Tư duy thực dụng dẫn đến lối sống thực dụng của người Việt

Tôi cùng một đám bạn học cấp 3, trong một đêm lửa trại, đã chia sẻ với nhau về ước mơ của mình. Mỗi người ấp ủ những ước mơ khác nhau như sẽ làm cô giáo, nhà sinh vật học, kiến trúc sư, bác sỹ và có bạn muốn trở thành ca sỹ chuyên nghiệp… Còn tôi luôn tin rằng mình sẽ là kỹ sư chế tạo ô tô. Hơn 20 năm sau, trong một bữa tiệc gặp mặt, không ai trong đám bạn đó kể cả tôi, còn nhắc lại điều mình từng mơ ước.

01:00 26/03/2019

Những gì chúng tôi bàn luận là về mức giá của những căn hộ chung cư cao cấp, sự khác biệt giữa các loại xe Mercedes, BMW, Audi hay Lexus, nhận xét về các khu resort mà mình đã từng đi nghỉ hay dở như thế nào… Sau buổi gặp, tôi tự hỏi phải chăng con người ta càng lớn thì càng tư duy thực dụng hơn..?!

Nhom ban tre

Lúc còn nhỏ, không biết tự lúc nào tôi có ước mơ là mình sẽ trở thành kỹ sư chế tạo ô tô, có lẽ vì con trai đứa nào cũng thích ô tô. Năm tháng trôi đi, tôi đã trưởng thành và sau khi lập gia đình tôi lại ước mơ có được ô tô, và không còn nghĩ đến việc trở thành kỹ sư ô tô nữa! Ước mơ của tôi đã thay đổi, ‘trở thành‘ chuyển sang ‘có được’. Tạm chưa nói đến việc rồi tôi có được ô tô hay không, nhưng thử bàn xem tại sao tôi không tiếp tục ước mơ trở thành một cái gì đó, có thể không phải là kỹ sư ô tô, thì có thể là trở thành một người đàn ông bản lĩnh, một người cha mẫu mực, một chủ doanh nghiệp hay sẽ là vị tổng thống đầu tiên của VN,… đại loại như thế, thay vì thế tôi chỉ nghĩ tới những gì mình muốn có được, mình muốn sở hữu?!

Hầu hết những năm tháng có thể làm việc hiệu quả nhất của mình, tôi đã tập trung mọi nỗ lực và tâm trí vào việc làm như thế nào để đạt được nhiều hơn những thành tựu về vị trí công việc, để có thêm sự sở hữu về vật chất, như nhà cửa, xe cộ và các tiện nghi khác, bởi tôi và những người bạn của mình đều tin rằng như vậy là thành công. Và vì quá bận rộn để ‘có được’ nhiều hơn và nhiều hơn nữa, nên tôi không còn để ý đến việc mình đã và đang trở thành con người như thế nào.

Tôi đã từng đạt được vị trí công việc mà không ít người bạn của mình mơ ước, là quản lý kinh doanh dự án (project sales manager) trong một tập đoàn đa quốc gia, với mức lương tháng cao hơn mức thu nhập mà một kỹ sư mới ra trường có thể phải làm việc và tích luỹ trong vài năm mới có được. Tôi đã lần lượt đạt được các tiêu chí mà người ta thường cho là một người thành công cần có, như nhà 3 tầng, xe 4 bánh, và những chuyến đi du lịch ở khu nghỉ 5 sao… Tôi không phủ nhận là tất cả những thứ đó đều đã mang lại cho tôi và gia đình mình sự thoả mãn, những niềm vui và sự thuận tiện hơn cho cuộc sống. Cho tới một ngày, tôi chợt hỏi, sau này các con của mình khi nghĩ về cha của chúng, chúng sẽ nghĩ gì? Liệu chúng có thấy tự hào về những công việc tôi đã làm? Liệu chúng có coi tôi là tấm gương về lối sống và đạo đức?

Nói tới đây, chợt nhớ câu chuyện về cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi kết thúc nhiệm kỳ, tại phiên họp cuối cùng trên cương vị người đứng đầu Chính phủ (23/06/2016), trong lời chia tay các thành viên Chính phủ, ông đã nhắn nhủ các cộng sự cùng nghỉ và chính mình là sẽ ‘ráng làm người tử tế’. Lời này nhẽ ra cần có trong lễ nhậm chức! Bởi vì, để làm một quan chức tốt, một cán bộ lãnh đạo tốt, trước hết cần phải là một công dân tốt. Người xưa chẳng từng dạy “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Rất tiếc, hầu hết các vị lãnh đạo khi còn tại vị (đương chức, đương quyền), thường quên mất hoặc bỏ qua việc ‘tu thân’. Phải chăng họ cũng giống một người dân thường như tôi, chỉ chăm lo tới việc có được nhiều hơn, sở hữu nhiều hơn…? 

Lối tư duy thực dụng, không chỉ thể hiện trong lối sống của một bộ phận của xã hội, mà thực tế là nó càng ngày càng đi sâu hơn vào mọi góc ngách của cuộc sống trong xã hội chúng ta hôm nay. Từ cách mà chúng ta đưa ra những lựa chọn, như chọn trường cho con, chọn vợ gả chồng, chọn bạn để chơi, chọn công việc để làm v.v…, đều ẩn chứa trong đó sự mưu cầu về lợi ích, nếu không phải để dễ bề thăng tiến hơn thì cũng là cơ hội để có được nhiều lợi ích về kinh tế hơn. Khi cần nhờ ai giúp đỡ một việc nào đó, chúng ta thường sẽ nghĩ ngay đến việc mình sẽ phải trả ơn họ như thế nào. Nếu có ai giúp mình một việc gì đó mà chưa trả ơn, chưa hậu tạ được thì cảm thấy áy náy… Thiết nghĩ, ấy là do mỗi người đều nghĩ như vậy, mà lâu dần nó hình thành một lối tư duy theo cách ‘có đi có lại’.

Giao tiếp giữa con người với con người trong các mối quan hệ ở xã hội hôm nay cũng đang bị thực dụng hoá triệt để. Hầu như các lễ sinh nhật, mừng thọ, đám cưới, đám ma, tân gia v.v…, không còn là dịp để người ta chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn hay sự mất mát, mà thường được tận dụng để trả ơn về một việc gì đó, hoặc đầu tư ‘quan hệ’ cho dự án sắp tới. Thế mới có chuyện khi ông Trịnh Xuân Thanh còn làm Chủ tịch HĐQT PVC, công ty con PVC-ME đã lập “quỹ đen” hơn 80 tỷ đồng với nhiều khoản chi khác thường, trong đó có 550 triệu tiền “sinh nhật bố sếp Thanh“. Mỗi dịp Tết đến hầu như các cơ quan từ các tỉnh thành và địa phương đều tấp nập cử người về Hà Nội chúc tết và biếu quà tới các cơ quan bộ và trung ương, đã thành một cái lệ không thể thiếu. Ai cũng biết các khoản tiền mua ‘quà biếu’ đó là từ ngân sách, và suy cho cùng là từ tiền đóng thuế của dân. Chính vì vậy, trước dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Chính phủ đã có chỉ thị gửi xuống tới tất cả các cơ quan trong bộ máy hành chính từ trung ương tới địa phương nhắc nhở việc thực hiện nghiêm không chúc Tết, tặng quà lãnh đạo, yêu cầu các địa phương không về Hà Nội chúc Tết Chính phủ, các bộ, ngành. Hiệu quả của việc thực thi chỉ thị này như thế nào, hẳn chỉ có người trong cuộc mới rõ (?!)

(Ảnh: Shutterstock)

Hầu hết các ngày lễ truyền thống trong năm, đều đã trở thành cơ hội để người ta tất bật biếu tặng nhau những món quà nặng về vật chất, nhưng ít về tinh thần. Tết trung thu không còn là dịp để con trẻ được chơi thoả thích với đèn ông sao, được ngắm chị Hằng Nga mà đó là dịp để người lớn tìm mua những hộp bánh sang trọng và đắt tiền để đi biếu ‘người lớn’. Ngày 20-11 không còn là ngày để thể hiện văn hoá ‘tôn sư trọng đạo’ của người Việt, mà là dịp để phụ huynh kết nối với thầy cô với mong muốn con mình sẽ được quan tâm, được ưu ái hơn. Nhớ khi xưa, mỗi dịp tới ngày hiến chương các nhà giáo, tụi học trò chúng tôi háo hức hẹn nhau cả lớp cùng tới thăm nhà thầy cô, chỉ với một bó hoa mà cả thầy và trò đều thấy vui lắm! Khi con người trong xã hội đã quá chú trọng vào ‘văn minh vật chất’ thì ‘văn minh tinh thần’ tất yếu sẽ bị xem nhẹ và thực tế là đang tụt dốc..!!

“Người không vì mình trời tru đất diệt” là câu nói không ít người thường dùng để biện minh cho lối sống thực dụng, chỉ tập trung vào thu vén lợi ích cá nhân của mình. Nói cách khác, làm gì trước tiên cũng phải vì cái lợi. Người ta vẫn thường khuyên nhau, ‘đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn’. Còn việc làm đó của mình có làm tổn hại tới ai hay không, thì ít người thực sự nghĩ tới. Từ những việc nhỏ như sẵn sàng đổ rác của nhà mình ra đường, hoặc xây nhà thì cố gắng tận dụng vỉa hè hay đường đi của chung thêm từng centimet đất. Và cũng bởi vì lối tư duy đó, nên khi thấy ai đó làm một việc tốt, hoặc vì người khác mà làm một việc gì đó thì họ sẽ nghi ngờ và cho rằng hẳn người đó có động cơ cá nhân nên mới làm như vậy. Ở tầng lớp xã hội cao hơn, lối tư duy thực dụng sẽ gây tác động lớn hơn. Không ít các chính sách, những hoạch định dự án được thông qua chỉ vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua hoặc trả giá bởi lợi ích lâu dài. Không ít cán bộ lãnh đạo ở địa phương cũng như trung ương, chỉ chú trọng đến lợi ích cục bộ của địa phương mình, hoặc của ngành mình, mà có thể làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, hoặc lợi ích của cộng đồng dân cư tại địa phương, như vụ việc Formosa Hà tĩnh gây ô nhiễm nghiêm trọng toàn bộ khu vực biển miền trung, hoặc dự án xây dựng sân golf cạnh sân bay Tân Sơn Nhất. Khởi đầu từ dự án đầu tư của một doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng và sau đó được tư nhân hóa cho một nhóm cá nhân, đó chẳng phải là hệ quả của ‘tư duy thực dụng’ hay sao?!

Ông James Joseph Kendall dọn rác (Ảnh: nld)
Ông James Joseph Kendall dọn rác (Ảnh: nld)

Nếu vẫn theo cách tư duy thực dụng đó, làm sao chúng ta có thể giải thích được hành động của James Joseph Kendall (35 tuổi, quốc tịch Mỹ), được người dân thủ đô Hà Nội gán cho biệt hiệu ‘Ông Tây nhặt rác’. Một nhân vật từng khiến cộng đồng mạng xôn xao với hình ảnh ông cất công nhặt sạch rác ở khắp các cung đường, sông hồ Hà Nội. Không dừng lại ở Hà Nội, vị khách đặc biệt này còn vượt quãng đường hàng trăm cây số để có mặt ở bến đò Thuận Tình tham gia tour vớt rác của Công ty du lịch Hội An Kayak vào những ngày Chủ nhật. Hay câu chuyện về Paul George Harding (68 tuổi) một cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam, mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí và thực hiện hàng loạt các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, cặm cụi gỡ bỏ quảng cáo, rao vặt trên đường phố Hà Nội. Tôi tin rằng cả hai ‘ông Tây’ này làm những việc đó chẳng phải vì danh mà cũng không vì lợi, mà đơn giản là vì sự thiện tình và lòng nhân ái dành cho cộng đồng Việt Nam, đồng thời qua đó họ cũng muốn làm gương cho dân ta noi theo.

Thực lòng, khi biết những câu chuyện trên, là người dân đất Việt, tôi không khỏi thấy chạnh lòng, một cảm giác chua xót. Hà Nội và Hội An, hay dù ở nơi nào trên mảnh đất hình chữ S, đều là tổ quốc và quê hương của chúng ta. Vì sao chúng ta không tự biết giữ gìn cho nó được sạch, được đẹp như nó vốn có, để hôm nay những con người từ vạn dặm xa xôi đến đây làm những việc nhặt rác và gỡ bỏ quảng cáo rao vặt thay chúng ta…?! Con người của chúng ta hôm nay thực dụng tới mức họ chỉ cần biết trong nhà mình sạch là được, còn ra ngoài ngõ hay trên đường phố, ở chốn công cộng thì có thể xả rác mà không thấy ngượng tay. Đi tới đâu, làm việc gì cũng chứng kiến những người Việt tìm cách ‘chen ngang’ để sớm được việc cho mình. Lối tư duy thực dụng và coi trọng lợi ích cá nhân đang làm cho chúng ta trở nên ‘lùn đi’ trong sự phát triển chung của thế giới. Lịch sử nhân loại đã cho thấy, một dân tộc biết coi trọng cuộc sống tinh thần, tín ngưỡng, biết đề cao các giá trị văn hoá và đạo đức, sẽ không bao giờ là nghèo và sẽ luôn có được sự tôn trọng thích đáng của bạn bè năm châu.

Câu hỏi cần đặt ra là, cách tư duy thực dụng dẫn đến lối sống thực dụng, đang mang tính phổ biến trong xã hội hôm nay, là từ đâu mà hình thành nên? Bởi lẽ, văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam vốn không có cách tư duy đó, mà ngược lại luôn dạy con người ta sống biết thương người, biết vì người khác. Thể hiện qua những câu nói trong dân gian như, ‘Lá lành đùm lá rách’, ‘Bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn’,… Vậy mà hôm nay nhiều người có thể thờ ơ, thậm chí vô cảm khi biết tin về các dự án đang gây ô nhiễm môi trường, xảy ra ở hầu hết các tỉnh có khu công nghiệp. Có thể là vì, sự việc đó xảy ra ở chỗ khác, chứ không phải ở nơi mình đang ở (?!) Hoặc những vụ việc vi phạm nhân quyền, đàn áp tín ngưỡng, mổ cướp nội tạng mà cả thế giới đang cùng lên án mạnh mẽ, thì người Việt lại ít quan tâm, các phương tiện thông tin đại chúng hầu như không đề cập đến. Phải chăng là vì những chuyện đó xảy ra ở Trung Quốc hay quốc gia nào khác, chứ không phải Việt Nam (?!) Tại sao rất ít người dám lên tiếng hay bộc lộ quan điểm của mình? Một trong những lý do là những vấn đề này thường được cho là ‘nhạy cảm’, và dễ bị chụp cái mũ ‘làm chính trị’. Khi con người ta phải sống trong môi trường xã hội luôn có sự hoài nghi, định kiến và áp đặt, thì họ đã chọn im lặng, chỉ lo chuyện của mình, và chỉ lên tiếng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều như vậy. Nơi này nơi kia, đã xuất hiện những con người dám lên tiếng, dám đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực hay bất công trong xã hội. Nhưng rồi, sớm hay muộn, họ đều phải hứng chịu những thiệt thòi thậm chí tai họa. Do vậy, mới có câu ‘đấu tranh tránh đâu‘, là một thực tế đáng buồn đang diễn ra…!  — Martin Luther King từng nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”.

Trong dịp sinh nhật gần nhất của con gái mình, hiện đang là sinh viên năm cuối tại Mỹ, tôi đã không khuyên cháu cố gắng học để tốt nghiệp loại giỏi hay xuất sắc, sẽ dễ bề xin việc sau này. Thay vì vậy, tôi chỉ nhắc cháu, con hãy tập trung giúp mình trở thành người mà con muốn trở thành, giúp mình có những phẩm chất và năng lực mà con muốn có. Những hành trang đó, quyết định con có thể làm được những gì sau khi ra trường. Những thứ còn lại, bằng cách này hay cách khác, cuộc sống sẽ mang đến cho con những gì con xứng đáng. Việc quan trọng đầu tiên khi con bước ra xã hội, cần học cách phân biệt được ‘đúng – sai’, ‘tốt – xấu’ và ‘thiện – ác’… Sẽ có những khó khăn và thử thách đang chờ con ở phía trước, nhưng bố tin là con sẽ vượt qua được, nếu con tìm thấy lý do sống lớn hơn bản thân mình. Đại văn hào Mỹ, Mark Twain từng nói: “Con người ta có hai ngày quan trọng nhất trong cuộc đời. Một là ngày ta được sinh ra và hai là khi ta biết ta sinh ra trên cõi đời này để làm gì”. Bố mẹ đã cho con ngày thứ nhất, còn ngày thứ hai, con cần tự mình đi tìm!

Cuối cùng, tôi đã kịp nhận ra rằng trong cuộc sống luôn có sự hiện hữu của luật ‘Nhân-Quả’, vấn đề chỉ là thời gian. Khi xưa bố tôi cũng thường dạy ‘sống sao được vậy’. Do vậy, người thực dụng nhất chính là người biết sống sao cho phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, luôn cố gắng trở thành người có giá trị trong xã hội, thì họ sẽ có được những gì họ ‘xứng đáng’..!!

Nguồn: trithucvn.net

Tags:
Trung Quốc muốn phá vỡ trật tự quốc tế do Mỹ xây dựng

Trung Quốc muốn phá vỡ trật tự quốc tế do Mỹ xây dựng

Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng trên khắp thế giới bằng cách làm suy yếu những định chế và chuẩn mực của trật tự quốc tế tự do do Mỹ lãnh đạo và sự vươn lên của mô hình Trung Quốc sẽ đẩy lùi quá trình dân chủ hóa trên thế giới, theo các chuyên gia.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất