Taliban là ai?
Từ nhóm 50 tay súng Pashtun ở Kandahar, Taliban đã trở thành lực lượng cực đoan quy mô lớn với mục tiêu thành lập nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan.
06:00 18/08/2021
Taliban, lực lượng Hồi giáo cực đoan kiểm soát Afghanistan giai đoạn 1996-2001, tiến vào thủ đô Kabul đêm 15/8 và hoàn tất chiến dịch quân sự chớp nhoáng để chiếm phần lớn lãnh thổ Afghanistan trong vài tuần qua, sau khi Mỹ và đồng minh rút phần lớn lực lượng khỏi Afghanistan.
Sự trỗi dậy của Taliban có thể đặt ra mối đe dọa mới với trật tự chính trị và xã hội được Mỹ và đồng minh xây dựng suốt nhiều năm qua.
Taliban là ai?
Taliban được thành lập năm 1994 ở thành phố miền nam Kandahar bởi Mullah Mohammad Omar, thành viên một bộ lạc Pashtun và từng là một chỉ huy phiến quân mujahedeen chống lại chiến dịch quân sự của Liên Xô ở Afghanistan trong thập niên 1980.
Lực lượng khoảng 50 người, đặt mục tiêu giải quyết sự bất ổn, tham nhũng và tội phạm lan tràn khắp Afghanistan trong những năm nội chiến sau khi Liên Xô rút quân. Cái tên Taliban có nghĩa là "học sinh", dùng để mô tả các thành viên đầu tiên của tổ chức là những người học theo Mullah Omar.
Taliban nhanh chóng chiếm được Kandahar và sau đó là thủ đô Kabul vào năm 1996, trong bối cảnh người dân Afghanistan tỏ ra bất mãn với tình hình bất ổn trong nước. Lực lượng này nhanh chóng áp đặt luật Hồi giáo nghiêm khắc, cấm các chương trình TV và âm nhạc, cấm phụ nữ đi học và buộc họ mặc trang phục burqua trùm kín từ đầu đến chân.
Taliban từng cung cấp nơi trú chân cho trùm khủng bố Osama bin Laden và các thành viên tổ chức khủng bố al-Qeada khi chúng lên kế hoạch thực hiện vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.
Mỹ mở chiến dịch quân sự tại Afghanistan sau khi Taliban từ chối giao nộp Osama bin Laden và nhanh chóng lật đổ chính quyền do lực lượng này đứng đầu. Mullah Omar và nhiều thủ lĩnh Taliban chạy sang Pakistan, đồng thời mở những chiến dịch quân sự trên khắp lãnh thổ Afghanistan để giành lại quyền lực.
Tháng 2/2020, Mỹ và Taliban ký thỏa thuận lịch sử, trong đó đề ra thời gian biểu 14 tháng để Washington rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan. Những cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột giữa chính phủ Afghanistan và Taliban không mang lại kết quả trong giai đoạn này.
Mục tiêu của Taliban là gì?
Taliban chiến đấu nhằm lật đổ chính quyền được Mỹ và đồng minh hậu thuẫn, đồng thời tái áp đặt luật Hồi giáo lên khắp lãnh thổ Afghanistan. Giới chức Taliban cho biết họ muốn xây dựng một chính phủ với nhiều thành phần và không trở thành mối đe dọa với phương Tây.
Phát ngôn viên Taliban tuyên bố sẽ bảo đảm an toàn cho những người từng làm việc cho các chính phủ trước đó, nhưng một số người dân Afghanistan cho biết đã có tình trạng tấn công vô cớ nhằm vào dân thường, ép phụ nữ rời khỏi nơi làm việc và hành quyết binh sĩ chính phủ ở những nơi lực lượng này đang kiểm soát.
Ai lãnh đạo Taliban ở Afghanistan?
Mullah Omar qua đời năm 2013, nhưng Taliban chỉ công bố về cái chết của người sáng lập tổ chức sau đó hai năm.
Năm 2016, Mỹ tung đòn không kích bằng máy bay không người lái và hạ sát Mullah Akhtar Mohmmad Mansour, người kế nhiệm Mullah Omar. Kể từ đó, Taliban được lãnh đạo bởi Mawlawi Haibatullah Akhundzada, một học giả pháp lý Hồi giáo. Được biết đến với cái tên "Thủ lĩnh của những người trung thành", Akhunzada là người nắm quyền cao nhất đối với các vấn đề chính trị, tôn giáo và quân sự của nhóm.
Taliban cũng duy trì một hội đồng lãnh đạo được gọi là Quetta Shura ở Pakistan, có trách nhiệm đưa ra những quyết định về hoạt động của lực lượng này.
Taliban kiếm tiền như thế nào?
Nguồn thu chính của Taliban là hoạt động mua bán ma túy. Họ áp thuế rất nặng với những người trồng hoa anh túc và sản xuất thuốc phiện tại các vùng lãnh thổ do nhóm kiểm soát. Taliban cũng áp thuế với các doanh nghiệp, thu lời từ hoạt động mua bán dầu mỏ tại các vùng biên giới và vận hành các mỏ khoáng sản.
Nhóm cũng có nguồn viện trợ từ những người ủng hộ ở Pakistan và Vùng Vịnh. Các nhà nghiên cứu của NATO ước tính mỗi năm Taliban có thể thu về khoảng 1,6 tỷ USD.
Điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ rút quân?
Mỹ đã đầu tư hàng nghìn tỷ USD để ổn định tình hình Afghanistan, ngăn đất nước này trở thành nơi ẩn náu cho các tổ chức như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như chặn đứng các âm mưu khủng bố nhằm vào Mỹ và đồng minh.
Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kabul là đòn đánh mạnh về mặt chính trị và đạo đức với Washington, cũng như tác động đến ảnh hưởng và lợi ích của phương Tây ở khu vực mà Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đang tìm cách giành lợi thế chiến lược.
Taliban cam kết sẽ ngăn chặn các nhóm cực đoan tìm nơi ẩn náu tại Afghanistan, nhưng giới chức phương Tây lo ngại họ sẽ không duy trì cam kết này và khẳng định hàng trăm thành viên al-Qaeda đã sinh sống ở các vùng lãnh thổ do Taliban kiểm soát.
Taliban tận dụng tối đa ưu thế khi Mỹ rút quân để giành phần lớn lãnh thổ Afghanistan. Thỏa thuận với Washington hồi năm 2020, trong đó Mỹ đồng ý rút quân mà không tham vấn ý kiến của chính phủ Afghanistan, càng thúc đẩy lực lượng này hành động quyết liệt hơn.
Quyết định của Tổng thống Joe Biden nhằm rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 11/9 là động lực để Taliban đẩy mạnh chiến dịch tiến công, nhất là khi quân chính phủ đã rệu rã và không còn lý do chiến đấu. Chỉ 9 ngày sau khi chiếm được tỉnh lỵ đầu tiên, nhóm Hồi giáo cực đoan đã tiến vào thủ đô Kabul.
Lý do Biden quay lưng với Afghanistan
Cuối tuần trước, Biden bày tỏ lòng trắc ẩn với người dân Afghanistan giữa lúc Taliban chuẩn bị tiến vào Kabul, nhưng vẫn kiên quyết với kế hoạch rút quân.