Vì sao nhiều người Mỹ xa xứ muốn từ bỏ quốc tịch?
Theo một cuộc khảo sát của Greenback Expat Tax Services, khoảng 1/4 người Mỹ xa xứ đang “cân nhắc nghiêm túc” hoặc “có kế hoạch” từ bỏ quốc tịch Mỹ.
13:16 26/11/2024
Cụ thể, trong một cuộc khảo sát với 3.200 người Mỹ ở nước ngoài sống tại 121 quốc gia, gánh nặng khai thuế ở Mỹ là lý do số một khiến người muốn từ bỏ quốc tịch.
David McKigan, đồng sáng lập Greenback Expat Tax Services, cho biết: “Có những người làm việc có vẻ bình thường như tiết kiệm tiền để nghỉ hưu hoặc mua nhà. Nhưng khi bạn làm việc đó ở nước ngoài, đôi khi bạn có thể gặp rất nhiều rắc rối”.
Các yêu cầu báo cáo thuế nghiêm ngặt
Người Mỹ ở nước ngoài phải trả thuế thu nhập Mỹ hàng năm đối với thu nhập trên toàn thế giới, bao gồm tiền lương, lợi nhuận kinh doanh, thu nhập đầu tư…, bao gồm cả việc nộp thuế tại 2 quốc gia.
Gần 1/4 người Mỹ ở nước ngoài đang cân nhắc từ bỏ quốc tịch Mỹ do phiền phức liên quan đến quy định về khai báo thuế hằng năm. (Ảnh: Shutterstock) |
Mặc dù Mỹ đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn đánh thuế 2 lần, chẳng hạn như loại trừ thu nhập nước ngoài và tín dụng thuế, nhưng nhiều người Mỹ ở nước ngoài vẫn phản đối yêu cầu nộp thuế 2 lần do tốn nhiều thời gian và chi phí liên quan đến việc chuẩn bị các tờ khai này. Hơn nữa, nghiên cứu cho biết, gần 80% không nghĩ rằng họ nên đóng thuế Mỹ khi sống ở nước ngoài.
Các vi phạm sẽ bị phạt nặng
Ngoài ra, một số người Mỹ ở nước ngoài phải báo cáo các tài khoản nước ngoài cho Bộ Tài chính Mỹ hàng năm thông qua Báo cáo tài khoản tài chính và tài khoản ở ngân hàng nước ngoài (FBAR), nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc.
Theo quy định, công dân Mỹ ở nước ngoài phải nộp FBAR nếu tổng giá trị tài khoản vượt quá 10.000 USD vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, bất kể tài khoản đó có tạo ra thu nhập hay không. Bên cạnh đó, cần khai báo nếu có tài khoản vượt 200.000 USD vào cuối năm.
Ví dụ, nếu bạn có 5.000 USD trong tài khoản tiết kiệm và 4.750 USD trong tài khoản đầu tư và tài khoản đầu tư tăng lên 5.025 USD ngay trong một ngày, bạn phải báo cáo những số dư đó.
Hình thức xử phạt đối với hành vi không nộp hồ sơ tùy thuộc vào mức vi phạm “cố ý” hay “vô ý”. Tuy nhiên, có một khoản phí lên tới 129.210 USD hoặc 50% số dư tài khoản cho mỗi năm mà bạn không có báo cáo.
Ông McKigan nói thêm: “Đó là một vấn đề đau đầu đối với mọi người khi họ gặp rắc rối”.
Chưa được lắng nghe trong các vấn đề thuế
Trong khi số lượng người Mỹ từ bỏ quốc tịch giảm mạnh vào năm 2021 - 2.426 người so với mức kỷ lục 6.705 người vào năm 2020 - con số năm 2021 có thể thấp hơn do các đại sứ quán Mỹ phải đóng cửa trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính rằng, có khoảng 9 triệu công dân nước này sống ở nước ngoài vào năm 2020.
“Điều khiến tôi ấn tượng về cuộc khảo sát mới nhất này là số lượng người nghĩ rằng vấn đề của họ khó có thể được giải quyết”, ông McKigan nói.
Nghiên cứu cho thấy, thực tế 86% người Mỹ sống ở nước ngoài được khảo sát tin rằng chính phủ Mỹ có ít khả năng giải quyết các vấn đề của họ hơn.
Thanh Bình (lược dịch)
“Sống ở nước ngoài sướng nhỷ”, chỉ có người xa xứ mới hiểu
Bây giờ mỗi lần về phép, khi nghe mọi người nói sống ở nước ngoài sướng, tôi chỉ cười buồn. Cái giá phải trả đối với nhiều người ở đây là má u, nước mắt và những cay đắng mà chỉ có người xa xứ mới hiểu.