Thêm 2 năm trung học, ‘lớp 13 và 14,’ phải chăng tốt cho giáo dục Mỹ?

Ði học đại học miễn phí là một ý tưởng đáng ca ngợi và hợp lý, nhưng có vẻ là chỉ các quốc gia nào đánh thuế lợi tức 50% hay hơn vào những người dân giàu có nhất mới có thể thực hiện được điều này.

13:00 21/05/2017

Ở Mỹ hiện nay, chỉ có tiểu bang New York là nơi duy nhất tiến tới việc cho đi học không phải trả học phí các trường đại học của tiểu bang, dù là 2 năm hay 4 năm.

Sinh viên tốt nghiệp đại học cộng đồng ở Grove City, Pennsylvania. (Hình: AP Photo/Keith Srakocic)

Ngay cả với sự trợ giúp mới này, có tên Excelsior Scholarship, được Thống Ðốc Andrew M. Cuomo ký ban hành tháng qua, chỉ giúp được một phần nhỏ cư dân ở tiểu bang, những gia đình có lợi tức ít hơn $125,000 một năm và không được hưởng các trợ giúp tài chánh khác. Ngoài ra nếu họ không sống và làm việc bằng số năm mà họ được hưởng trợ giúp này, họ sẽ phải trả lại số tiền đó. Hơn thế nữa, Excelsior Scholarship không trả cho chi phí ăn ở, vốn là một số tiền lớn ở một số nơi tại New York.

Sara Goldrick-Rab, một giáo sư dạy về chính sách đại học tại Temple University, có ý kiến là hãy cho mọi người được miễn học phí hai năm đầu đại học, dù là học đại học cộng đồng hai năm hay các trường bốn năm.

Giáo Sư Goldrick-Rab cho rằng dồn thêm tài nguyên vào hai năm đầu của đại học sẽ giúp cho những người ở các gia đình có lợi tức thấp vượt qua trở ngại lớn nhất để thành công, là chi phí đời sống như tiền nhà, tiền ăn, tiền di chuyển và sách vở, khi họ còn đi học.

“Nếu người sinh viên có thể chuyên chú vào việc học hành, chứ không là làm việc để sống còn, họ sẽ tốt nghiệp,” Giáo Sư Goldrick-Rab nói.

Chính phủ Mỹ hiện đổ hàng chục tỉ đô la mỗi năm vào các trường đại học và trường dạy nghề vị lợi nhuận, dù rằng các trường đại học công lập đang đào tạo tới 3/4 số sinh viên trên cả nước.

“Tôi cho rằng hãy để các trường tư thục và vị lợi nhuận tự lo cho họ,” bà Goldrick-Rab nói. Và thay vào đó, hãy đổ tiền vào nơi mà vẫn gọi là “Lớp 13 và Lớp 14” của các trường trung học.

Hoàn tất bậc trung học có lúc đã có thể cung cấp đầy đủ trình độ giáo dục cho một người trẻ kiếm được việc ngoài xã hội, trả lương đủ cho một mức sống trung bình.

Nhưng toàn cầu hóa và tự động hóa nay đang tiêu diệt các loại công việc này. Ngay cả công việc sản xuất còn giữ lại ở Mỹ, hay trở lại Mỹ, cũng đòi hỏi sự hiểu biết cách sử dụng máy điện ở hãng xưởng, nếu muốn kiếm đủ tiền để có thể sống.

“Ngày nay rất khó có thể làm bất cứ công việc nào mà không có thêm được trình độ văn hóa của Lớp 13 và Lớp 14,” Giáo Sư Goldrick-Rab nói. Việc hình thành hệ thống giáo dục trung học chung cho học sinh hồi đầu thế kỷ 20 đã giúp nền kinh tế Mỹ vượt lên trên các quốc gia Âu Châu và những nơi khác.

Ngày nay, việc biến Lớp 14 thành Lớp 12 “mới” sẽ là điều cần thiết nếu nước Mỹ muốn tiếp tục duy trì sức mạnh kinh tế của mình, theo Giáo Sư Goldrick-Rab.

Vào năm 2015, những người dân Mỹ chỉ học hết bậc trung học trung bình có thể kiếm được $35,000 một năm. Trong khi đó, những người có bằng đại học hai năm có mức thu nhập trung bình là $44,000.

Một sinh viên tốt nghiệp đại học bốn năm có mức lương trung bình khoảng $65,500.

Trước đây, sinh viên từ các gia đình có lợi tức thấp có thể đi học đại học hầu như miễn phí. Trong thập niên 70, chương trình Pell Grant, chi trả dư cho các chi phí học đại học hai năm và vào khoảng 90% nhu cầu tài chánh cho đại học 4 năm, gồm cả ăn, ở và sách vở.

Ngày nay, Pell Grant, vào khoảng $5,815, chỉ đủ trả cho chưa tới 1/3 các chi phí của một sinh viên đại học.

Kết quả một cuộc nghiên cứu của Giáo Sư Goldrick-Rab cho thấy nhiều sinh viên phải đi làm thêm để có thể kiếm tiền đủ sống. Trong số 3,000 sinh viên được hưởng Pell Grant mà bà nghiên cứu từ năm 2008, chỉ có 50% tốt nghiệp sáu năm sau đó. Những người còn lại bị rơi rụng vì không còn đủ thời giờ cho việc học.

Ý tưởng của Giáo Sư Goldrick-Rab là nếu một học sinh hoàn tất Lớp 12 thì có thể học thêm năm 13 và 14 miễn phí để có các hiểu biết cần thiết cho việc làm, và được cung cấp tiền ăn, ở, sách vở. Ðổi lại, họ sẽ phải làm việc khoảng 15 giờ mỗi tuần với mức lương được coi là đủ sống (living wage).

Giải pháp này chắc chắc sẽ không giải quyết mọi vấn đề vì không phải ai cũng có thể học đại học và các chướng ngại vật cho sự thành công không chỉ là thời gian cần có để học hành.

Tuy nhiên, việc có Lớp 13 và Lớp 14 vào chương trình học sẽ cho nhiều cơ hội thành đạt hơn và cũng giúp để duy trì sự tiến triển của một nền kinh tế ngày càng đòi hỏi người nhân công phải có nhiều khả năng chuyên môn hơn.

Lê Tâm (Theo NY Times)

Giáo dục ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh có gì khác?

Giáo dục ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh có gì khác?

Các trường Đại học của Vương quốc Anh và Mỹ đều nổi tiếng với chất lượng giáo dục được cả thế giới công nhận. Tuy nhiên, trải nghiệm văn hóa học đường ở hai đất nước này lại hứa hẹn nhiều khác biệt. Dưới đây là một số khác biệt cơ bản.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất