Suốt 67 năm đã có 19 người Mỹ mặc qua chiếc váy này, lý do khiến nhiều người xúc động
Với những cô cậu học trò nhỏ, được mặc một bộ đồ xinh xắn và sạch sẽ là một trong những niềm vui lớn trong ngày khai trường. Bộ đồ mới sẽ khiến con trẻ phấn khởi và háo hức. Tuy nhiên, một gia đình ở Mỹ lại có một lựa chọn khác.
11:00 21/12/2017
Thay vì sắm một bộ đồi mới tinh cho ngày đầu tiên vào mẫu giáo của con gái, gia đình cô Jenny Hirt lại thuyết phục cô gái nhỏ Caroline Hirt của mình mặc một chiếc váy rất cũ. Thoạt nhìn, không ai có thể nhận ra đây là một chiếc váy được may vào năm 1950. Và cô bé trông rất hạnh phúc và tự hào trong bộ váy đặc biệt này.
Chiếc váy chính là một truyền thống quý giá được truyền lại trong gia đình của Caroline. Cách đây hơn ba thập kỷ, mẹ em, cô Jenny Hirt (41 tuổi) cũng đã từng mặc chiếc váy này trong ngày trọng đại của tuổi thơ – ngày đầu tiên đến lớp.
Chính bà của cô Jenny Hirt đã tự tay may chiếc váy này. Vào thời kỳ những năm 50 của thế kỷ trước, những người phụ nữ vẫn thường xuyên may áo quần cho các thành viên trong gia đình bằng những kỹ thuật may vá và thêu thùa truyền thống. Những chi tiết trang trí màu tím ở viền cổ và viền tay của chiếc váy cũng được thêu tay một cách dày công và tỉ mỉ. Dì của cô Jenny Hirt, bà Martha Esch là người đầu tiên mặc chiếc váy này. Sau đó, chiếc váy được truyền lại cho tất cả 3 thế hệ, tương ứng với 19 cô gái trong gia đình của cô Jenny Hirt.
Đây có lẽ là một trong những chiếc váy được đi du lịch nhiều nhất nước Mỹ, khi nó được trao truyền qua 7 tiểu bang của Hoa Kỳ: Michigan, North Carolina, Arizona, Oregon, Colorado, Ohio và Florida.
Jenny là cô gái thứ 5 mặc chiếc váy vàng kiểu vintage. Em họ cô và các cháu gái trong gia đình đã lần lượt mặc chiếc váy nhiều kỷ niệm này. Nhiều cô bé đã mặc chiếc váy truyền thống và tết tóc hai bên vào ngày đầu đi học mẫu giáo. Chiếc váy đã trở thành một truyền thống như thế. Cho đến hiện tại, chiếc váy không còn đơn thuần là một mảnh vải được cắt may và thêu thùa khéo léo, nó đã mang trong mình rất nhiều những câu chuyện, cùng nhiều tình yêu thương của các thế hệ trong gia đình.
Cô Jenny chia sẻ rằng trước khi chụp những tấm hình xinh đẹp với chiếc váy “nhiều tuổi” của gia đình, Caroline không mấy sẵn sàng với ý tưởng sẽ mặc một chiếc váy cũ như vậy vào ngày đầu tiên tới trường. Không ép buộc con gái, nhưng cô Jenny đã cho con xem những bức ảnh chụp lại cô dì và chị em khác trong gia đình đã mặc chiếc váy xinh xắn này, đồng thời giải thích với con rằng đây là một truyền thống đẹp nên được giữ gìn.
Sau khi xem ảnh, đặc biệt là nhìn thấy hình ảnh của mẹ khi còn bằng tuổi mình, Caroline đã đồng ý. Tuy nhiên, cô gái nhỏ láu lỉnh đã từ chối tết tóc hai bên như mọi người và yêu cầu được đi đôi bốt yêu thích. Sự kết hợp ngộ nghĩnh đó đã biến em thành ngôi sao vintage trong ngày khai trường.
Chị của Caroline, Ally con gái cả của cô Jenny lại đón nhận chiếc váy rất nhiệt thành, cô bé cảm thấy thật đặc biệt khi được mang điều gì đó của bà và mẹ bên mình trong ngày đầu tới lớp.
Rất quý giá, nhưng chiếc váy vàng không phải là điều truyền thống duy nhất được truyền qua các thế hệ trong gia đình cô. Jenny đã rất hạnh phúc chia sẻ với Daily Mail rằng, các thành viên trong gia đình cô thường xuyên trao tặng nhau các công thức nấu ăn, đồ đạc, dụng cụ âm nhạc, đồ trang sức và tất nhiên là quần áo. Nhìn một cách hài hước, họ có một bộ sưu tập đồ truyền thống lớn không thua kém bất cứ nhà sưu tầm giàu có nào.
Khi Jenny mang thai con gái đầu lòng, mẹ cô đã gửi cho cô một thùng những đồ chơi và quần áo cũ của cô mà bà đã cất giữ rất cẩn thận suốt bao nhiêu năm. Đó là lý do tại sao hai con gái của Jenny vẫn đang chơi những món đồ chơi của mẹ mình. Cô bé Ally lại một lần nữa chứng tỏ rằng em có một kết nối rất chặt chẽ với gia đình khi rất yêu thích chiếc áo phông thập niên 70 của mẹ. Đã có lần em còn rất tự hào diện một chiếc váy thập niên 50 của bà Martha (dì của mẹ em) cùng đôi xăng-đan cũ của mẹ tới trường.
Vào ngày khai trường năm nay, câu chuyện về chiếc váy truyền thống của gia đình cô Jenny đã được lan truyền trên mạng và khiến các gia đình Mỹ vô cùng thích thú.
“Đó là cách truyền cảm hứng về gia đình cho con cái của chúng tôi, khiến những đứa trẻ có thêm niềm tự hào về gia đình và khiến các thành viên được kết nối gần với nhau hơn”, cô Jenny chân thành chia sẻ về động lực khiến gia đình cô duy trì những truyền thống nhỏ này, mặc dù đó không phải lúc nào cũng là một điều dễ dàng.
Chúng ta thường biết đến người Mỹ với hình ảnh năng động và tự do nhiều hơn là hình ảnh một nước Mỹ với sự gắn kết chặt chẽ với gia đình. Nhưng trên thực tế, gia đình là một khái niệm rất quan trọng đối với hạnh phúc của người Mỹ.
Khi tới tuổi trưởng thành, các thanh niên Mỹ sẽ rời gia đình để xây dựng cuộc sống và sự nghiệp của riêng mình. Nhưng sự độc lập không ngăn họ có những kết nối với ngôi nhà thân yêu. Sự kết nối ấy được dệt nên bằng chính những truyền thống nhỏ như chiếc váy vàng của Jenny.
Trong các gia đình Mỹ, bạn sẽ không khó để bắt gặp những “quy tắc” hay những thói quen nho nhỏ mà mọi người của tất cả các thế hệ sẽ cùng nhau thực hiện. Đặc biệt, những dịp lễ như Năm mới, hay ngày lễ Tạ ơn đều là khoảng thời gian để các gia đình thực hiện những truyền thống của mình. Những truyền thống này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp khi những đứa trẻ lớn lên, nhưng nó luôn là cây cầu để kết nối yêu thương giữa các thành viên. Những truyền thống nho nhỏ ấy phản ánh đậm nét bản sắc của mỗi tổ ấm, đồng thời cũng là dấu ấn của tình thương và sự quan tâm mà các thành viên dành cho nhau.
Kỷ niệm và ký ức có một sức ảnh hưởng sâu sắc đối với trái tim mỗi con người. Những người mang một tuổi thơ đau khổ thường gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống sau này. Phải chăng đây là lý do khiến các gia đình Mỹ luôn trân trọng và đặt nhiều tâm sức vào việc xây dựng cũng như duy trì những truyền thống quý báu của gia đình, như ví dụ của chiếc váy xinh đẹp trong câu chuyện trên? Tuy nhỏ, nhưng những nét truyền thống ấy đủ để mang tới những tháng ngày bình yên, đầy yêu thương và nhiều niềm vui cho những đứa trẻ.
Nguồn ảnh: Daily Mail
Hy Văn
Ca sĩ Hà Thanh Xuân bất bình với hành xử của American Airlines
“Tôi nghĩ mình cần phải lên tiếng, không phải vì chuyện cái ghế ngồi, mà vì thái độ phục vụ quá tệ của American Airlines (AA), nhất là cách họ đối xử với khách hàng trung thành của họ.” Ca sĩ Hà Thanh Xuân của trung tâm Thúy Nga tìm đến nhật báo Người Việt vào sáng Thứ Hai, 18 Tháng 12 để kể lại câu chuyện khiến cô bất bình khi đáp chuyến bay từ Dallas trở về Los Angles vào ngày hôm trước.