Sống ở Mỹ dễ hay khó? – Phần 2: Sau “tuần trăng mật” tất cả trở về số 0
Sau khi đặt chân lên đất Mỹ, hầu như ai cũng có một “tuần trăng mật”. Khoảng thời gian này dài hay ngắn cũng tùy vào hoàn cảnh từng người. Thường nếu người mới đến có thân nhân, sẽ có vài màn đón tiếp vui vẻ, chở đi chơi chỗ này chỗ kia, ăn món này món nọ, mua sắm thứ này thứ khác…
08:24 17/08/2023
Nỗi nhớ, bơ vơ và ngơ ngác
Không khí thoáng đãng, cảnh quan mới mẻ, siêu thị nhà hàng đầy ắp các món đồ… Ai cũng thích. Thêm nữa, trong đầu không thể không có cơ chế so sánh giữa đất cũ và đất mới, thấy mình như vừa đặt chân tới… thiên đàng. Khoảng thời gian ấy ắt phải qua, người thân tiếp tục vòng quay công việc. Mọi thủ tục cần thiết để thích nghi bắt đầu ập đến.
Hoàn cảnh sống khởi đầu tất yếu là “ăn nhờ ở đậu”, nên không tránh khỏi những bức bối so với sự tự chủ trước đây. Thêm nữa là sự cộng hưởng của nỗi nhớ, của bơ vơ, ngơ ngác… Rất nhiều người bắt đầu cảm thấy “dập mật”. Chưa hết. Hàng loạt công việc, thủ tục “hành chánh” phải trải qua. Đăng ký an sinh xã hội, tìm chỗ khám chữa bệnh, thi bằng lái xe, tất cả đều phải nhờ cậy, thu xếp… trong khi hai chân mình có mà như không, vì đường sá, môi trường sống tất cả đều lạ hoắc.
Thời gian đầu sẽ có đôi chút khó khăn trong việc hòa nhập
Thêm nữa, tiền bạc bắt đầu bước sang phía gạch đỏ, mọi thứ đều quy đổi từ đồng sang đô – đô sang đồng, thấy xài cái gì cũng như phá. Công việc xoay vài chỗ, thấy chỗ nào cũng gian nan. Người thân vừa đón tiếp tưng bừng hôm nào, giờ đây bắt đầu… lạnh dần, vì ai cũng có việc riêng. Tệ hơn, nhiều mâu thuẫn bắt đầu phát sinh, vì kẻ ở Mỹ thì nhìn “lũ mới sang” như đám nhà quê, thậm chí… man rợ, ứng xử quái đản; người mới sang thì nhìn “đám ở Mỹ” như bọn thờ ơ, thực dụng, nghiệt ngã… Và còn tệ hơn cả tệ, nếu kẻ nhập cư bắt đầu hòa nhập với những công việc phổ thông ban đầu.
Trả về “số 0”
Như ở phần trước đã nói qua, mọi bằng cấp – đẳng cấp cũ vứt hết, chẳng mấy ai có thể bắt đầu ngay với công việc chuyên môn, thu nhập cao, được tôn trọng… Hầu hết sẽ lò mò với mức dưới 0, tệ hơn cả một đứa trẻ bị tống ra đường ở VN. Vì đứa trẻ ở VN, nếu bị tống ra đường còn có thể nói tiếng Việt với người xung quanh, còn có thể đi xin ăn, còn có thể lò mò đường sá… Ở đây thì không thể, vì vậy mới nói là mức dưới 0.
Thường thì mấy thứ công việc có thể làm ngay là hầu bàn, phụ bếp, đi học nail, hoặc vào hãng xưởng… Sẽ có những ngày rã rời, khủng khiếp, quần quật, đầy nghiệt ngã, từ sáng sớm tới đêm thâu. Vợ chồng hiếm khi gặp mặt nhau, con cái ở gần mà cả ngày phải nhớ chúng. Nhớ lại những ngày còn ở VN, ta là thế nọ, ta là thế kia, tại sao qua đây kinh khủng vậy nè, tủi thân, thậm chí mang cảm giác nhục nhã, sai lầm. Và đây không còn là “tuần trăng mật” mà chính là “tuần trăn trối” đối với không ít người.
Nhưng đây cũng chính là hình ảnh thu nhỏ của một “cuộc cách mạng” đối với bản thân, đối với gia đình của mỗi người nhập cư. Và các cuộc cách mạng xưa nay vẫn khởi đầu với không khí tưng từng – kế đến là những khó khăn, thậm chí tan nát, sau đó, khi trật tự mới dần được thiết lập, chân trời sẽ rạng dần.
Làm nail là nghề được nhiều người Việt nhập cư chọn
Quê nhà phía sau
Thực sự cá nhân tôi và gia đình đã không phải trải qua những cú sốc tâm lý thời gian đầu hội nhập – tôi nhấn mạnh là thời gian đầu, theo bối cảnh chung của bài này, chứ chưa dám chủ quan nói về thời gian sau. Bởi chúng tôi xác định ngay, mọi khó khăn về mặt khách quan là tất yếu. Quan trọng là mình điều chỉnh được phía chủ quan.
Xác định lớn nhất, khi đặt chân đến Mỹ nghĩa là đặt chân đến một đất nước toàn cầu. Mỗi công dân Mỹ trong lịch sử luôn có một quê nhà phía sau. Quê nhà ấy không phải để quên, để vứt bỏ, mà quê nhà ấy như một tiếng nói riêng, mình mang tới góp mặt trong cuộc hội nhập toàn cầu hóa nơi đây.
Sống ở Mỹ nghĩa là đã xác định, quê hương chính là trái đất. Mình là một con người từ vũ trụ bước tới trái đất. Mình đặt quê nhà nơi một ngăn thiêng liêng trong trái tim, chớ không tự biến nó thành hòn núi khiêng vác nó trong cả cái quãng thời gian ngắn ngủi lướt qua trái đất này. Và mình đã thu xếp xong khó khăn lớn nhất là nỗi nhớ bằng cách ấy.
Cảm giác bơ vơ, lạc lõng trong thời gian thích nghi là điều tất yếu. Nhưng chỉ cần vượt qua, cây sẽ đâm chồi và nắng sẽ lên
Kế theo, ngay từ khi còn ở trong nước mình đã lựa chọn một thái độ sống, mình chẳng là cái đinh gì giữa cuộc đời này. Không chức tước, không quyền lực, không ông này bà nọ, và ngay cả sự nghiệp, danh tiếng, đẳng cấp đều là vô nghĩa hết. Vì vậy nếu sang đây quẳng mình vô bếp phụ rửa chén, hay đặt mình ngồi cạnh giá vẽ như một tay họa sĩ, tất cả đều được, vì mình chưa bao giờ phân biệt điều đó. Ở nhà, mình toàn chơi với anh em cực kỳ bình dân. Vì vậy mình làm gì cũng được, không tủi thân. Về tâm lý hội nhập, may mắn mình từng lang bạt kỳ hồ, chịu bầm dập tha hương nhiều, nên có phải “bụi đời” quốc tế cũng chẳng sao!
Còn lại mọi khó khăn khác, đều là một phần của cuộc chơi hội nhập, nếu có phải nhận lãnh, trả giá, cũng không sao hết. Cũng như một cầu thủ, được ra sân là hạnh phúc, nếu có bị chấn thương, phải điều trị, cũng là tất yếu, không có gì phải rên rỉ, cằn nhằn, than trách… Nhưng trên hết, có rất nhiều điều đã mở toang ra trước mắt mình, kể từ khi đặt chân đến mảnh đất này, mình sẽ kể lại các bạn ở những kỳ sau. Từ việc đi học của các con, việc thi bằng lái, mua xe, mua nhà…
Theo Nguyễn Danh Lam, Thời đại
Chi 9000 USD ngồi ghế hạng nhất nhưng có trải nghiệm không vui, hành khách phải xuống máy bay theo cách không ai ngờ tới
Để giải quyết sự cố này, nhóm cứu hộ phải làm việc trong vòng 3 tiếng đồng hồ.