Sống ở California nên sẵn sàng đối phó với động đất

Không nơi đâu trên Trái Đất tránh khỏi hiểm họa thiên tai với những hình thức khác nhau. Ở California chỉ có bão ôn đới, gió không mạnh như bão nhiệt đới, hurricane hay tornado, nhưng vẫn có thể bị lũ lụt nặng nề. Hơn nữa ai cũng biết nếu California, Oregon, Washington, Alaska thiên tai về khí tượng ít hơn thì lại là những tiểu bang thường xuyên động đất.

03:58 27/09/2017

Động đất là một thiên tai xảy ra bất ngờ không thể biết trước vào lúc nào, và do đó không có đủ thời gian để kịp trốn tránh.

Các công nhân đang dọn dẹp một khu nhà sụp đổ trong trận động đất 7.1 tại Mexico City ngày 19 Tháng Chín. Cảnh tượng này là một nhắc nhở cho về mối đe dọa thường trực của thiên tai động đất. (Hình: Pedro Pardo/AFP/Getty Images)

Ngày nay tin tức về động đất thường thấy hơn thế kỷ trước, nhưng đó không phải là do có nhiều trận động đất hơn mà vì máy móc đo lường theo dõi đầy đủ hơn. Nên nhớ rằng thời gian năm hay thế kỷ là quá nhỏ so với những biến chuyển địa chất trên Trái Đất diễn ra lâu hàng triệu năm.

Mỗi năm các địa chấn kế ghi nhận được khoảng 500,000 vụ động đất trên toàn thế giới, phần lớn là nhỏ, chỉ 100,000 cảm thấy được. Động đất càng lớn càng hiếm xảy ra, trong một khoảng thời gian nhất định, động đất 4.0 độ nhiều gấp 10 lần động đất 5.0 độ. Từ đầu thế kỷ 20, trung bình mỗi năm có 18 trận động đất lớn 7.0 đến 7.9 và một trận động đất ‘siêu đẳng’ 8.0, nghĩa là mạnh hơn 7.9 gấp 10 lần.

Nơi đâu trên Trái Đất cũng đều có thể có động đất, nhưng 90% các trận động đất xảy ra ở Vòng Lửa Thái Bình Dương, khu vực có nhiều núi lửa và động đất chạy dài từ Nam Mỹ lên tới miền duyên hải Tây Hoa Kỳ, California, Alaska và đi vòng xuống Nhật Bản, Philippines, Indonesia, New Zealand. Một khu vực thứ nhì thường có động đất là từ Trung Á qua Trung Đông đến Địa Trung Hải.

Miền Nam Calfornia mỗi năm có khoảng 10,000 địa chấn, hầu hết nhỏ yếu người ta không nhận thấy,  mỗi ngày có khoảng 20 địa chấn cỡ 1.5 nhưng một năm chỉ khoảng mấy trăm địa chấn trên 3.0 và khoảng từ 15 đến 20 trên 4.0.

Trong Tháng Chín này, ở  Mexico có  4 trận động đất: ngày 8 Tháng Chín trận địa chấn 8.1 ngoài khơi Thái Bình Dương làm gần 100 người chết ở tiểu bang Chiapas miền Nam; ngày 19 Tháng Chín, hơn 300 người thiệt mạng trong động đất 7.1 gần thủ đô Mexico City; ngày 23 Tháng Chín vừa qua hai trận động đất 6.1 và 4.1 ở tiểu bang Oaxaca, khoảng 250 dặm Đông-Nam Mexico City.

Điều này tất nhiên làm dân chúng California lo lắng vì California gần Mexico và có cùng cấu tạo địa hình. Nhưng theo Jean-Paul Ampuero, giáo sư địa chấn California Istitute of Technology,  thì nên hiểu rằng về mặt địa chất động đất Mexico có cái khác động đất California.

Động đất xảy ra do hai mảng kiến tạo (tectonic plate) trong lòng đất va chạm nhau tại một đường nứt (fault line). Sự va chạm diễn ra theo nhiều cách khác nhau; xô đẩy nhau, trượt đi bên nhau hay luồn xuống dưới nhau và trong mọi trường hợp năng lượng do đụng chạm ấy tích lũy lại ngày càng lớn tới một lúc phải có sự đổ gẫy ở hai mảng để giải thoát thành các sóng chấn động.

Động đất ở Mexico do các mảng đụng thẳng vào nhau và trượt lên hoặc xuống trong khi ở California là do hai mảng trượt đi ngang bên cạnh nhau. Từ Nam tới Bắc California, có một đường nứt  chính là San Andrea Fault và rất nhiều đường gẫy chằng chịt khác nhỏ hơn dưới lòng đất. Mảng kiến tạo Bắc Mỹ và mảng kiến tạo Thái Bình Dương, trượt bên nhau cạnh đường nứt San Andrea trong khi cùng chuyển động về hướng Tây Bắc, nhưng mảng Bắc Mỹ đi nhanh hơn và sức căng tạo nên ở những chỗ vướng mắc giống như hai chiếc xe chạy sát vào nhau sẽ có lúc kẹt vào nhau và tai nạn xảy ra.

Động đất mạnh, “một cú lớn,” với  độ lớn ước lượng từ 7.0 đến 7.9, luôn luôn là nguy cơ có thể xảy ra ở đường nứt San Andrea. Trong vòng từ 1,000 đến 2,000 năm qua đã có khoảng 10 cú lớn như vậy, nghĩa là trung bình 100 đến 150 năm chắc chắn phải có một trận động đất rất lớn ở đây. San Francisco bị tàn phá vì chịu  trận động đất 7.8 năm 1906 và tới 1986 trận động đất Loma Prieta 6.9 làm thiệt mạng từ 700 đến 2,000 người không kiểm kê chính xác được và cây cầu Bay Bridge bị rớt một nhịp.

Những đo lường ở đường nứt San Andrea cho thấy năng lượng dồn nén ngày một tăng chưa được giải thoát có nghĩa là chắc chắn “sẽ” có một trận động đất lớn tại Nam California nhưng không thể biết ở đâu và bao giờ.

Trung tâm động đất ngày 19 Tháng Chín vừa qua không gần những thành phố lớn, nhưng vì Mexico City nằm trên một lòng hồ xưa, đất mềm, duy trì chấn động lâu dài hơn. Những trung tâm dân cư đông đúc ở California như Los Angeles không trong trường hợp có cấu tạo địa chất ấy nhưng lại ở gần đường nứt San Andrea nên mối đe dọa đáng quan tâm hơn.

Mặc dù với tiến bộ của khoa học, người ta vẫn chưa thể nào biết được chính xác thời gian và địa điểm xảy ra động đất, chỉ có thể dự đoán bằng nguyên tắc nghiên cứu và thống kê. Một vài khoa học gia Trung Quốc nói là nghiên cứu thái độ của một số động vật và thực vật hoặc tính toán thiên văn có thể tiên đoán được động đất, tuy nhiên chưa đủ cơ sở vững chắc để có thể tin cậy chuyện ấy và cuối cùng những phỏng đoán chỉ mới có giá trị là một thứ khoa học huyền bí.

Vậy thì, đối với dân chúng California, động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào không có gì báo trước và thường chỉ kéo dài không tới 1 phút, nếu không có chuẩn bị thì phản ứng trong thời gian ngắn ngủi ấy có thể chỉ là hoảng sợ và bất động không biết làm gì.

Trang mạng www.ready.gov của cơ quan hữu trách nhắc nhở một số điều sau đây:

Nhà cửa và cơ sở thương mại ở California đều được xây dựng theo định chuẩn đề phòng động đất, nhưng nên kiểm tra xem có gì cần chấn chỉnh cho hợp thực tại  hay không. Trong nhà nên xem các vật dụng treo trên tường, trần nhà và đồ đạc cao như tủ áo, ngăn để sách có thể rớt hay lật đổ không. Đặc biệt chú ý đến những thứ có thể rơi xuống giường ngủ và chổ thường ngồi.

Cách ứng xử khi động đất xảy ra là “Drop, Cover and Hold On” – Nằm xuống, Che chở và giữ nguyên tư thế ấy.” Phải có sự tập dượt tối thiểu thì mới kịp phản úng theo cách này.

Đang ở trong nhà, không chạy qua phòng khác, nằm xuống sàn càng nhanh càng tốt trước khi đất rung chuyển quật ngã. Nếu đang nằm trên giường và trời tối điện bị cắt, hãy chụp lấy chiếc gối hay mền phủ lên đầu và mình. Sau khi nằm xuống sàn hãy dùng tay hay một vật gì đó che đầu và gáy để tránh các vật gì rớt trúng. Có thể bò tới gầm bàn nào tương đối đủ chắc và không để những đồ quá nặng để có thể gãy đè lên mình.

Đừng đến gần cửa sổ hay cửa ra vào không đủ bảo đảm vững chắc và có vật lạ từ bên ngoài rơi vào. Tốt nhất là nên đến gần một bờ tường phía trong phòng. Chớ chạy ra khỏi nhà và nếu đang ở ngoài trời phải tránh chỗ có dây điện, cột đèn hay nhà cửa.

Người ngồi xe lăn ngồi yên tại chỗ và che phủ đầu cổ bằng những gì có thể được. Đang lái xe, cố gắng tìm chỗ ngừng lại ngay, điều này có thể không dễ vì rung động làm khó điều khiển, nhưng phải tránh gầm cầu, bên cạnh các nhà cao hay cột đèn, cây lớn và ngồi nguyên trong xe không bước ra ngoài.

Trong mọi trường hợp, khi đã tạm thời ổn định chỗ lánh, hãy giữ nguyên tư thế ấy cho đến khi đất hết rung động. Sau một trận động đất mạnh, có thể có nhiều hậu chấn không kém nguy hiểm và phải sẵn sàng đối phó như vậy ngay.

Nếu bị thương hay bị kẹt trong đống đổ nát, gọi điện thoại cấp cứu nếu được, tìm cách tạo tiếng động cho bên ngoài biết, hoặc tốt nhất là đã có sẵn sàng một chiếc còi. Đừng cố gắng tìm cách tự giải thoát mà sẽ nguy hiểm nếu làm cho bị kẹt thêm vì những vật khác.

Những vật cần chuẩn bị sẵn sàng trước là một túi đồ cấp cứu có bán sẵn ở các cửa hàng. Thực phẩm khô tạm dùng trong một thời gian ngắn là hữu ích, tuy nhiên giao thông sau động đất không có nguy cơ bị gián đoạn lâu dài như bão lụt, vì vậy không cần tích trữ lương thực cho nhiều ngày. Nhưng nước uống nên có ở mức đầy đủ và chiếc đèn bấm (flashlight) hay đèn thắp sáng bằng battery khác sẽ rất hữu ích vì thường việc cung cấp điện bị gián đoạn.

Không chỉ chuẩn bị cho một người mà nên cho toàn thể gia đình nhất là trẻ con và người già.

Những vùng thấp gần bờ biển nên lưu ý cả tới việc đề phòng sóng thần và quan trọng nhất là nếu có báo động phải di chuyển càng nhanh càng tốt vào vùng cao hơn trong đất liền. Động đất ở hệ thống đường nứt San Andrea không tạo ra sóng thần nhưng động đất lớn ngoài biển khơi rất xa ở Nam Mỹ, Á Châu vẫn có thể đưa sóng thần đến.

Tại nước Mỹ sóng thần chỉ có thể phát sinh ở vùng biển Oregon và Alaska. Sóng thần xảy ra giữa hai mảng kiến tạo gọi là hút chìm (subduction) khi mảng này chui xuống mảng kia làm đáy biển bị nâng cao hay sụp xuống đột ngột. Ngoài khơi Oregon từ Vancouver Island, Canada đến Bắc California mảng Juan de Fuca, một phần của mảng kiến tạo Thái Bình Dương, di chuyển chui xuống dưới mảng lục địa Bắc Mỹ gây ra những trận động đất và có thể tạo thành sóng thần. Trận sóng thần gần đây nhất là năm 1700 lan truyền tới tận Nhật Bản.

Tags:
Nhà máy chó con là trung tâm của sự tàn nhẫn đối với động vật

Nhà máy chó con là trung tâm của sự tàn nhẫn đối với động vật

Đạo luật cứu hộ và nhận nuôi được thành lập bởi Patrick Dunnell (D-Long Beach) và Matt Dababneh (D-Woodland Hills), cấm các cửa hàng vật nuôi ở tiểu bang bán chó, mèo và thỏ thu được từ thương mại các nhà lai tạo, cho phép họ chỉ mang theo động vật thất lạc hoặc từ các nhóm cứu hộ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất