Sốc với nơi ở tồi tàn đến khó tin của sinh viên tại trường đại học hàng đầu nước Mỹ
Không ai có thể ngờ rằng, nam sinh viên 21 tuổi của trường đại học hàng đầu nước Mỹ lại sống trong một toa xe chật hẹp, không có cả nguồn nước riêng và lò sưởi.
21:30 20/03/2018
Ismael Chamu, 21 tuổi, hiện đang là sinh viên của Đại học Berekely ở California. Cha cậu là một công nhân nhập cư đến từ Mexico.
Ismael sống trong một toa xe chật chội cùng 3 người em của mình, nơi họ chỉ có một cái giường để ngủ. Mỗi ngày, trước khi đến trường, Ismael sẽ đưa hai em gái đi học.
Thực tế, Ismael là một trong số hàng chục nghìn sinh viên đại học ở California đang phải chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhà ở tại tiểu bang này. Mặc dù trợ cấp tài chính có bao gồm học phí cho những sinh viên có thu nhập thấp nhưng nó lại không bao gồm nhà ở, khiến các sinh viên như Ismael phải vật lộn với vấn đề này.
Ngoài công việc làm thêm, Ismael vẫn đang cố gắng học tập để tốt nghiệp tấm bằng cử nhân về xã hội học để hỗ trợ cho các em mình.
Hai em gái của cậu, Jocelyn, 14 tuổi, và Yazmin, 17 tuổi đã chuyển đến toa xe này để ở cùng anh trai mình hồi tháng 1 sau khi bố mẹ họ gặp khó khăn về tài chính. Ismael cùng em trai mình, Edward, 20 tuổi, sở hữu một "căn nhà" di động chật chội, không có máy sưởi và nguồn nước riêng. Họ đã sống trong căn nhà từ tháng 11/2017 và đậu nó trong một lối đi ở Hayward, California. Một bể chứa chất thải được gắn vào căn nhà di động này và mỗi khi cần xả nó, gia đình họ lại phải đi đến trạm xăng gần đó.
Ismael sinh ra ở San Diego và thường xuyên phải di chuyển địa điểm sinh sống. Thế nhưng, cậu vẫn trúng tuyển vào đại học Berkeley vào năm 2014, điều khiến gia đình vô cùng tự hào. Ismael đang hy vọng sớm tốt nghiệp đại học và trở thành một giáo viên. Cậu quyết tâm sẽ nỗ lực hết mình để các em cũng sẽ vào được những đại học hàng đầu.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất bây giờ họ phải đối mặt là Hayward ra luật quy định những người sống trên những toa xe là bất hợp pháp và sẽ trục xuất.
Một nghiên cứu của Đại học ở California cho thấy khoảng 13.000 trong số 260.000 sinh viên đang phải vật lộn với việc không có nhà ở cố định.
Lê Huyền
Nhiều sinh viên Mỹ lúc nào cũng lo lắng về chỗ ở
Các sinh viên đi học đại học ở xa không chỉ phải đối mặt với các vấn đề trường lớp, điểm số, mà còn phải đối mặt với vấn đề chỗ ở.