Tuổi già nhiều lo âu của người Việt
Không ít người chưa hoặc không có kế hoạch chuẩn bị sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính từ trước nên cuộc sống khi về già khá chật vật.
09:35 10/05/2023
Nhiều người khi trẻ chăm con nhưng già cô độc
Ở độ tuổi gần 60, bệnh huyết áp cao, đái tháo đường khiến cô Xuân An (Hà Nội) không còn sức làm công việc yêu thích. Người phụ nữ lục tuần trải lòng, trước kia tuy bận, cực chút mà vui, giờ tuổi già nhàn rỗi, bệnh tật, cứ quanh quẩn suốt bốn bức tường khiến cô cảm thấy buồn tẻ, trống trải. Công việc kinh doanh tự do nên cô không có khoản lương hưu cố định để chi trả sinh hoạt, nhất là khi đau ốm nằm viện. Chồng mất sớm, các con có gia đình riêng, chẳng dư dả gì nên cô không muốn nặng gánh cho con cháu.
"Trước đây, chỉ mải làm việc, kiếm tiền nuôi con, tôi không nghĩ xa đến thế, tuổi già ập đến lúc nào chẳng hay, chưa để dành tiền phòng thân, nay ốm mai đau nên chẳng an yên", cô An nói.
Giống như cô An, chú Châu (TP HCM) cũng có khoảng thời gian về già không như kỳ vọng bởi bệnh tật, chưa chuẩn bị kỹ về tài chính. Từng làm nhân viên văn phòng, khoản lương hưu vài triệu mỗi tháng đủ cho sinh hoạt phí, thuốc men của vợ chồng.
Chú Châu từng ước về già thảnh thơi du lịch, tham gia thiện nguyện cùng bà xã, nhưng cơn bạo bệnh khiến kế hoạch vỡ lỡ. Chú phải điều trị bệnh tốn gần 200 triệu đồng suốt hai năm qua. Số tiền dành dụm chỉ còn hơn một nửa nên phải dè xẻn, nhận thêm từ con.
Tuổi trẻ chăm con, tuổi già cô độc, gánh nặng bệnh tật, thiếu thốn tài chính là tình trạng mà không ít người thuộc thế hệ Baby Boomers (nhóm những người sinh từ 1944 đến 1965) như cô An, chú Châu đối mặt.
Thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho thấy, người Việt có tuổi thọ trung bình cao (gần 74 tuổi) song số năm sống khỏe lại thấp. Phần đông người cao tuổi phải đối mặt với ốm đau, bệnh tật. Phụ nữ Việt có tuổi thọ trung bình 77,1 nhưng đến 11 năm sống chung với bệnh. Tuổi thọ trung bình của nam giới là 74,4 thì có 8 năm mắc bệnh. Mỗi người cao tuổi mắc khoảng 3-6 bệnh nền, hầu hết bệnh mạn tính, đòi hỏi điều trị, chăm sóc lâu dài, cần có điều kiện tài chính.
là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới; dự báo đến 2050 sẽ trở thành nước siêu già. Đi kèm với dân số già là thách thức về nhiều mặt, trong đó có bệnh tật, chăm sóc sức khỏe, tài chính, an sinh xã hội... cho người cao tuổi.
Ba mối quan tâm hàng đầu của người cao tuổi
Không chỉ sức khỏe thể chất, tinh thần cũng là mối bận tâm của nhiều người Việt ở tuổi xế chiều. Khảo sát của Prudential vừa thực hiện trên 500 người Việt, 30-45 tuổi ở TP HCM, Hà Nội cho thấy, sức khỏe thể chất là mối bận tâm lớn nhất của họ khi về già chiếm 59%, tiếp theo là sức khỏe tinh thần (30%) và tài chính (11%). Trong đó, 53% lo sức đề kháng giảm dần, trong khi còn muốn làm việc, du lịch, tụ tập bạn bè, chăm sóc con cháu, tận hưởng cuộc sống an nhàn, sung túc...
38% người trong cuộc khảo sát lo lắng mất ngủ, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần; 33% lo đầu óc không còn minh mẫn, hay quên; 32% quan ngại chẳng đủ sáng suốt làm điều mình thích. Khảo sát chỉ ra cứ 5 người thì có một người lo cuộc sống cô đơn, không được người thân, gia đình chăm sóc lúc sức yếu.
Ở khía cạnh tài chính, hơn 70% người cao tuổi Việt vẫn phải lao động kiếm sống, đa phần không có tích lũy vật chất theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Do thiếu khoản tài chính dự phòng về già, không có bảo hiểm nên bậc cao niên phải lệ thuộc con cháu hoặc bươn chải trong khó khăn.
Khi chưa hoặc không có điều kiện chuẩn bị tài chính, không ít người cao tuổi có cuộc sống bấp bênh. "Lớn tuổi không làm ra tiền, nếu trước đây ráng nhín nhúc chút đỉnh để có một khoản khi về già cũng đỡ khổ. Tôi thường động viên các con ráng làm việc, có của để dành, lúc già đau yếu lại cần đến", cô An nói. Còn chú Châu bảo "tuổi già sợ nhất là bệnh tật và không có tiền".
Duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần tốt và độc lập tài chính là ba khía cạnh được kỳ vọng hàng đầu của nhiều để có tuổi già "như mơ". Khảo sát của Prudential chỉ ra, 85% người mong cuộc sống độc lập về già. Cụ thể, 94% trường hợp kỳ vọng sống khỏe để lo cho bản thân; 94% muốn sống vui, minh mẫn làm việc; có tiền chi trả phí chăm sóc sức khỏe là điều 96% người mong mỏi. Tuy nhiên, thực tế, chỉ 4 trên 10 người cho biết đã lên kế hoạch và hành động cho cuộc sống về già.
Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp nên sau 20 năm nữa, dân số siêu già có thể khiến nhiều người nghỉ hưu có thể gặp thách thức về lương hưu. Khoản lương hưu để trang trải sinh hoạt hàng tháng có thể không đủ cho chi phí chăm sóc sức khỏe lúc bệnh tật. Do đó, chuẩn bị sớm cho tuổi già từ hôm nay để cuộc sống sau này độc lập và chất lượng hơn khía cạnh trên là điều cần thiết, nhất là thế hệ Millennials (nhóm những người sinh năm 1981-1996).
Không ít người cho biết cố gắng tích lũy tài chính để nghỉ hưu sớm, tận hưởng tuổi xế chiều an nhàn, sung túc bằng cách gửi tiền tiết kiệm, mua bảo hiểm sức khỏe hoặc đầu tư sinh lời... Sự tích lũy tài chính, có kế hoạch bảo vệ sức khỏe trong khoảng thời gian dài trong khoảng 15-20 năm hoặc hơn sẽ giúp người trẻ, trung niên chuẩn bị chu đáo hơn cho cuộc sống tuổi già an nhàn.
Đặt mục tiêu nghỉ hưu sớm ở tuổi 50 nên, từ năm 35 tuổi chị Kim Thương (40 tuổi, TP HCM) nghỉ hẳn vị trí quản lý truyền thông cho công ty có tiếng. Có thời gian linh động, chị vừa cộng tác viết bài tự do vừa khởi nghiệp kinh doanh, cho thuê phòng trọ. Nhờ có tiếng trong lĩnh vực này nên thu nhập mỗi ngày của chị có thể bằng mức lương trung bình của sinh viên mới ra trường. Cộng thêm khoản khác, chị cho biết khoảng 5 năm nữa có thể dành nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống, đi du lịch cùng ông xã.
Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa thực tế và mong muốn cuộc sống khi về già, người trẻ nên chuẩn bị kỹ từ bây giờ, không chỉ tài chính, sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần cũng cần chú trọng. Kế hoạch bài bản, chi tiết là bước thiết yếu đầu tiên để chuẩn bị cho cuộc sống nửa cuối đời.
Trong những năm gần đây, dân số già là một trong những mối lo ngại hàng đầu của chính phủ, doanh nghiệp cũng như xã hội. Khảo sát "Cuộc sống độc lập khi về già" do Prudential Việt Nam phối hợp thực hiện cùng Kantar Việt Nam tìm hiểu các mối quan tâm, sự kỳ vọng cũng như mức độ sẵn sàng và tự tin của người Việt cho cuộc sống độc lập khi về già, dựa trên 3 khía cạnh gồm sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và tài chính.
Khảo sát là bước đi đầu tiên của Prudential trong việc chung tay giải quyết các thách thức của xã hội để già hóa không phải là gánh nặng, thông qua các hoạt động giúp người dân có kế hoạch chuẩn bị tốt hơn để tăng mức độ tự tin của họ cho cuộc sống độc lập về già.
Ngọc An
PHÚ QUỐC DẦN MẤT SỨC HÚT TRONG MẮT KHÁCH DU LỊCH VÌ QUÁ ĐẮT ĐỎ
Nhiều du khách bày tỏ không muốn quay lại hòn đảo này lần hai.