Trái Đất năm 2500: Rừng Amazon biến mất, Mỹ thành nước nhiệt đới, Ấn Độ trông như một hành tinh khác
Hãy xem 500 năm qua con người đã làm được gì cho Trái Đất, và sẽ còn biến đổi Trái Đất thế nào trong 500 năm tới?
20:00 04/10/2021
Trong vòng hơn 500 năm qua tính từ thế kỷ 16, nền văn minh của loài người đã chứng kiến những bước thay đổi hết sức nền tảng. Chúng ta đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp, hai cuộc chiến tranh thế giới và trước đó là làn sóng thuộc địa hóa khai phá gần như mọi vùng đất có thể sinh sống trên địa cầu.
Sự ra đời của các nhà nước, bản sắc và thể chế hiện đại cũng xóa sổ những nền văn minh nông nghiệp nhỏ lẻ. Kế đó là giai đoạn công nghiệp hóa, khi nhiên liệu hóa thạch được khai thác rầm rộ và đốt cháy liên tục để cung cấp năng lượng cho cả guồng máy.
Kết quả của tất cả những sự kiện này là gì? Loài người đã có được một nền văn minh hiện đại và tiên tiến hơn bao giờ hết, nhưng đánh đổi với đó là cái giá phải trả từ phía môi trường và khí hậu.
Các nhà khoa học cho biết Trái Đất ngày nay đã nóng hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng tưởng chừng nhỏ bé ấy đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, bão lũ, hạn hán và nắng nóng diễn ra với tần suất và quy mô chưa từng có.
Một nghiên cứu mới trên tạp chí Science cho biết: Trong cuộc đời của những đứa trẻ sinh năm 2010 trở về sau, chúng sẽ phải chứng kiến số lượng các vụ cháy rừng và lốc xoáy nhiều gấp đôi, số trận lũ sông nhiều gấp 3, những mùa vụ mất mát nhiều gấp 4, hạn hán nhiều gấp 5 và các làn sóng nhiệt nhiều gấp 36 lần thế hệ ông bà sinh ra từ năm 1960-1970.
Và đó mới là kịch bản tính đến năm 2100, khi mức tăng nhiệt độ của hành tinh không quá 3 độ C. Kịch bản biến đổi khí hậu tính đến giữa thiên niên kỷ thậm chí còn khủng khiếp hơn nữa. Vậy Trái Đất sẽ trông như thế nào vào năm 2500?
Một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Global Change Biology đã cố gắng lập mô hình tính toán để dự đoán điều đó.
Các tác giả nghiên cứu cho biết vào năm 2500, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng tới 6 độ C, biến một số khu vực xích đạo trở thành nơi không thể sinh sống. Thảm thực vật nhiệt đới sẽ dần dịch chuyển lên vùng ôn đới, còn thảm thực vật ôn đới dịch dần về phía cực.
Để giúp công chúng có cái nhìn trực quan hơn về những kịch bản này, nghiên cứu đã vẽ ra 3 bức ảnh đại diện cho 3 cảnh quan chính trong các khu vực rừng Amazon, miền Trung Tây Hoa Kỳ và tiểu lục địa Ấn Độ. Mỗi bức ảnh lại gồm 3 mô hình cảnh quan chính để bạn có thể so sánh: dấu mốc 500 năm trước, hiện tại và 500 năm sau.
Nhìn vào những bức tranh này, chúng ta có thể thấy viễn cảnh không hề tươi sáng của hành tinh. Dường như đó là một Trái Đất rất khác và xa lạ với con người hiện đại. Con cháu chúng ta vào năm 2500 có thể sẽ sống như những người ngoài hành tinh trong tưởng tượng của chúng ta bây giờ, với các bộ đồ bảo hộ nhiệt mỗi khi phải bước ra ngoài.
Vậy hãy xem 500 năm qua chúng ta đã làm được gì cho Trái Đất và có thể biến Trái Đất thành một thế giới như thế nào nữa trong 500 năm tới.
Rừng Amazon biến mất
Bức vẽ trên cùng cho chúng ta thấy hình ảnh của một ngôi làng truyền thống của thổ dân Amazon trong thế kỷ 16. Nó được bao bọc trong một khu rừng nhiệt đới, có lối đi ra sông và lối đi xuyên rừng để đến các ngôi làng và vùng đất khác.
Hình ảnh chính giữa là phong cảnh ngày nay, ngôi làng của thổ dân đã biến mất. Chạy qua đó bây giờ là một con đường nhựa cao tốc. Các khu dân cư mọc lên ven đường và khu du lịch, bến thuyền ở bờ sông.
Hình ảnh dưới cùng là viễn cảnh vào năm 2500 cho thấy một cảnh quan cằn cỗi. Rừng đã biết mất trong khi mực nước trên sông cũng rút đi. Toàn bộ hệ sinh thái cũ đã bị phá hủy. Cơ sở hạ tầng của con người cũng nghèo nàn và gần như không còn sự hiện diện của đời sống hàng ngày.
Miền Trung Tây Hoa Kỳ trở thành xứ sở nhiệt đới
Bức tranh trên cùng mô tả một lịch sử ở miền Trung Tây nước Mỹ 500 năm về trước, nơi các thành phố của thổ dân bản địa được duy trì bằng một nền nông nghiệp đa dạng lấy ngô làm cây trồng chủ lực.
Quá trình thuộc địa hoá Châu Mỹ bắt đầu ngay từ đầu thế kỷ 16 cuối cùng đã xoá sổ toàn bộ nền văn minh bản địa. Người Mỹ bây giờ đã biến khu vực này thành những vùng độc canh ngũ cốc rộng lớn, với sự tham gia của máy móc nông nghiệp.
Trong bức ảnh cuối cùng, các tác giả cho thấy một nền nông nghiệp dần thích nghi với khí hậu cận nhiệt đới nóng ẩm, nông lâm kết hợp với cây chủ lực là cọ dầu và các loài xương rồng ở vùng khô hạn. Vào năm 2500, các loại cây trồng sẽ được chăm sóc bởi máy bay không người lái điều khiển tự động bằng AI, giảm thiểu sự hiện diện của con người đến mức tối đa.
Tiểu lục địa Ấn Độ gần như một hành tinh khác
Hình ảnh trên cùng cho thấy một làng nông nghiệp bận rộn với công việc trồng lúa, tận dụng thêm sức lực gia súc ở Ấn Độ hơn 500 năm trước.
Hình ảnh thứ hai là khung cảnh ngày nay cho thấy sự kết hợp giữa canh tác lúa nước truyền thống và cơ sở hạ tầng hiện đại ở nhiều khu vực miền Nam Bán Cầu.
Hình ảnh cuối cùng là một tương lai của các công nghệ thích ứng với nhiệt. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, khu vực xích đạo sẽ hứng chịu một điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất.
Canh tác nông nghiệp ngoài trời sẽ trở thành một công việc vô cùng nặng nhọc và cần đến sự trợ giúp của robot. Sự hiện diện của con người cũng được giảm thiểu, đến nỗi khi muốn ra ngoài, người dân sẽ cần phải có quần áo bảo hộ nhiệt.
Tham khảo Theconversation
Tiếł ℓộ 10 qᴜy ℓᴜậł ƙiếɱ łiềп пɢɦìп пăɱ ʋẫп ᵭúпɢ củɑ пɢười Do Tɦái
Nɢười Do Tɦái có ɾấł пɦiềᴜ qᴜɑп ᵭiểɱ ƙiпɦ ɗoɑпɦ ᵭáпɢ ᵭể cɦúпɢ łɑ sᴜy пɢẫɱ ʋà ɦọc ɦỏi. 10 qᴜy ℓᴜậł ɗưới ᵭây ʋẫп còп ʋẹп пɢᴜyêп ɢiá łɾị cɦo ᵭếп пɢày пɑy, cɦo łɦấy łɾí łᴜệ siêᴜ ʋiệł củɑ пɢười Do Tɦái łɾoпɢ ʋiệc ƙiếɱ łiềп.