Vì sao "giấc mơ Mỹ" sẽ không bao giờ lặp lại?

Việc đặt lợi nhuận lên trên hết, cùng với cách mạng công nghệ và toàn cầu hóa, đã biến việc quay lại thời hoàng kim giữa thế kỷ 20 bất khả thi.

23:00 29/03/2019

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Howard Gold, nhà bình luận của Market Watch. Ông Gold là nhà sáng lập GoldenEgg Investing, chuyên tư vấn các dịch vụ đầu tư cho người về hưu.

Kỷ nguyên Vàng của nền kinh tế Mỹ là trong khoảng 25 năm từ 1948 đến 1973, khi nước Mỹ ở giai đoạn đỉnh cao, ngành sản xuất phát triển mạnh và tầng lớp trung lưu tận hưởng sự thịnh vượng.

Trong 25 năm đó, GDP thực đã tăng 169%, số lượng việc làm tăng 75% và việc làm trong ngành sản xuất tăng 30%, trong khi thu nhập cá nhân đầu người tăng gần gấp đôi.

Khi ấy, bất kể thu nhập và trình độ học vấn, ai cũng có thể sống với Giấc mơ Mỹ và tin rằng là một người Mỹ thì có nghĩa là con và cháu của bạn hầu như được bảo đảm sẽ có cuộc sống tốt hơn bạn.

Giờ đây khi nhìn lại, có thể thấy đó là một giấc mơ không khả dĩ, kết thúc bằng lệnh cấm vận dầu của các nước Ả Rập và tình trạng lạm phát cao của những năm 1970, tiếp theo là cuộc suy thoái sâu vào đầu những năm 1980.

Những gì kéo theo đó là một cuộc cách mạng công nghệ và sự chuyển đổi của mô hình doanh nghiệp Mỹ. Điều này đã giết chết Giấc mơ Mỹ của hàng triệu người, và tạo ra một nền kinh tế nơi mà ai cũng cảm thấy sợ hãi và không chắc chắn. Nhiều người muốn khôi phục lại thế giới cũ đã mất, và đây là một điều bất khả thi.

Tôi đang nhìn lại thời đại hoàng kim đó, bởi vì tôi nghĩ rằng nó đã có một ảnh hưởng to lớn lên cách nhìn của người Mỹ về nền kinh tế và bởi vì chúng ta cần phải hiểu nó để tiến lên phía trước.

Thời hậu Thế chiến thứ II

Khi nhìn lại, có thể thấy sự bùng nổ kinh tế Mỹ sau chiến tranh là điều tất yếu. Đúng vậy, châu Âu và Nhật Bản đã bị tàn phá, trong khi Mỹ không bị tổn hại bởi Chiến tranh Thế giới thứ Hai, và việc xuất xưởng hàng chục ngàn chiếc xe tăng và máy bay đã khiến các nhà máy của Mỹ hoạt động không ngừng nghỉ.

Nhưng có một mối quan tâm lớn về việc hơn 10 triệu cựu chiến binh Mỹ sẽ làm gì khi họ trở về, và khi ngành công nghiệp chuyển đổi từ quốc phòng sang dân dụng, có những câu hỏi lớn về việc ai sẽ mua hàng hoá mà họ sản xuất.

"Chiến tranh đã chứng minh rằng sản xuất không phải là vấn đề của chúng ta; vấn đề của chúng ta là tiêu dùng ", Chủ tịch Công đoàn Công nhân Ngành xe hơi (UAW) Walter Reuther đã viết trên New York Times Magazine vào tháng 9/1945. "Việc duy trì được sức mua ổn định trên diện rộng để có khả năng cung cấp một thị trường ổn định cho các sản phẩm mới là bất khả thi".

Việc duy trì chế độ kiểm soát mức lương và giá cả như thời chiến vẫn kéo dài sau chiến tranh, khiến cho mức thu nhập thực của công nhân Mỹ giảm xuống, và các hiệp hội, công đoàn bắt đầu thể hiện tiếng nói của mình: Hơn 2 triệu công nhân đã đình công vào mùa đông năm 1945-46.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Harry Truman đã cố gắng và thất bại trong việc tạo ra một hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia. Một hình thức khế ước xã hội mới được tạo ra sau thỏa thuận vào năm 1950 giữa  Reuther và Charles Wilson, vị CEO nhìn xa trông rộng của hãng xe General Motors.

Được gọi là Hiệp ước Detroit, nó đã mang lại cho GM 5 năm liền không phải lo lắng về vấn đề nhân công và khả năng kiểm soát hoàn toàn việc sản xuất, đổi lại hãng phải tăng lương, chi phí y tế và trợ cấp cho lực lượng lao động. Các ngành công nghiệp khác, bất kể có công đoàn mạnh hay không, cũng làm theo GM.

Mức sống cao của người lao động và giai đọan Chiến tranh Lạnh sau đó đã khơi nguồn cho nền kinh tế dựa trên tiêu dùng lớn nhất thế giới. Việc tăng cường xây dựng hệ thống đường cao tốc quốc gia và địa phương đã tạo ra hàng loạt vùng ngoại ô mới, và tạo ra giấc mơ Mỹ rằng ai cũng có thể có một công việc ổn định và một ngôi nhà.

Khi số lượng con cái của các cựu chiến binh của Thế chiến 2 (vốn được sinh ra trong thời kì từ năm 1946-1964) vào làm tại các nhà máy có đãi ngộ tốt hoặc vào học các trường đại học lên mức kỉ lục, có thể nói sự thịnh vượng vĩnh cửu đã trở thành một quyền từ lúc sinh ra của người Mỹ.

Giai đoạn đình đốn những năm 1970

Mùa thu năm 1973, sau khi cuộc chiến tranh Yom Kippur nổ ra tại Trung Đông, các quốc gia Ả Rập sản xuất dầu đã ra lệnh cấm vận dầu mỏ chống lại Israel. Giá dầu tăng gấp 4 lần lên 12 USD/thùng. Đà tăng sau đó của giá dầu trong suốt những năm 1970 đã làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát vốn đã cao: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 10% vào đầu năm 1974.

Khi giá xăng tăng vọt, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và Đức, vốn đã hồi phục hoàn toàn sau chiến tranh, tung ra thị trường những chiếc xe nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu trong khi 3 hãng xe lớn đầy tự mãn của Mỹ vẫn xuất xưởng những chiếc xe ngốn xăng như nước lã. Đến năm 1977, người Mỹ đã mua 2 triệu xe nhập khẩu mỗi năm.

Tuy nhiên, việc làm trong ngành sản xuất vẫn tiếp tục gia tăng trong suốt những năm 1970, đạt mức đỉnh điểm 19,6 triệu người vào tháng 6/1979. Tuy nhiên, lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát, và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Paul Volcker đã nâng lãi suất quỹ liên bang lên mức cao nhất mọi thời đại là 19,1% vào tháng 6/1981. Việc này đã giúp làm giảm lạm phát nhưng cũng gây ra cuộc suy thoái sâu trong những năm 1981-1982.

Đặt lợi nhuận lên trên hết

Sau cuộc suy thoái kinh tế đó, cuộc cách mạng máy tính cá nhân mang lại những công cụ phân tích tiên tiến cho các máy tính để bàn văn phòng. Ý tưởng rằng nhiệm vụ duy nhất của các công ty là tạo ra giá trị cho cổ đông bắt đầu trở nên phổ biến.

Lợi nhuận bây giờ là trên hết: cạnh tranh từ nước ngoài rất khốc liệt, và các tập đoàn lớn của Mỹ không còn có thể đóng vai trò cung cấp phúc lợi thay nhà nước được nữa. Họ cắt giảm phúc lợi và việc làm để tăng lợi nhuận và giá cổ phiếu. Dần dần, những việc làm ổn định, lương cao với nhiều phúc lợi tốt đã ngày càng trở nên hiếm hoi. Tiến bộ công nghệ cũng cho phép các công ty chuyển hoạt động gia công sang các nền kinh tế đang phát triển với mức lương thấp như Mexico và Trung Quốc.

Trong khi đó, một cuộc cách mạng kỹ thuật số đã chuyển đổi nước Mỹ từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế dựa trên dịch vụ, công nghệ và giải trí. Từ năm 1990, ngành sản xuất đã mất 5 triệu việc làm trong khi việc làm trong các dịch vụ chuyên nghiệp, y tế, và nhà hàng đã tăng thêm 25 triệu.

Vì vậy, bây giờ nước Mỹ có tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng việc làm tốt, nhưng tốc độ tăng lương không đáng kể và mức độ an toàn công việc thấp. Các kỹ năng từng được đánh giá cao cách đây 2 thế hệ nay đã trở nên lỗi thời.

Thật không may, quá nhiều người Mỹ, đặc biệt là những người ở những khu vực mà các hầm mỏ và nhà máy đã bị đóng cửa, vẫn cảm thấy họ "xứng đáng" được nhận công việc của ngày hôm qua. Cho dù Tổng thống Mỹ có là ai đi nữa, những công việc được trả lương cao mà không yêu cầu tay nghề cao sẽ không tồn tại nữa, nhưng nhiều người trong tầng lớp trung lưu dường như vẫn tin rằng họ đương nhiên được hưởng đặc quyền này.

Sự bùng nổ của kinh tế Mỹ sau chiến tranh là một thời kỳ vàng son cho hàng triệu người, nhưng nó đã xuất hiện trong một hoàn cảnh độc đáo và sẽ không bao giờ lặp lại. Thật không may, nó đã làm nhiều người Mỹ trở nên "vô tư" và cho rằng mọi thứ vẫn sẽ như ngày hôm qua. Đây là lúc phải nhớ rằng ngày hôm qua đã không còn nữa, và chúng ta cần phải tiến lên phía trước.

Tags:
Triệu phú người Việt đã hiện thực giấc mơ Mỹ như thế nào?

Triệu phú người Việt đã hiện thực giấc mơ Mỹ như thế nào?

Được mệnh danh là “Cha đẻ của Little Saigon”, từ một người tay trắng qua Mỹ lập nghiệp, đến nay tài sản trong tay ông Triệu Như Phát lên đến khoảng 500 triệu USD.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất