Sinh viên Việt Nam ở Mỹ: Thu thập bí kíp siêu tiết kiệm từ A đến Z
Khi đi Mỹ du học, sinh viên phải bỏ lại nỗi nhớ nhà để đối diện với những khác biệt văn hóa và chuyện cơm áo gạo tiền! Từng “lăn lộn” với sinh viên Việt Nam, tôi rút ra được những bí kíp bỏ túi “siêu tiết kiệm”.
08:00 04/03/2019
Học chất mà ít tốn
Ở Mỹ, ngoài “học phí” (tuition) còn có “dịch vụ phí” (service fee) nên khi sinh viên đã đóng khoản này thì bằng mọi cách phải tận dụng hết các dịch vụ được cung cấp.
Trong quá trình học tập, sinh viên có thể mượn máy quay phim, máy chụp ảnh hay đĩa phim DVD miễn phí trong thời gian ngắn ở một số trường, nên sử dụng máy tính ở thư viện để làm bài tập, nghỉ trưa tại sofa trong khuôn viên để tiết kiệm điện, máy lạnh thay vì về nhà.
Lưu ý cần chăm chỉ scan sách thay vì mua do giá cả khá đắt đỏ, tìm các sách được tải miễn phí trên mạng nếu may mắn tìm được. Nếu biết trước môn học, bạn nên hỏi giáo sư các loại giáo trình để thực hiện mượn ở thư viên sớm 1-2 tuần tránh việc cao điểm không có sách để mượn đồng thời tạo các nhóm “bạn cùng tiến” để chia nhau scan và chia sẻ sách với nhau.
Rất nhiều trường đại học cung cấp các phòng rèn luyện thể thao, trung tâm yoga giảm stress hay các dịch vụ tư vấn sức khoẻ, khám chữa bệnh miễn phí hoặc chỉ phải trả với chi phí nhỏ để hỗ trợ sinh viên.
Bạn cũng cần tham gia các lớp học kỹ năng miễn phí có khi được cả quà tặng do các tổ chức phi lợi nhuận, của hội đồng thành phố tổ chức như cách thức khởi nghiệp cho giới trẻ, hôn nhân gia đình, chăm sóc trẻ em, sức khoẻ sinh sản, bất động sản, thuế...
Tính toán “share” phòng
Nguyên tắc lưu ý là không quan trọng thuê nhà, căn hộ gần trường vì giá sẽ cao mà nên ưu tiên thuê gần tuyến xe bus đến trường để tiện đi lại. Và chi phí điện nước, đổ rác, bảo trì, an ninh... khi thuê chung cư cũng sẽ thấp hơn so với thuê nhà riêng.
Việc sinh viên quốc tế thuê loại căn hộ 2 giường cho... 4 người ở là chuyện “thường ngày ở huyện” nên nhiều nơi ban quản lý cũng lờ đi thông cảm. Có lẽ sinh viên nước nào đi học cũng... hoàn cảnh giống nhau!
Đặc biệt khi ở thì phải bao bọc xung quanh phòng cẩn thận, tránh vấy bẩn lên tường và hạn chế chiên khi nấu ăn khiến dầu ăn dính bếp bởi mỗi khi trả phòng, nhà chủ sẽ thu phí rất nhiều cho việc dọn sạch căn phòng này.
Học ăn tiết kiệm
Có lẽ khi sang du học Mỹ, bạn trẻ phải bỏ tính “khảnh ăn” ở nhà trước. Bởi khi đến đây học tập nghiêm túc thì việc không có thời gian để ăn mà dành cho việc làm bài tập là thường xuyên diễn ra! Đừng quá đòi hỏi món ăn thuần Việt, nấu ăn phải đủ nguyên liệu châu Á hay ăn uống đúng giờ bởi nếu muốn thực hiện được chỉ có cách mang theo... mẹ sang Mỹ cùng!
Nhiều bạn tiết kiệm tiền đi chợ và thời gian nấu ăn bằng cách tìm nơi ăn... miễn phí bởi ở nhiều thành phố sẽ có chương trình hỗ trợ bữa ăn miễn phí ở các nhà thờ, trung tâm xã hội định kỳ trong tuần. Hay hầu hết thành phố đều có “Food Bank” (ngân hàng thức ăn) cung cấp thức ăn miễn phí cho người thu nhập thấp, ở trường đại học có dịch vụ “Cupboard” tương tự hỗ trợ sinh viên thức ăn gần hết hạn sử dụng do các siêu thị cung cấp hoặc thức ăn đóng hộp được đóng góp từ mọi người.
Đừng ngần ngại “săn” các sự kiện của trường có phục vụ ăn uống, snack miễn phí bởi tất cả đều được tính vào “dịch vụ phí” mà sinh viên phải đóng cho trường.
Việc lựa chọn công việc làm thêm có liên quan đến cơ sở phục vụ ăn uống, nhà hàng... cũng là điều cần lưu tâm vì bạn sẽ được cung cấp một hoặc hai bữa ăn và có thể mang về đồ ăn thừa sau mỗi sự kiện.
Còn khi đi chợ thì hãy nhớ săn coupon giảm giá của các siêu thị hàng tuần, đi theo nhóm để tận dụng các chương trình khuyến mãi thực phẩm mua 1 tặng 1.
Đừng quá tốn kém việc đi lại
Nếu ở Việt Nam, chiếc ô tô là một thứ tài sản lớn thì ở đối với sinh viên Mỹ, nó cũng chỉ là phương tiện phục vụ đi lại tối thiểu. Không quá nhiều bạn quan tâm đến việc phải có chiếc ô tô đẹp cho “bằng chị bằng em”.
Do vậy, bạn có thể sử dụng dịch vụ mượn xe đạp miễn phí mà trường cung cấp, đi xe buýt hay tàu điện miễn phí từ ký túc xá đến tận khuôn viên trường hoặc đi lại các nơi trong thành phố.
Một số căn hộ cho thuê còn cung cấp dịch vụ xe buýt miễn phí vào cuối tuần để chở sinh viên đi siêu thị hoặc nếu không thì 4-5 bạn “hẹn hò” gọi xe taxi với nhau đi đâu đó mua sắm rồi chia tiền với nhau.
Một số trường cũng có cung cấp xe buýt đi về miễn phí dành cho sinh viên đi học về khuya hoặc đi chơi bar, các sự kiện cuối tuần...
Nếu bạn sở hữu ô tô thì nên tìm nơi đỗ xe miễn phí gần trường hoặc đỗ gần bến rồi bắt xe buýt đến trường. Những khu vực đỗ xe ô tô miễn phí trong một khoảng thời gian nhất định như 30 phút, 1-2 tiếng thì khi đỗ xong phải canh giờ đưa xe ra rồi đưa xe vào lại để không bị phạt và tiết kiệm tiền gửi xe hoặc tránh giờ cao điểm của lớp học.
Hãy là người mua sắm thông thái
Sinh viên mới sang thường có tâm lý “ăn chơi sợ gì mưa rơi” khi mua sắm vì so với giá ở Việt Nam như vậy là quá rẻ. Nhưng sau khi nhiều lần “khóc như mưa rơi” vì giá sẽ còn rẻ hơn nữa, bạn sẽ trở nên...thông thái hơn!
Bài học nằm lòng đó là nên mua vào các dịp đại hạ giá nhân dịp lễ lớn, có ưu tiên cho người sắp hàng đến trước, ưu đãi mua sắm cho cho sinh viên, tặng quà hay giảm giá mạnh khi cửa hàng mới khai trường, mua áo quần trái mùa...
Tham gia các diễn đàn của sinh viên để có thể mua lại trang thiết bị điện tử đã sử dụng với giá rẻ hoặc cho không cũng là điều nên làm. Các nơi bán đồ ở “garage sale” cũng nên quan tâm để mua lại đồ dùng tốt giá rẻ. Hay các bạn cũng cần đi nhiều khu chợ để tận dụng “lợi thế cạnh tranh” của mỗi nơi như: Aldi trái cây rẻ hơn, Walmart có hàng tiêu dùng và mặt hàng sữa rẻ, General Dollar bán giá mềm các đồ gia dụng, Sprout thì nhiều rau củ tươi hạ giá...
Sẽ có nhiều buổi xem kịch do sinh viên đóng, phim chiếu ở rạp trong trường, các sự kiện âm nhạc, thể thao trong trường hoàn toàn không mất vé. Ngoài ra, thẻ sinh viên là “bùa hộ mệnh” luôn mang theo vì bạn sẽ được giảm giá 10-20% khi vào nhà hàng, quán bar, mua vé tàu xe, tham quan bảo tàng, khu vui chơi...
Du lịch tằn tiện mà... vui toàn diện!
Bạn trẻ thường có câu “Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ” nên khi đến du học Mỹ cũng phải tận dụng cơ hội đi chơi mọi lúc mọi nơi với chi phí thấp nhất.
Đối với các bạn muốn đi cùng số đông thì nên tham dự các tour tham quan miễn phí hoặc giá cực rẻ do trường tổ chức dành cho sinh viên quốc tế.
Đối với các bạn có “máu phượt” thì trước mỗi kỳ nghỉ các trường hầu hết đều có dịch vụ kiểm tra xe đạp, ô tô miễn phí dành cho sinh viên đi chơi xa hay về quê.
Bí quyết nằm lòng khi vi vu là ăn sáng thật no để dằn bụng đường xa, vào chợ để mua đồ ăn mang theo khi đi tham quan, nếu phải vào quán ăn thì gọi ít phần rồi chia nhau ăn vì mỗi phần ở Mỹ rất lớn một mình không thể ăn hết, ưu tiên tham quan các điểm du lịch không phải trả vé vào cổng, thuê khách sạn giá rẻ xa trung tâm rồi đi tàu điện, xe bus vào thành phố tầm 9h sáng khi các điểm tham quan mở cửa sẽ là “tuyệt vời như ông mặt trời”.
Trên đường roadtrip, đừng quên đăng ký thành viên ở trang Facebook “Ăn nhờ ở đậu” của sinh viên Việt Nam để đến ở “ké” các căn hộ của sinh viên Việt Nam ở thành phố, bang khác với giá phải chăng hoặc... miễn phí nếu có sự quen biết, giới thiệu trước.
Còn bạn nào rủng rỉnh đi thăm thân một mình có thể săn vé máy bay giá rẻ hàng tuần vào buổi chiều ngày thứ 3 với giá nhiều khi chỉ bằng một nửa so với hãng thông thường khác.
Cuối cùng là câu thần chú “Tôi là sinh viên mới đến không biết gì, mong nhờ sự giúp đỡ!” nên được sử dụng khi cần thiết. Nhờ vậy mà tôi được cảnh sát bỏ qua lỗi đạp xe đạp trên lề cho người đi bộ, giáo sư cho đi nhờ xe giữa trời lạnh, đồng nghiệp cho sách học miễn phí hay được một người lạ mời ăn không phải trả tiền.
Nguồn: Thanhnien.vn
Đi Chinatown Los Angeles, không ăn đồ Tàu mà ăn đồ Mỹ
Khu phố Chinatown ở Los Angeles có nhiều quán ăn của người Hoa rất ngon. Trong những năm gần đây, khu phố này có nhiều quán ăn bán đồ Mỹ xuất hiện và thu hút được rất nhiều thực khách. Vì nghĩ đến Chinatown mà ăn đồ Mỹ là chuyện vui, nên tôi quyết định đến khu phố để tìm hiểu.