Trên 35 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, lập kỷ lục mới của bầu cử giữa kỳ
Trên 35 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu trước ngày bầu cử năm nay, lập số lượng cử tri bỏ phiếu sớm cao kỷ lục cho một cuộc bầu cử giữa kỳ và khả năng tạo ra những bất ngờ lớn trong buổi tối 6/11.
04:00 07/11/2018
Theo Giáo sư Michael McDonald tại Đại học Florida, chính sự ủng hộ nhiệt tình của các cử tri đảng Cộng hòa cũng như sự phản đối của cử tri đảng Dân chủ đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thôi thúc người dân bỏ phiếu nhanh chóng hơn so với năm 2014. Khi đó, 27,2 triệu người đã đi bỏ phiếu sớm.
Và xu hướng này dự kiến kéo dài đến tận ngày bầu cử chính thức. Theo số liệu theo dõi của ông McDonald, các cử tri bỏ phiếu sớm ở ba bang Texas, Nevada và Arizona đã vượt quá tổng số phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ trước đó.
“Đây không phải một cuộc bầu cử bình thường”, ông McDonald trả lời trang mạng Politico. Vị giáo sư chuyên theo dõi lượng cử tri dự đoán tại thời điểm toàn bộ số phiếu bỏ sớm được kiểm, các tiểu bang sẽ đều vượt qua tổng số năm 2014.
Ông Tom Bonier, Giám đốc hãng dữ liệu TargetSmart tin tưởng số cử tri bỏ phiếu sớm có thể trên 40 triệu người. Trong đó, ông Bonier lưu ý một sự tăng đột biến giữa các cử tri không thường xuyên trong đó có giới trẻ, những người lần đầu bỏ phiếu. Những đối tượng này có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo không nên vội đưa ra kết luận về đảng có thể giành lợi thế từ tổng số phiếu bỏ sớm.
Trong một khảo sát mới đây do Viện Chính sách Harvard Kennedy thực hiện, 40% thanh niên Mỹ tuổi từ 18 - 29 khẳng định sẽ tham gia bỏ phiếu bầu cử giữa kỳ. Ngoài ra, các nữ ứng cử viên giành được ủng hộ hơn các nam ứng cử viên trong phần bỏ phiếu sớm - một xu thế thường thấy sau hai vòng bầu cử gần nhất năm 2016 và 2014.
Ngày 5/11, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ ra tuyên bố chung cho biết cộng đồng tình báo Mỹ khẳng định không có cơ sở hạ tầng bầu cử nào bị xâm phạm trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ năm nay.
Hãng tin Sputniknews dẫn tuyên bố chung nêu rõ: "Vào thời điểm này, chúng tôi không phát hiện dấu hiệu nào về sự phá hoại cơ sở hạ tầng bầu cử của quốc gia có thể cản trở việc bỏ phiếu, thay đổi số phiếu bầu, hoặc làm gián đoạn quá trình kiểm phiếu". Tuyên bố trên lưu ý người dân Mỹ về nguy cơ các đối tượng có yếu tố nước ngoài tiếp tục âm mưu tác động tới nhận thức cử tri bằng cách triển khai chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch cùng nhiều thủ đoạn khác. Các cơ quan chức năng trên của Mỹ khẳng định không dung thứ cho bất kỳ hành vi can thiệp nào của nước ngoài vào đời sống chính trị của nước Mỹ.
Trong cuộc bầu cử ngày 6/11, cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu ra toàn bộ 435 ghế trong Hạ viện, 35/100 ghế trong Thượng viện, 36 thống đốc bang, cùng khoảng 6.000 ghế (tương đương gần 82% tổng số ghế) trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn nước Mỹ. Nhiều ghế hiện đang do đảng Cộng hòa kiểm soát tại cả hai viện sẽ được bầu lại. Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ này sẽ quyết định liệu đảng Cộng hòa có thể duy trì kiểm soát cả hai viện quốc hội hay không.
Nguồn: baotintuc.vn
Hôm nay, người Mỹ đi bầu cử giữa kỳ: Đảng Dân chủ có bao nhiêu cơ hội cho một "cuộc lật đổ vĩ đại"?
Mặc dù người Mỹ ghi nhận thành tích của đảng Cộng hòa trong việc giúp nền kinh tế tăng trưởng, họ vẫn e ngại về tình hình bạo lực trong nước gia tăng dưới thời Tổng thống Trump.