Tranh cãi việc dùng tiền mua được đặc quyền trong nhà tù ở Mỹ

Nhiều nhà tù ở Mỹ được cho là đang áp dụng một chương trình mang tên gọi “trả tiền để ở”, cho phép các phạm nhân được bỏ tiền túi ra mua về đặc quyền, đặc lợi trong trại giam.

01:00 08/04/2018

Cái gọi là nhà tù “trả tiền để ở” (pay-to-stay) mang đến trải nghiệm ngồi tù thảnh thơi và nhàn nhã cho các phạm nhân đang trở nên phổ biến ở Mỹ, thậm chí được những đối tượng phạm tội nghiêm trọng triệt để tận dụng, miễn là họ có tiền, Fox News dẫn một nghiên cứu hồi năm 2017 của báo Los Angeles Times và tổ chức phi lợi nhuận chuyên điều tra các vấn đề liên quan đến pháp luật hình sự Marshall Project cho biết.

Ở các cơ sở giam giữ áp dụng hệ thống kiểu này, những phạm nhân, nếu được thẩm phán chấp thuận, có thể trả tiền để “mua” cho mình nơi sống tiện nghi và khang trang hơn với sách báo, phim ảnh, truyền hình cáp hay TV màn hình phẳng. Theo cách miêu tả của một nhà tù, đây là “môi trường ít tính đe dọa hơn” dành cho phạm nhân, giả sử họ đủ tiềm lực tài chính đáp ứng. Một số phạm nhân thậm chí còn được phép rời khỏi trại giam để ra ngoài làm việc rồi quay trở về vào ban đêm.

Trước đây, hầu hết mọi người đều tin rằng đa phần các phạm nhân được hưởng “đặc ân” biến buồng giam thành nhà theo cách trên đều chỉ phạm những tội nhẹ và không liên quan đến bạo lực. Tuy nhiên, cuộc điều tra của Marshall Project hồi năm ngoái chỉ ra rằng “trong hơn 3.500 phạm nhân hưởng chương trình ‘trả tiền để ở’ tại nhà tù Nam California từ năm 2011 đến 2015, có hơn 160 người bị kết án những tội danh nghiêm trọng, ví dụ như hành hung, cướp tài sản, bạo hành gia đình, bạo lực tình dục, lạm dụng tình dục trẻ em hay tàng trữ các ẩn phẩm có nội dung khiêu dâm trẻ em”.

Phát hiện này khiến không ít nạn nhân của những tội ác kể trên thấy bất bình vì theo họ công lý đã không được thực thi. “Toàn bộ hệ thống pháp lý hình sự ngày càng biến tướng, tất cả quy về câu hỏi: Bạn có bao nhiêu tiền? Liệu bạn có đủ tiền để thuê luật sư tốt nhất? Liệu bạn có đủ khả năng chi trả để có một nơi sống tốt hơn trong tù?”, một quan chức thực thi pháp luật nói với Los Angeles Times - Marshall Project.

Điều tra mà Los Angeles Times và Marshall Project thực hiện cho thấy 2/3 những tù nhân hưởng chương trình “trả tiền để ở” đều bị bắt vì lái xe khi đang chịu ảnh hưởng bởi chất kích thích và 13% bị bắt vì vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, “sự xa xỉ” không đi kèm với mức giá rẻ. Theo báo cáo, mức giá trung bình từ năm 2011 đến năm 2015 rơi vào khoảng 1.750 USD/năm. Mức giá đắt nhất lên tới 72.050 USD/năm, do một phạm nhân là tài xế gây tai nạn khi xay xỉn khiến một trong các hành khách thiệt mạng chi trả.

Một trong những cơ sở giam giữ phổ biến nhất được các tù nhân theo chương trình “trả tiền để ở” lựa chọn là Seal Beach, phía tây thành phố Anaheim, bang California. Trang web do Trung tâm Giam giữ Cảnh sát Seal Beach quản lý nêu rõ nhiệm vụ của họ là “trở thành một trung tâm giam giữ kiểu mẫu để thiết lập tiêu chuẩn, áp dụng các chương trình giam giữ tiến bộ với đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyện nghiệp và có chứng chỉ, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực sẵn có để bảo vệ cộng đồng, tăng cường tính liêm khiết của luật pháp và trả phạm nhân lại xã hội vơi tư cách một thành viên có đóng góp cho cộng đồng”.

Về giá cả, phạm nhân phải trả 100 USD/ ngày cho thời gian hưởng đặc quyền “trả tiền để ở” (không bao gồm miễn trừ lao động) và 120 USD nếu muốn miễn trừ cả thời gian lao động.

“Chúng tôi không đưa ra quyết định về việc ai được đến đây, ai không”, sĩ quan Steve Bowles, người quản lý chương trình “trả tiền để ở” tại trung tâm giam giữ Seal Beach cho hay khi được hỏi liệu công lý có được thực thi ở cơ sở của ông hay không. “Thẩm phán, luật sư biện hộ và bên công tố phải đánh giá tình hình và thống nhất mức độ phù hợp về hành vi phạm tội của một người đối với nhà tù của chúng tôi. Những quyết định ấy đều được đưa ra tại phòng xử án”.

Bowles khẳng định các phạm nhân kết nối với trung tâm Seal Beach phải trải qua một “quá trình sàng lọc nghiêm ngặt” và cơ sở của ông để tòa án linh động trong việc quyết định họ có thể gửi phạm nhân đến đâu. Ông cũng thêm rằng quá trình sàng lọc không dựa trên thu nhập mà dựa vào “sự an toàn của phạm nhân cũng như nhân viên trại giam”.

Ngồi bên chiếc bàn dã ngoại dưới bầu trời trong xanh, Jack, 37 tuổi, giám đốc điều hành một công ty cung cấp dịch vụ tài chính, tỏ ra vô cùng thư thái. Jack mùa thu năm ngoái thụ án 90 ngày tại trung tâm giam giữ Seal Beach vì lái xe trong lúc sử dụng ma túy và được hưởng chương trình “trả tiền để ở” với mức phí 100 USD mỗi ngày. Jack chia sẻ, đối với ông, “cuộc sống ở đây là thiên đường”.

Tags:
Cô giáo Mỹ vỡ mộng vì nghề giáo không được tôn trọng

Cô giáo Mỹ vỡ mộng vì nghề giáo không được tôn trọng

Phụ huynh chiều chuộng con quá đà, cư xử thô lỗ với giáo viên là một trong những lý do khiến cô giáo Mỹ chia sẻ muốn bỏ nghề.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất