cũng có quyền không liên hệ với những người đó. Và cô đó nếu muốn kỳ thị thì đi nơi khác,” ông Kaiser nói thêm.
Một giờ sau khi đưa đoạn video lên Facebook, bà Cairel đưa bức hình sổ thông hành Mỹ của mình lên mạng.
Đài KOIN 6 nói rằng họ không nêu tên của người phụ nữ trong đoạn video vì người này không phạm tội gì.
Một gia đình tan nát vì tấm vé số 28 tỷ đồng: Cô bỏ tiền nhờ mua, cháu lại ghi tên cùng hưởng
Tấm vé số do cô Barbara Reddick bỏ tiền mua, thế nhưng lại đứng tên thêm cả người cháu MacInnis, và từ đây mọi rắc rối bắt đầu.