Trung Quốc muốn phá vỡ trật tự quốc tế do Mỹ xây dựng
Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng trên khắp thế giới bằng cách làm suy yếu những định chế và chuẩn mực của trật tự quốc tế tự do do Mỹ lãnh đạo và sự vươn lên của mô hình Trung Quốc sẽ đẩy lùi quá trình dân chủ hóa trên thế giới, theo các chuyên gia.
05:00 25/03/2019
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung tại cuộc gặp hồi tháng 11 năm 2018 ở Argentina
Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng trên khắp thế giới bằng cách làm suy yếu những định chế và chuẩn mực của trật tự quốc tế tự do do Mỹ lãnh đạo và sự vươn lên của mô hình Trung Quốc sẽ đẩy lùi quá trình dân chủ hóa trên thế giới, theo các chuyên gia.
Những cảnh báo này được đưa ra tại hội thảo có tiêu đề ‘Sự trỗi dậy của Trung Quốc’ do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức hôm 20/3 tại thủ đô Washington DC.
Mở đầu hội thảo, nhà báo kỳ cựu Bob Schieffer, người điều phối buổi thảo luận, nhắc lại về ‘bẫy Thucydides’ – một thuật ngữ trong quan hệ quốc tế để chỉ về cuộc đối đầu không tránh khỏi giữa một cường quốc mới nổi (hay cường quốc xét lại – ‘revisionist power’) với cường quốc hiện tại (hay cường quốc nguyên trạng – ‘status quo power’) vốn đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử nhân loại.
Chúng ta ở trong tình trạng cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc và liệu điều này có đưa chúng ta gần tới chiến tranh hay dẫn đến một thế giới ổn định hơn?” ông Schieffer đặt vấn đề.
‘Nguy cơ lớn hơn’
Nguy cơ lớn nhất đến từ Trung Quốc đối với Mỹ không còn là thách thức truyền thống về an ninh, quân sự, hay tình báo nữa, ông Michael Collins, phó trợ lý giám đốc Trung tâm Đông Á Thái Bình Dương của CIA, cho biết, mà là thách thức đối với trật tự quốc tế tự do mà Hoa Kỳ và các đồng minh đã dựng nên trongo nhiều thập kỷ qua.
“Tôi thấy điều đó trong mong muốn công khai của Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình là xác định cuộc đối đầu ‘được ăn cả - ngã về không’ (zero-sum game), hay là trong việc họ gây ảnh hưởng các lãnh đạo trên toàn thế giới để gây tổn hại cho các chuẩn tắc và định chế mà chúng ta coi hết sức quan trọng,” ông Collins nói.
Trung Quốc rõ ràng ngày càng chủ động sử dụng sức mạnh của mình một cách cưỡng ép để thiết lập ảnh hưởng lớn hơn trên thế giới với chính quyền các nước và với giới trí thức và truyền thông trong phạm vi các nước đó để thúc đẩy mục tiêu đó (thay đổi trật tự thế giới),” ông nói thêm.
Ông Collins đưa ra dẫn chứng là những thỏa thuận mà Trung Quốc ký kết với các nước và các điều khoản những khoản viện trợ của họ là ‘đối lập trực tiếp với nhiều chuẩn mực mà chúng ta yêu cầu đối với các định chế tài chính quốc tế - đó là sự minh bạch và không tham nhũng’.
Đồng ý với nhận định này, ông Victor Cha, chủ tịch chương trình Triều Tiên của CSIS, nói rằng do Trung Quốc sắp sửa trở thành siêu cường kế tiếp trên thế giới, nên những vấn đề nội bộ của Trung Quốc sẽ có tác động đối với thế giới.
“Những lựa chọn đối nội của một siêu cường về mặt lịch sử cũng có tác động lan tỏa đối với các nước khác,” ông Cha giải thích và đưa ra dẫn chứng thế giới đã chứng kiến làn sóng dân chủ hóa với sự lãnh đạo của Mỹ sau Đệ nhị Thế chiến.
“Giờ đây thế giới đã có sự thụt lùi về dân chủ bởi vì chúng ta có những nước như Trung Quốc đang trỗi dậy và Nga đang trở lại ván cờ quốc tế trong khi nước Mỹ thì thoái lui (với chính sách nước Mỹ trên hết của Tổng thống Donald Trump),” ông nói thêm.
Theo lời ông Cha thì hiện giờ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương các nước như Nhật, Hàn, Úc hay Việt Nam đều hiểu được tình trạng này và đang tìm cách thích nghi.
“Tôi nghĩ rằng nhiều nước ở châu Á đang có sự chuyển tiếp. Trước đây họ nói rằng họ không muốn chọn giữa Mỹ và Trung Quốc và rằng họ vẫn muốn được đảm bảo an ninh từ phía Mỹ nhưng vẫn được lợi về kinh tế với Trung Quốc. Nhưng giờ đây họ đã nhận ra rằng sẽ càng khó hơn cho họ duy trì lập trường đó,” ông nói.
“Có những quyết định miễn cưỡng mà trước đây các nước không muốn có, chẳng hạn như phải gia nhập hay không gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập hay tham gia hay không vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Á.”
Mối nguy công nghệ
Về đe dọa đến từ tham vọng công nghệ của Trung Quốc mà Mỹ đang tìm cách kiềm chế cũng như đang ngăn chặn Trung Quốc vươn lên làm chủ cuộc cách mạng công nghệ kế tiếp – công nghệ 5G, bà Margaret Brennan, người dẫn chương trình của đài CBS, nhắc lại việc Chủ tịch Tập Cận Bình một năm trước đã gọi điện cho Tổng thống Donald Trump để đề nghị ông Trump tha cho tập đoàn viễn thông ZTE dẫn đến một câu hỏi lớn là ‘liệu những tập đoàn có phải là những thực thể tư bản trong lòng chế độ cộng sản hay họ là cánh tay nối dài của chính phủ Trung Quốc.’
Ông Collins cho rằng thách thức công nghệ đến từ Trung Quốc thể hiện ở một số điểm: thứ nhất, Trung Quốc sẽ vươn lên nắm những công nghệ chủ chốt vốn giúp Mỹ và các đồng minh chi phối thế giới; thứ hai là Bắc Kinh sẽ sử dụng những công nghệ đó trong những lĩnh vực quân sự vốn đòi hỏi công nghệ cao như mạng, không gian, chiến tranh điện tử khi mà chưa có chuẩn mực được thiết lập; thứ ba là cách mà Bắc Kinh sử dụng công nghệ này ở trong nước để tăng cường kiểm soát người dân và hạn chế các quyền tự do biểu đạt và tự do hội họp; thứ tư là luật pháp Trung Quốc yêu cầu các công ty công nghệ phải hỗ trợ cơ quan an ninh không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài.
“Điều mỉa mai là không có nước nào được lợi ích từ trật tự kinh tế tự do nhiều hơn Trung Quốc vốn giúp họ đạt được những công nghệ mà họ muốn như công nghệ 5G nhưng cũng không có nước nào đe dọa trật tự đó nhiều hơn Trung Quốc,” ông Collins nói.
Còn theo ông Victor Cha thì Trung Quốc khác với Mỹ ở chỗ là sau khi Mỹ đạt được thế bá chủ thì họ đóng góp lại cho thế giới để giúp duy trì trật tự của họ còn Trung Quốc ‘vẫn hưởng lợi từ hệ thống nhưng không lại không có gì hồi đáp’.
Ông đưa ra dẫn chứng là so sánh kế hoạch Marshall của Mỹ, vốn viện trợ để giúp các nước châu Âu tái thiết sau Đệ nhị Thế chiến, và dự án ‘Vành đai, Con đường’ của Trung Quốc mà ông cho là chỉ là ‘cho vay tiền để đưa các nước vào bẫy nợ’.
Về ảnh hưởng của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội hồi tháng trước, ông Cha cho rằng Bắc Kinh ‘thất vọng vì không đạt được thỏa thuận’ vì điều cuối cùng mà họ mong muốn là ‘hòa bình trên bán đảo Triều Tiên’ và Bình Nhưỡng không tiếp tục thử vũ khí để gây bất ổn ở ngay sát sườn của họ.
Ông Christpher K. Johnson, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc của CSIS, cho rằng Bắc Kinh đã cố gắng rất nhiều để thuyết phục Bình Nhưỡng, ‘cố gắng nhiều hơn chúng ta có thể ghi nhận’, vì lời hứa của ông Trump khi ông yêu cầu ông Tập giúp đỡ về Triều Tiên thì ông sẽ có đáp trả trên vấn đề thuế quan. Nhưng rốt cuộc, phía Bắc Kinh đã thất vọng vì Mỹ không hề giảm áp lực về thương mại.
Ông Collins thì cho rằng ngoài giữ ổn định cho bán đảo Triều Tiên sát nách họ, giải pháp nhanh chóng cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thì mục tiêu tối hậu của Trung Quốc ở khu vực đông bắc Á là ‘làm suy yếu ảnh hưởng và sự hiện diện quân sự của Mỹ trong tất cả các liên minh, nhất là liên minh với Hàn Quốc’. Việc ông Trump hủy tập trận với Hàn Quốc, do đó, nằm trong mong muốn của Trung Quốc.
Tesla kiện cựu nhân viên Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghệ xe tự lái
Nhà sản xuất xe điện Tesla của Mỹ cáo buộc cựu kỹ sư Cao Guangzhi (Tào Quang Trực) liên quan đến đánh cắp hơn 300 nghìn tài liệu và sao chép mã nguồn liên quan đến hệ thống tự lái của công ty, sau đó đột nhiên nghỉ việc và tham gia vào Xiaopeng Motors của Trung Quốc. Công ty Xiaopeng Motors cho biết, công ty này đang tiến hành điều tra vụ việc.