Sống ở Mỹ dễ hay khó? – Phần 3: “Thả” con vào môi trường giáo dục

Với rất nhiều những khó khăn có thể phải trải qua, như tôi đã kể trong phần 1 và 2 của loạt bài này, mục đích chính nhất của hầu hết mọi gia đình chấp nhận sự thay đổi đầy “dằn vặt”, là những đứa con được đi học trong môi trường giáo dục Mỹ. Tôi cũng phải nói ngay, nền giáo dục Mỹ ở cấp đại học vẫn đang đứng hàng đầu thế giới, 10 trường top đầu, Mỹ luôn chiếm 6 – 7 trường cao nhất.

22:00 02/10/2021

Tuy nhiên, ở cấp độ giáo dục phổ thông, Mỹ lọt ngoài top 10. Một trong những nguyên nhân: Mỹ chọn cách chậm rồi nhanh dần và bứt tốc giai đoạn cuối (ngoài ra còn có thể tồn tại những nguyên nhân khác).

Tà tà rồi bứt phá

Cấp 1- 2, học trò chủ yếu được học các môn về giáo dục thể chất, nghệ thuật, kỹ năng sống. Các môn kiến thức chỉ ở mức tiếp cận loáng thoáng, vừa phải. Lên cấp 3, khi thể chất đã cứng cáp, kỹ năng sống đã khá hoàn thiện, tâm hồn đã… tươi tắn, học trò bắt đầu bứt tốc, lượng kiến thức phải tiếp cận nâng lên. Các loại kiến thức được chia thành học phần, học trò thi “tốt nghiệp” theo từng gói các môn.

Có thể thi trước, thi sau, miễn hoàn thành mỗi “gói” với trình độ nhất định. Bạn có thể đang học lớp 11, nhưng đã hoàn thành học phần của lớp 12, sau đó bắt đầu các “môn” thuộc về hoạt động xã hội, cộng đồng, công việc tình nguyện…

Cách học này khiến học trò có thể đầu tư cho những môn ưa thích, các môn còn lại học vừa đủ “sở hụi”. Một anh chàng giỏi toán, tốt nghiệp ở trình độ tiếp cận sâu hơn rất nhiều so với các bạn khác ở môn toán, nhưng có thể chính anh chàng ấy lại viết… sai chính tả tè le ở môn văn. Không sao, vì con đường trước mặt anh ta đã chọn là toán. Các trường đại học tuyển đầu vào theo số điểm mỗi học trò học từ phổ thông, cộng thêm các điểm về hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện.

Học sinh ở Mỹ không cần giỏi đều các môn, chỉ cần tập trung vào năng khiếu hoặc chuyên môn của mình

Nếu cố gắng, bạn có thể vào các trường đại học danh giá, thậm chí được miễn học phí. Còn học “tàng tàng”, các bạn sẽ vào các trường đại học ít danh tiếng hơn, phải đóng tiền. Tuy nhiên, bạn có thể vay tiền chính phủ để học đại học, sau khi ra trường sẽ dùng thu nhập trả dần.

Đã có ý kiến, tại sao nhiều nước trên thế giới miễn học phí đại học, mà Mỹ lại không? Và có câu trả lời: Chính sách ganh đua trong việc miễn hay không miễn học phí tùy vào khả năng, nỗ lực học tập, chính là cách thức thúc đẩy sinh viên phải nỗ lực, cạnh tranh, chứ không miễn phí hoàn toàn để bạn cứ thế “tàng tàng” cũng ra trường. Mình không dám khẳng định câu trả lời này có đúng không về mặt cá nhân.

Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy, học trò cấp dưới ở Mỹ học khá ẹ, nhưng càng lên cao, đặc biệt khi bước vào môi trường công việc thực thụ, họ luôn bứt phá rất xa, bởi một cách thức giáo dục dài hơi, biết phân chia sức lực cho cả cuộc đời.

Không phải quá lo về tiếng Anh

Ngay khi đặt chân lên đất Mỹ, dù chưa có mảnh giấy tờ nào trong tay, bạn đã được và buộc phải đưa các con tới trường. Cha mẹ để con ở nhà, không đến trường trong một thời gian có hạn định ngắn có thể bị truy tố. Thủ tục nhập trường cho con có thể hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn buổi sáng.

Các cháu được trịnh trọng đón vào lớp. Phụ huynh luôn nhận được lời cảm ơn từ các giáo viên, nhân viên trong trường. Thậm chí nhà trường còn phân công một số bạn đồng hương, nhập cư trước theo kèm, chỉ dẫn bạn mới tới một cách tận tình, cho đến khi bạn mới rành đường đi nước bước. Vì Mỹ là đất nước của trẻ nhập cư. Học phí tất nhiên miễn hoàn toàn. Con cái các gia đình mới nhập cư hầu như ai cũng khó khăn, nên các cháu có thể xin thêm tiền ăn từ chính phủ.

Ngay khi đặt chân lên đất Mỹ, dù chưa có mảnh giấy tờ nào trong tay, bạn đã được và buộc phải đưa các con tới trường. Cha mẹ để con ở nhà, không đến trường trong một thời gian có hạn định ngắn có thể bị truy tố.

Ở khu vực tôi ở, tất cả học trò ở cách trường trên 1 mile đều có xe đưa rước miễn phí. Sáng đón tại khu nhà, chiều trả lại khu nhà. Các cháu có hoàn cảnh đặc biệt về sức khỏe được phân công xe đón riêng, có thể 1 cháu/1 xe, với nhân viên đón từ cửa và lúc đưa về giao phụ huynh tận cửa, vô cùng cẩn trọng. Xe đưa đón trẻ em đến trường là loại xe được ưu tiên đặc biệt – chi tiết cụ thể mình đã đưa trong nhiều bài trước.

Khi đặt chân tới trường, mọi vấn đề về sức khỏe, an toàn, công việc học hành được nhà trường chịu trách nhiệm hoàn toàn. Mọi vấn đề liên lạc luôn được nhà trường cập nhật qua điện thoại, email.

Có lần, tôi nhận được một thông báo khá… ngộ nghĩnh: Bữa nay trường học báo động, học trò bị “nhốt” tại lớp, không được ra sân chơi trong một khoảng thời gian. Vì có một chú chó của ai đó đã đi lạc vào sân chơi của trường. Nhà trường hiện đã báo cảnh sát vây bắt được chú chó ấy.

Vâng, họ báo động và báo cáo liền với phụ huynh, vì một khả năng có thể xảy ra: Học trò bị chó cắn. Ngoài ra còn vô vàn câu chuyện khác xung quanh chuyện học đường, giáo dục Mỹ.

Có một chi tiết, tôi nói để các bậc phụ huynh sắp cho con qua Mỹ yên tâm. Tôi có hai nhóc, đứa lớn đã học hết lớp 6 ở một trường quốc tế tại VN, khả năng Anh ngữ ở mức giao tiếp tạm ổn, qua Mỹ cháu nhập cuộc khá nhanh. Nhưng đứa nhỏ, mới học nửa lớp 1 tại VN, khả năng Anh ngữ hầu như bằng 0. Lúc mới vô trường thầy cô luôn phải chọn một bạn đồng hương để hỗ trợ ngôn ngữ cho cháu. Thời gian một vài tuần đầu, cháu khá hoang mang vì hoàn toàn không thể nghe nói.

Tuy nhiên chỉ sau 9 tháng, trong đó có 2 tháng đi học ESL mùa hè, cháu đã “nói tiếng Anh như gió” và bằng một chất giọng đặc sệt Mỹ – hơn hẳn đứa lớn về ngữ điệu. Vì vậy các bậc phụ huynh hãy yên tâm, thậm chí không cần cho con học ở VN, có thể vì vậy các cháu còn nói nhanh hơn, chuẩn xác hơn.

Theo Nguyễn Danh Lam, Thời đại

Tags:
Sống ở Mỹ dễ hay khó? – Phần 1: Những chướng ngại vật trên đường leo núi

Sống ở Mỹ dễ hay khó? – Phần 1: Những chướng ngại vật trên đường leo núi

Sống ở Mỹ dễ hay khó tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy tâm thế. Nhưng nền tảng khách quan Mỹ là dễ sống, tùy mình ghép cái hoàn cảnh chủ quan của mình vô đó nó khớp đến đâu.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất