Thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh mẽ

Thị trường chứng khoán Mỹ gần như đã hồi phục hoàn toàn sau các cú sốc về thương chiến

11:00 07/09/2019

Trong khi đó, những biểu hiện tốt đẹp liên tiếp của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đẩy lùi những lập luận cho rằng kinh tế Mỹ sẽ sớm rơi vào suy thoái do chính sách thương mại ‘bài ngoại’ của ông Trump.

Hôm thứ Năm 5/9, Mỹ và Trung Quốc đồng ý tổ chức một cuộc đàm phán trực tiếp vào tháng 10, dấu hiệu tích cực trong khi cuộc chiến thương mại đang dâng cao khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh trở lại. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên kể từ cuộc đàm phán đổ bể hồi cuối tháng Bảy khiến hai bên sát phạt thuế nhập khẩu lên bộ hàng hóa của nhau. 

Chỉ số Dow Jones tăng gần 400 điểm đạt mức 26,7 nghìn điểm, và đang trên đà trở lại mức kỷ lục 27 nghìn điểm. S&P 500 phần lớn đã phục hồi và chỉ cách mức cao kỷ lục đạt được hôm 26/7 hai phần trăm. Những chỉ số này cho thấy mức độ dễ thay đổi của chứng khoán đối với các tin tức tích cực hay tiêu cực của cuộc thương chiến, trong bối cảnh các chính sách về thuế của hai bên chưa có bất cứ thay đổi nào về thực chất. 

Chủ nhật vừa rồi, Mỹ bắt đầu thu thuế 15% đối với khoảng 125 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong gói 300 tỷ USD vẫn chưa bị đánh thuế, hầu hết là sản phẩm tiêu dùng. Trong khi đó Trung Quốc cũng tiến hành áp thuế dầu thô Mỹ và kiện Mỹ ra WTO. Washington cũng không có động thái gì về việc sẽ trì hoãn tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc đã lên lịch vào 1/10. 

Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay đội ngũ đàm phán của họ sẽ ‘thảo luận’ với đội ngũ Mỹ vào giữa tháng 9 để chuẩn bị cho cuộc đàm phán quan trọng vào tháng đầu tháng 10. 

“Những nhà đàm phán hàng đầu từ cả hai bên đã có một cuộc điện đàm hết sức tốt đẹp sáng nay”, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc nói. 

“Chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được tiến bộ đáng kể trong vòng đàm phán cấp cao Trung-Mỹ thứ 13 vào đầu tháng 10”. Ông này cũng nhắc lại tuyên bố của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc rằng Bắc Kinh phản đối bất kỳ động thái leo thang thương chiến nào và căng thẳng thương mại không có lợi cho cả Trung Quốc, Mỹ và thế giới. 

Trung khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump thì cảnh báo rằng Trung Quốc chớ có kéo dài đàm phán bởi ông sẽ rất mạnh tay trong nhiệm kỳ 2 của mình. 

Hôm 4/9, ông Trump chia sẻ lại một phát ngôn trên chương trình kinh tế của đài CNBC, tố cáo Trung Quốc về việc luôn chần chừ trong đàm phán: 

“Người Trung Quốc rất giỏi về việc không chịu nhận cái gì cả. Bạn phải trở nên thật cứng rắn và đó là điều ông Trump đang làm. Chính Trung Quốc được lợi khi họ thay đổi, và tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được một giải pháp tốt hơn nhiều so với cái chúng ta có hiện nay…

Chúng ta phải thay đổi luật chơi. Mỹ không thể bảo vệ cả thế giới và lại trả tiền cho việc đó. Chúng ta không thể cứ giữ một hệ thống mà chúng ta duy trì toàn bộ một nền kinh tế vì lợi ích của những nước khác, những nước mà đã đánh thuế rất cao chúng ta từ lâu rồi. Đừng lảng tránh hiện thực. Mỹ đã là nạn nhân của chủ nghĩa Khủng bố Thuế má trong 50 năm qua. Nhưng một thỏa thuận thực sự có thể xảy ra”. 

Báo cáo Nhân sự Quốc gia ADP tháng 8, tài liệu sơ bộ trước khi Báo cáo việc làm chi tiết hơn của Bộ Lao động Mỹ được công bố, cho thấy mức lương của các công ty tư nhân ở Mỹ tăng nhanh nhất trong vòng 4 tháng qua vào tháng 8, dẫn đầu là các công việc trong ngành dịch vụ. 

Theo Reuters, một cuộc khảo sát khác cũng cho thấy ngành dịch vụ của Mỹ tăng trưởng mạnh trong tháng 8, phục hồi từ mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, do các đơn hàng tăng mạnh bất chấp thương chiến gia tăng. 

Các tín hiệu lạc quan của kinh tế Mỹ đã xóa bỏ nỗi lo sợ về suy thoái kinh tế của những nhà quan sát hồi tháng 8, sau khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và tìm về tài sản an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ. 

“Ngành sản xuất hơi nằm trong xu thế suy giảm toàn cầu một chút, nhưng nếu bạn nhìn vào các dữ liệu kinh tế khác, như báo cáo dịch vụ và việc làm, không có dấu hiệu nào cho thấy nền kinh tế Mỹ đang đi vào một cuộc suy thoái”, chiến lược gia thị trường Michael Antonelli tại hãng Robert W. Baird nói với Reuters. 

Trọng Đức

Tags:
Khu vực kinh doanh lý tưởng nhất và kém hiệu quả nhất tại Mỹ

Khu vực kinh doanh lý tưởng nhất và kém hiệu quả nhất tại Mỹ

Khi đề cập đến vấn đề thành lập doanh nghiệp mới, địa điểm là yếu tố quan trọng nên cân nhắc, khu vực được các doanh nhân chọn làm nơi bắt đầu kinh doanh sẽ có tác động đáng kể.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất