Vén màn bí mật vụ Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào Syria

Có rất nhiều ý kiến nghi ngờ về vụ Mỹ phóng tên lửa Tomahawk hủy diệt sân bay Shaayrat ở tỉnh Homs của Syria, sau những cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib.

10:12 09/04/2017

Hôm 4/4, liên minh các lực lượng đối lập Syria đã công bố thông tin về việc 80 nạn nhân trong đó có nhiều trẻ em ở tỉnh Idlib đã tử nạn trong một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của máy bay chiến đấu quân chính phủ.

Ngay lập tức, Mỹ và các quốc gia đồng minh đã đổ lỗi cho chính quyền Assad đã tàng trữ vũ khí hóa học và giết hại nhân dân nước mình, còn Nga bị khép tội khong giám sát được việc Syria tiêu hủy vũ khí hóa học sau thỏa thuận “đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình” năm 2013.

Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã bắc bỏ những cáo buộc này và cho rằng chính phe đối lập với sử dụng loại vũ khí chết người này; còn Nga tuyên bố rằng, đây là một âm mưu của phương Tây vu cáo chính quyền Syria nhằm cứu các tổ chức khủng bố và đối lập.

Đến đêm 06/4 rạng sáng 07/4, Mỹ đã bất ngờ tấn công bằng tên lửa hành trình vào lãnh thổ Syria. Thông báo của Lầu Năm Góc cho biết rằng, đòn đánh thực hiện bởi loạt tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ từ trên biển Địa Trung Hải

Theo tuyên bố của giới chức lãnh đạo Syria, sau đòn tấn công ồ ạt của 59 tên lửa Tomahawk của Mỹ, căn cứ không quân Shayrat ở Homs đã gánh chịu thiệt hại nặng nề, toàn bộ số máy bay chiến đấu đậu ở căn cứ này đã bị hủy hoại, các đường băng cũng bị phá hủy.

Theo dữ liệu mới nhất, đã có tới hơn 10 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ tấn công của Mỹ, trong đó có cả những dân thường ở một ngôi làng bên cạnh căn cứ.

Vụ tấn công này đã được truyền thông và giới chức lãnh đạo phương Tây và Ả rập nhiệt liệt ủng hộ, nhưng những chuyên gia độc lập đã chỉ ra nhiều dấu hiệu rất đáng ngờ.

Những dấu hiệu đáng ngờ

Thứ nhất: Syria đã hoàn thành tiêu hủy vũ khí hóa học

Sau cuộc tấn công đáng ngờ bằng khí gaz lớn nhất hồi tháng 8 năm 2013 ở Đông Gouthta, ngoại ô Damascus (theo số liệu khác nhau, có từ hàng trăm đến 1500 người tử vong), Syria đã thực hiện kế hoạch “đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình” bằng việc tham gia Công ước Cấm vũ khí hóa học.

Mỹ đã tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria - điều mà Nga đã ngăn cản được vào tháng 8/2013
Mỹ đã tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria – điều mà Nga đã ngăn cản được vào tháng 8/2013

Đây là kết quả thỏa thuận giữa Nga và Hoa Kỳ về việc tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria dưới sự kiểm soát của tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), tránh cho Syria khỏi một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn của Hoa Kỳ và các đồng minh NATO.

Các nguồn vũ khí hóa học đã được đưa ra khỏi Syria, vào tháng 1 năm 2016, OPCW công bố hoàn tất việc loại bỏ các kho vũ khí hóa học trong đất nước Syria. Với thành tích giải giáp vũ khí hóa học ở Syria, OPCW đã được vinh danh giải Nobel Hòa bình vào năm 2013.

Vậy Syria lấy đâu ra vũ khí hóa học để sử dụng?

Thứ hai: Assad không có lí do để sử dụng vũ khí hóa học

Các chuyên gia nhận định rằng, chính quyền của ông Bashar al-Assad không có lí do gì để sử dụng vũ khí hóa học chống lại chính người dân của mình.

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ vụ khủng hoảng vũ khí hóa học tháng 8 năm 2013 mà bối cảnh tương tự như hiện nay, lưỡi đại đao của Mỹ và đồng minh đã khua lên trên đầu ông Assad, hàng trăm quả Tomahawk từ các chiến hạm Mỹ đã sẵn sàng phóng vào đất nước Syria.

Rất may là khi đó Nga đã kịp thời điều hàng chục tàu chiến đến Địa Trung Hải, án ngữ bờ biển phía Tây của Syria, đồng thời đưa ra kế hoạch “đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình”, khiến Syria giải giáp vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của Liên Hợp Quốc.

Hẳn ông Assad còn nhớ tới điều này nên thật khó để nghĩ rằng ông ta sẽ sử dụng vũ khí hóa học khiến phương Tây có cớ tấn công tiêu diệt mình. Hơn nữa, ông Assad đang thắng thế trên chiến trường, không có lí do gì khiến ông phải sử dụng thứ vũ khí bị cả thế giới lên án.

Thứ ba: Khủng bố và phiến quân đối lập đã từng sử dụng vũ khí hóa học

Chuyên gia quân sự Igor Nikulin, một cựu thành viên của Ủy ban Liên Hợp Quốc về vũ khí sinh học và hóa học nhận định rằng, với sự giám sát của các thanh tra viên Liên Hợp Quốc, có thể khẳng định tuyệt đối rằng, vũ khí hóa học của ông Assad đã bị tịch thu hoàn toàn.

Tuy nhiên, lại không có ai thu hồi vũ khí của cái gọi là phe đối lập ôn hòa và các tổ chức khủng bố ở Syria. Trước đây, quân đội Syria và cả lực lượng vũ trang của người Kurd cũng đã xác nhận bị tấn công bằng vũ khí hóa học từ các nhóm phiến quân và khủng bố.

Tuy nhiên, điều này đã không bao giờ bị điều tra. Và sau đó, ở chính Aleppo (vùng kiểm soát trước đây của các nhóm đối lập ôn hòa) đã phát hiện thấy những phòng thí nghiệm sản xuất khí sarin, có thể là còn các cơ sở tương tự ở Hama.

Nhiều khả năng, một phòng thí nghiệm vũ khí hóa học của khủng bố đã bị đánh bom nên mới dẫn tới số lượng lớn các nạn nhân như vậy – chuyên gia Igor Nikulin nhận định.

Vụ tấn công sân bay Shayrat của Syria có phải chỉ là bước khởi đầu?
Vụ tấn công sân bay Shayrat của Syria có phải chỉ là bước khởi đầu?

Màn kịch của phương Tây ở Syria?

Từ những những vấn đề nghi vấn, có ý kiến cho rằng, đây là một “màn kịch” do “đạo diễn” phương Tây dàn dựng, với những mục đích sau:

Phá hoại quan hệ hợp tác Nga-Mỹ ở Syria

Một mục tiêu lớn mà giới lãnh đạo lầu Năm Góc và cơ quan tình báo Mỹ muốn nhắm tới là phá hoại mối quan hệ hợp tác Nga-Mỹ trong vấn đề Syria có lể “lây lan” sang những lĩnh vực khác – điều mà từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền đã khiến giới tinh hoa chính trị phương Tây lo ngại.

Do đó, việc dựng lên một kịch bản khủng khiếp đối với nhân dân Syria sẽ khiến một người có tính cách bốc đồng như ông Trump dễ dàng hạ lệnh tấn công vào Syria. Đồng nghĩa là “dấu chấm hết” cho những nỗ lực của cả hai bên để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria và các sự vụ khác trên chính trường quốc tế.

Loại bỏ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Asad

Đây là mục tiêu nhất quán ngay từ ngày phương Tây can thiệp quân sự vào Syria, xới lên cuộc nội chiến ở đất nước này, nhằm lợi dụng bàn tay của phiến quân đối lập và khủng bố để loại bỏ chính quyền Bashar al-Assad.

Do đó, một âm mưu dàn dựng việc Quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa có thể là cái cớ tốt nhất để phương Tây can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria để lật đổ chính quyền Assad hoặc khiến Liên Hợp Quốc có thể đưa ra những nghị quyết bất lợi đối với chính quyền của ông này.

Diệt sức mạnh quân đội Syria, cứu khủng bố và đối lập ôn hòa

Chuyên gia Nga Igor Nikulin nhận định rằng, cứ mỗi khi phiến quân và khủng bố gặp khó khăn là chúng lại được cứu giúp. Vụ tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk này không phải là lần đầu tiên khi nhóm “đối lập ôn hòa”nào đó gặp khó khăn là tai họa lại đổ xuống đầu ông Assad.

Trong vụ việc này, đòn đánh vào các sân bay và cơ sở quân sự của Syria có thể làm triệt tiêu sức mạnh không quân nói riêng và quân đội Syria nói chung khiến khủng bố và phiến quân giảm bớt sức ép từ các vụ không kích của cả Nga và Syria, tìm lại được lợi thế trên chiến trường.

Kết luận: Những lập luận trên đây chỉ là những giả thuyết, tất cả sự thật còn phải chờ những cuộc điều tra cụ thể và khách quan. Tuy nhiên, rất có thể sẽ không có cuộc điều tra nào được mở ra và tất cả sự thật sẽ chỉ được biết đến sau một thời gian dài nữa, giống như những gì chúng ta thấy ở đất nước Iraq hay Libya hiện nay.

Tags:
Nạn nhân tấn công hóa học ở Syria ủng hộ hành động của Mỹ

Nạn nhân tấn công hóa học ở Syria ủng hộ hành động của Mỹ

“Cuộc tấn công của Mỹ đã góp phần giảm bớt một phần nỗi đau mà chúng tôi đang phải gánh chịu”, Alaa Alyousef (27 tuổi) cho biết. Alyousef là may mắn người sống sót sau vụ tấn công hóa học ở Syria nhưng không may mất cùng lúc 25 người thân.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất