Tôi đã cho cả hai con tiếp xúc với tiếng Anh từ lúc ẵm ngửa

Khi đã có lượng từ tiếng Việt, nhiều trẻ không thấy nhu cầu phải học ngôn ngữ khác và trở nên thờ ơ hoặc từ chối học ngoại ngữ.

03:52 01/09/2017

Sau bài viết Thầy ngoại ngữ khuyên cha mẹ tới lớp 10 mới cho con học , có rất nhiều ý kiến phản hồi trái chiều. Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Phương Đặng, một bà mẹ hai con đang sống tại Hà Nội, cũng từng là giáo viên tiếng Anh, về lý do và phương pháp chị giúp con làm quen với ngôn ngữ này từ thủa ẵm ngửa. Hiện tại, con gái lớn của chị, bé Bư (5 tuổi) có thể nói chuyện bằng tiếng Anh lưu loát, bé nhỏ Siêu Tăm (2 tuổi) cũng nghe hiểu các câu đơn giản và biết đáp lại. 

Độ tuổi mà trẻ dễ dàng tiếp thu các ngôn ngữ nhất chính là 5 năm đầu đời, lý tưởng nhất là ngoại ngữ được giới thiệu và duy trì thời lượng tiếp xúc liên tục từ khi trẻ đang bập bẹ cả tiếng mẹ đẻ. Điều này có nghĩa là trẻ có thể bắt đầu học tiếng Anh ngay từ khi còn sơ sinh, và tốt nhất là trước 2 tuổi.

Tôi đã bắt đầu dạy cả hai con từ trước khi chúng lên 2. Trái với hình dung của nhiều người lớn, trẻ con được tiếp xúc sớm với tiếng Anh (xem thêm về cách dạy ở bên dưới) có thể hiểu và làm theo những câu đơn giản từ khi một tuổi, bập bẹ và ghép từ trong độ tuổi 1-2, nói thành câu khá đầy đủ khi lên 3, và khi lên 5 thì giao tiếp với ngữ pháp và phát âm gần như hoàn chỉnh. Tôi đã quan sát những thay đổi này ở chính các con tôi.

toi-da-cho-ca-hai-con-tiep-xuc-voi-tieng-anh-tu-luc-am-ngua

Chị Phương Đặng và hai con. Ảnh: NVCC.

Nhiều gia đình thử dạy con tiếng Anh khi chúng đã ngoài 3 tuổi, nhưng quá trình dạy có thể khá khó khăn không phải vì khả năng ngôn ngữ không cho phép trẻ học, mà là do sự chống đối ở trẻ về mặt tâm lý. Thời điểm 0-2 tuổi rất quan trọng, vì ở thời điểm 2 tuổi, đa số trẻ đã nói được những câu ngắn 2-4 từ bằng tiếng Việt. Khi đã có một lượng từ vựng tiếng mẹ đẻ, nhiều trẻ không cảm thấy nhu cầu phải học một ngôn ngữ khác và trở nên thờ ơ hoặc từ chối học ngoại ngữ.

Trẻ nhỏ mất xấp xỉ 5 năm đầu để hoàn thiện tương đối khả năng giao tiếp thành thạo bằng ngôn ngữ nào đó, với điều kiện được học từ khi bập bẹ và duy trì liên tục.

Vậy học ngoại ngữ muộn có phải bất lợi cho bé? Con người có thể học ngoại ngữ ở bất kỳ thời điểm nào, nhưng càng lớn, việc học thành công sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào động lực tự thân (càng ngày càng giảm với đa số), thời gian để học thành công sẽ lâu hơn rất nhiều, và khả năng học ngôn ngữ tự nhiên như ngày nhỏ không bao giờ quay trở lại.

Đây là quyết định của gia đình bạn nếu chờ đến khi bé lớn hơn. Tiếng Anh không phải thứ thiết yếu với bé, mà nó chỉ là một trong rất nhiều công cụ giúp cha mẹ và bé thêm gắn bó với nhau nếu được dạy trong yêu thương. 

Cho con học ngoại ngữ sớm không nhất thiết phải tốn nhiều tiền. Bố mẹ hoàn toàn có thể tự dạy con tại nhà. Bạn thậm chí có thể kết hợp giúp con tại nhà và gửi con đến lớp. Với kinh nghiệm dạy tiếng Anh cho nhiều học viên ở nhiều độ tuổi cũng như thành công trong việc dạy song ngữ cho hai con nhỏ tại nhà, dưới đây là kinh nghiệm của tôi giúp bố mẹ có thể tự dạy ngoại ngữ cho con:

Cho trẻ học song ngữ 

Trẻ học tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh song song với nhau, hoặc thời điểm được giới thiệu ngoại ngữ không quá cách xa so với thời điểm trẻ bắt đầu học tiếng Việt. Hai ngôn ngữ được giới thiệu cùng cách: trẻ được tiếp xúc với ít nhất một người lớn có khả năng sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống tự nhiên trong đời sống, bao gồm lúc người lớn chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn uống, vệ sinh, và chơi với trẻ. Các ngôn ngữ được sử dụng tách biệt nhau; ngoại ngữ không được giới thiệu qua tiếng Việt. 

Theo cách này, ngôn ngữ được sử dụng hoàn toàn dựa trên nhu cầu giao tiếp thực sự của người lớn và trẻ, nhưng quan trọng nhất là mối quan tâm của trẻ. Ngôn ngữ được giới thiệu một cách có ý nghĩa với trẻ, đi liền với cảm xúc, với chơi đùa, với các kích thích giác quan tự nhiên.

Nói theo cách đơn giản nhất, trẻ học tiếng Việt ra sao thì tiếng Anh hay bất cứ thứ tiếng nào khác cũng có thể được giới thiệu theo cách y hệt như vậy. Một băn khoăn phổ biến là trẻ sẽ bị lẫn lộn ngôn ngữ - điều này không hề xảy ra. 

Trái với lời khuyên mỗi người lớn một ngôn ngữ, bạn có thể dạy bé cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, miễn là tách biệt hai ngôn ngữ.

Trình độ ngôn ngữ của cha mẹ khi dạy ngoại ngữ cho con

Để áp dụng được cách này, bạn phải có một vốn nhất định, ít nhất là có khả năng tương tác với trẻ trong tình huống đơn giản hàng ngày bằng câu hoàn chỉnh. Dạy trẻ trong thời gian đầu đòi hỏi các câu hoàn chỉnh nhưng ngắn và đơn giản, ví dụ như: "Can you give me the cup? (Con có thể đưa cốc cho mẹ được không?)", "I see you want some rice. (Mẹ thấy là con muốn ăn cơm)", "Say bye bye to Grandpa! Bye bye! (Chào tạm biệt ông nào! Bye bye!)". 

Nhiều cha mẹ (và có thể là cả các giáo viên ) cho rằng học nhiều câu đầy đủ trong tình huống sẽ quá khó với trẻ và cho rằng chắc chắn khó học hơn tiếng Việt. Đây đều là các ngộ nhận. Trẻ nhỏ có khả năng học mọi ngôn ngữ như nhau, và khả năng học ngôn ngữ của chúng vượt xa sự hình dung của người lớn. Nếu không hiểu, người lớn sẽ giới thiệu theo cách thức rất giới hạn (chỉ dạy từ đơn, bắt trẻ lắng nghe rồi nhắc lại, bắt trẻ ngồi im một chỗ...), hoặc dạy qua tiếng Việt (ví dụ: "Đố con biết con khỉ tiếng Anh là gì? Là monkey nhé!") - tất cả đều hạn chế kết quả và khả năng tiếp thu của trẻ. 

Nhiều cha mẹ cũng sợ họ sẽ phát âm không đúng, và ảnh hưởng đến khả năng phát âm của con. Sử dụng cách này, các cha mẹ cần cân nhắc và tốt nhất không nên dạy con nếu cảm thấy lo lắng, tự ti. Cha mẹ có thể kết hợp các phần mềm có chất lượng cho trẻ 2 tuổi trở lên, nhưng nên giới hạn thời lượng và cần ngồi cạnh để hướng dẫn và học cùng trẻ. Xem hoạt hình có ngôn ngữ quá khó không giúp ích cho trẻ. Bật các audio có tiếng Anh chuẩn để trẻ nghe cũng không có tác dụng nếu bản thân trẻ không hiểu chúng đang nghe nội dung gì. Ngôn ngữ luôn luôn phải được giới thiệu theo cách có ý nghĩa; trẻ cần chủ động tham gia và lắng nghe.

Cha mẹ sẽ cần phải liên tục trau dồi ngoại ngữ trong quá trình dạy bé. Đọc sách cùng bé (sách thiết kế cho trẻ bản ngữ, chứ không phải sách để học tiếng Anh như ngoại ngữ) là một cách tốt cho cả cha mẹ và bé. 

Có phải bố mẹ chỉ cần có tiếng Anh là sẽ dạy được cho bé?

Điều này không đúng. Ngay cả đến những giáo viên người Việt có kinh nghiệm dạy trẻ trên lớp cũng có thể hoàn toàn không biết cách dạy. Cách thức học ngôn ngữ trong môi trường tự nhiên dựa trên nhu cầu giao tiếp của trẻ hoàn toàn không giống với cách trẻ học ngoại ngữ trên lớp.  

Bên cạnh khả năng ngôn ngữ, cha mẹ nên tận dụng ngôn ngữ cử chỉ, thể hiện khiếu hài hước của mình cũng như thể hiện tình cảm với trẻ. Trẻ nhỏ học tốt nhất khi chúng được quan tâm, âu yếm, lắng nghe, chơi đùa, và tin tưởng người lớn. Gây áp lực cho trẻ theo bất kỳ hình thức nào (ví dụ: "Mẹ đã dạy con mà sao con cứ quên thế nhỉ? Nhắc lại xem nào! Ngồi xuống, đừng chạy đi nữa!") đều phản tác dụng. Học trong vui vẻ chính là chìa khóa dẫn đến thành công. 

Cha mẹ có một lợi thế rất lớn là sự gần gũi với con cái trong đời thường mà thầy cô không thể có. Nên dành ít nhất 1-2 tiếng mỗi ngày để giao tiếp với bé hoàn toàn bằng tiếng Anh. Lượng thời gian này không cần phải liền mạch, mà có thể tách thành những khoảng 15-20 phút, không nên quá ngắn như 5 phút.

Tags:
Du học 4 năm không nói được tiếng Anh, ở tù 6 tháng thông thạo như người bản xứ!

Du học 4 năm không nói được tiếng Anh, ở tù 6 tháng thông thạo như người bản xứ!

Chuyện du học sinh đi làm thêm ở Mỹ kiếm được 1.500-2000 đô/tháng không phải hiếm. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấy là những nỗi niềm chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất