Sinh viên trường y ở Mỹ học những gì?
Sinh viên y khoa ở Mỹ phải tiếp thu lượng lớn kiến thức chỉ trong vài năm. Khoảng thời gian này là ngắn so với những gì họ phải học. Đào tạo bác sĩ do đó trở thành một trong những chương trình đại học khó nhất.
10:54 28/02/2017
Quen với hình ảnh tử thi và mùi hóa chất ướp xác
Để trở thành bác sĩ, sinh viên ngành y ở Mỹ cũng như nhiều nước khác phải trải qua nhiều năm học tập gian khổ và những đêm mất ngủ, theo Student Doctor Network (SDN), một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận với mục đích hỗ trợ những sinh viên có ước mơ thành bác sĩ ở Mỹ và Canada.
Năm nhất được xem là năm khó khăn nhất với sinh viên ngành y. Phần lớn chương trình học của sinh viên y khoa năm nhất là các kiến thức cơ bản. Điều này có nghĩa là họ sẽ phải học và ghi nhớ rất nhiều kiến thức.
Trong năm đại học đầu tiên, sinh viên sẽ học một môn rất quan trọng đó là giải phẫu đại thể. Đây cũng là một trong những lĩnh vực y học phức tạp nhất. Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về cấu trúc cơ quan và các hệ cơ quan trong cơ thể người. Đối tượng thực hành có thể là trên động vật hay tử thi, bằng phương pháp mổ hoặc nội soi.
Do đó, với nhiều người, môn giải phẫu đại thể sẽ gắn liền với hình ảnh tử thi và mùi formaldehyde, hóa chất phổ biến được dùng để ướp xác, giúp tử thi không bị phân hủy và bảo tồn hầu như nguyên vẹn, một bác sĩ chia sẻ trên trang Student Doctor Network.
Tại Mỹ, lớp giải phẫu đại thể được chia là hai phần gồm bài giảng và học trong phòng thí nghiệm. Các bài giảng kéo dài 1 giờ trong khi học trong phòng thí nghiệm là từ 4 đến 5 giờ.
Các trường y ở Mỹ có cách bố trí khóa học giải phẫu đại thể khác nhau. Một số cho sinh viên học liên tục đến khi hết môn. Trong khi đó, các trường khác thì học 3 buổi/tuần. Vì thế, môn học có thể kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm.
Giải phẫu đại thể có lẽ không phù hợp với những người nhút nhát. Nó thực sự khó khăn với không ít sinh viên. Người học phải hiểu được hoạt động của hệ thống dây thần kinh kết nối với não bộ, cấu trúc sọ người. Từ não bộ, các dây thần kinh tủa đi, kết nối phức tạp với cánh tay, chân, cơ bắt và nhãn cầu.
Học cả y đức và kỹ năng giao tiếp
Ngoài giải phẫu đại thể, sinh viên y khoa năm nhất còn phải học nhiều môn quan trọng khác, đáng chú ý là mô học, bệnh lý học, hóa sinh, y đức.
Mô học nghiên cứu về các tế bào trong cơ thể con người. Kết cấu môn học gồm 2 phần là bài giảng và thực hành trong phòng thí nghiệm. Thông thường, sinh viên y ở Mỹ sẽ được học song song môn giải phẫu đại thể và mô học. Các mô sinh vật sẽ được cắt thành lát mỏng và nghiên cứu dưới kính hiển vi.
Bệnh lý học cũng là môn rất quan trọng. Sinh viên sẽ học cách chẩn đoán chính xác về bệnh, tìm hiểu về nguyên nhân, cơ chế hình thành, thay đổi ở cấu trúc tế bào và những biến chứng.
Để học môn này, sinh viên phải kết hợp kiến thức ở 2 môn học trước là giải phẫu đại thể và mô học. Ví dụ, bác sĩ sẽ biết bệnh nhân mắc bệnh về tim bằng cách áp dụng những kiến thức về cấu trúc vận hành của tim và phân tích mô tim dưới kính hiển vi, theo Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA).
Môn hóa sinh tương tự như hóa hữu cơ nhưng ở cấp độ cao hơn. Sinh viên sẽ phải ghi nhớ rất nhiều chu kỳ và quá trình trao đổi chất của cơ thể người.
Ngoài ra, sinh viên còn phải học về y đức, các phương pháp và kỹ năng thăm khám lâm sàng, giao tiếp với bệnh nhân. Trong môn này, một người sẽ đóng vai là bệnh nhân. Sinh viên sẽ khám bệnh, thăm hỏi, tìm hiểu lịch sử điều trị của bệnh nhân trong thời gian quy định.
Thăm khám lâm sàng
Năm hai ở các trường y thường tập trung vào lâm sàng. Sinh viên sẽ trực tiếp đến bệnh viện, gặp và thực hành thăm khám trên bệnh nhân với một số bệnh phổ biến như nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất hiện cục máu động trong phổi, viêm khớp…
Vào năm ba, sinh viên sẽ được tham gia một nhóm điều trị gồm các bác sĩ chuyên nghiệp, bác sĩ thực tập và thực tập sinh. Nơi họ thực tập thường là bệnh viện, phòng khám lâm sàng.
Sinh viên sẽ được chuyển đến để thực hành ở nhiều chuyên khoa lâm sàng khác nhau của bệnh viện như nội khoa, khoa nhi, phụ khoa, tâm thần… Trong giai đoạn này, sinh viên ngành y sẽ bắt đầu hình dung được phần nào công việc tương lai, theo Student Doctor Network.
Năm tư ở trường y cũng đầy thách thức như năm 3 nhưng có đôi chút đặc biệt hơn. Sinh viên sẽ học sâu vào chuyên ngành y khoa mà họ yêu thích. Ví dụ nếu thích nội khoa, sinh viên sẽ tập trung vào hệ tiêu hóa, tim mạch hoặc thấp khớp.
Sinh viên muốn thi vào ngành y khoa ở Mỹ phải hoàn thành chương trình dự bị y khoa (pre-med) kéo dài khoảng 3 năm. Pre-med nhằm mục đích chuẩn bị kiến thức cho sinh viên ở một số lĩnh vực khoa học cơ bản.
Nếu trúng tuyển trường y, họ sẽ học thêm 4 năm để lấy bằng cử nhân. Sau khi học hết năm hai, sinh viên phải có bằng y tế USMLE-1. Cuối năm tư lấy tiếp bằng USMLE-2.
Sau khi ra trường, cử nhân y khoa phải tham gia chương trình nội trú để học chuyên khoa. Với nội khoa, giai đoạn này kéo dài khoảng 3 năm, với phẫu thuật và giải phẫu thần kinh là 5 năm. Lúc này, họ phải thi lấy bằng USMLE-3.
Cuối cùng, các bác sĩ phải trải qua các kỳ kiểm tra, vấn đáp chuyên môn của các hiệp hội, tổ chức y tế ở Mỹ mới được cấp giấy phép khám chữa bệnh. Như vậy, để trở thành bác sĩ, sinh viên Mỹ phải học từ 10 đến 15 năm.
Ngọc Quý
Việt Nam lọt top 10 quốc gia đông du học sinh nhất tại Mỹ
Với hơn 21.000 sinh viên theo học tại Mỹ, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có số lượng du học sinh đông nhất tại đất nước Bắc Mỹ này trong năm học 2015-2016.