Tiệm nail của người Việt bị phạt $130.000 vì trả lương nhân viên dưới mức quy định
Một tiệm làm nail của người Việt ở Adelaide đã bị Fair Work Ombudsman điều tra sau khi có báo cáo về việc bóc lột nhân viên. Tổng cộng người chủ của tiệm nail đã phải nộp phạt $130.000 và hoàn lại toàn bộ số tiền còn thiếu của nhân viên.
21:30 11/07/2018
Người chủ của tiệm nail ở Adelaide có tên Minh Gia Le, bị phạt $30.000 và công ty House of Polish Central Pty Ltd của ông, hiện tại là công ty điều hành tiệm nail Global Nail and Beauty và/hoặc House of Polish Central tại trung tâm thương mại Colonnades ở trung tâm Noarlunga, bị phạt thêm $100.000.
Tổng cộng, Fair Work Ombudsman đã thu hồi số tiền $130.000 từ chủ tiệm nail ở Adelaide vì đã bóc lột hai nhân viên trẻ là người nhập cư, đồng thời còn tạo hồ sơ giả để che mắt cơ quan điều tra.
Ông Lê thừa nhận đã trả thiếu cho hai nhân viên làm nail tổng cộng $53.021 trong khoảng thời gian từ tháng 11/2014 đến tháng 3/2016.
Hai người nhân viên này chỉ mới 20, 21 tuổi, đều là di dân Philippines.
Fair Work Ombudsman bắt đầu cuộc điều tra sau khi một trong hai nhân viên này đã gửi yêu cầu giúp đỡ.
Các điều tra viên đã phát hiện những nhân viên này chỉ được trả có $12/ giờ, dù lương tối thiểu là từ $18.97 – $19.44 đối với giờ làm bình thường, và $23.71 – $38.88 đối với giờ làm thêm hoặc cuối tuần.
Một người bị trả thiếu $35.680, người còn lại $17.339. Họ đã được trả lại đầy đủ vào cuối năm 2016.
Tại tòa, ông Lê khai rằng ông tưởng hai người nhân viên này được trả theo lương của nhân viên thực tập. Thế nhưng tòa đã bác bỏ lời khai này.
Thẩm phán Brown cho rằng ông Lê phải nhận thức được trách nhiệm vì Fair Work Ombudsman đã từng nhắc nhở ông về trách nhiệm phải làm theo đúng luật.
Hồi năm 2015, Fair Work Ombudsman đã gửi thư cảnh báo sau khi kiểm tra tiệm nail của ông Lê đã phát hiện một nhân viên bị trả thiếu hơn $2.800.
Thẩm phán cho rằng số tiền trả thiếu nhân viên là một số tiền khá lớn, chiếm khoảng 30% – 45% tổng lương của hai nhân viên, và họ là những người di dân đến từ quốc gia không nói tiếng Anh, điều đó khiến họ dễ bị lợi dụng.
Ông Lê và công ty của ông cũng đã vi phạm luật lao động khi cung cấp cho nhà điều tra giấy tờ sổ sách giả. Ông cũng đồng thời vi phạm luật trả lương.
Ông Lê khai rằng doanh nghiệp của ông đã làm mất chứng từ sau khi bị tin tặc tấn công và ông đã phải làm lại giấy tờ nhằm hỗ trợ Fair Work Ombudsman trong lúc điều tra, đồng thời cũng đã có trả lời sau khi các nhà điều tra gửi thư yêu cầu cung cấp giấy tờ.
Tuy nhiên thẩm phán Brown sau khi phát hiện các giấy tờ là giả mạo nhằm để cung cấp cho cơ quan điều tra, ông cho rằng đây là sự ‘giả mạo tinh vi’. Theo đó ông Lê đã ghi giảm số giờ làm việc thực sự của nhân viên, để thể hiện mức lương trả cho nhân viên cao hơn nhiều so với mức lương thực tế.
“Tôi đã có kết luận rằng việc làm giả này là sự chủ đích với động cơ lừa đảo,” Thẩm phán Brown nói.
Ngoài số tiền phạt, Tòa còn yêu cầu ông Lê phải đăng ký dịch vụ My Account trên www.fairwork.gov.au và hoàn thành khóa học cho chủ doanh nghiệp tại Online Learning Centre.
Phía Fair Work Ombudsman nói, kết quả của cuộc điều tra này nhằm gửi đi thông điệp rằng những ai chủ ý bóc lột nhân viên di dân, và làm giải giấy tờ sổ sách sẽ bị hình phạt thích đáng.
Theo SBS
Thẩm phán Mỹ gia hạn đoàn tụ các gia đình nhập cư trái phép
Ngày 9/7, một thẩm phán Mỹ đã quyết định kéo dài thời hạn chót để số trẻ em dưới 5 tuổi trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp đoàn tụ với cha mẹ bị chia tách do chính sách "không khoan nhượng" đối với hoạt động nhập cư trái phép.