Việt kiều trẻ gắn bó với quê hương

Sau một thời gian sống và làm việc tại VN, những người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi đã quyết định gắn bó cùng quê hương.

22:45 25/06/2017

Mong muốn làm việc có ích cho cộng đồng, phát triển thành công tại quê hương và hiểu rõ hơn về VN. Đó là điểm chung của những người thuộc thế hệ Việt kiều sinh ra tại Mỹ đang sinh sống, làm việc ở VN và được họ chia sẻ trong buổi tọa đàm mới đây tại Trung tâm Hoa Kỳ thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi tọa đàm diễn ra vào tháng 5 về những trải nghiệm, hoài bão và tình cảm với quê hương của những người Mỹ gốc Việt trẻ.

Nói tiếng Việt “xưa”

Do sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhiều bạn trẻ không khỏi bất ngờ vì dù nói tiếng Việt ngay tại VN nhưng vẫn khiến người nghe... khó hiểu. “Chúng tôi chỉ nói tiếng Việt với cha mẹ ở nhà, còn khi ra ngoài làm việc hay học tập thì tất cả mọi thứ bằng tiếng Anh. Cha mẹ là thế hệ rời khỏi VN vào năm 1975, nên vốn tiếng Việt của họ chỉ hợp với thời đó”, Nguyễn Anh Thư, đang làm việc cho Hãng luật quốc tế Baker McKenzie tại VN, chia sẻ. Trong những ngày đầu tiên đến VN, Thư ngạc nhiên khi người lái taxi không thể hiểu nổi tiếng Việt của cô vì “nghe giống thời trước 1975”. Tương tự, Mimi Vũ, Giám đốc phụ trách chiến lược và pháp lý cho Tổ chức phi chính phủ Pacific Links, chia sẻ: “Có nhiều từ ngữ tiếng Việt cha mẹ dạy cho tôi hầu như không còn sử dụng thời nay, chưa kể đến nhiều phương ngữ khiến tôi không thể hiểu được”. Chính vì thế, một trong những điều đầu tiên mà người Mỹ gốc Việt trẻ phải làm khi trở lại VN là cập nhật tiếng Việt “hiện đại”.

Theo Mimi Vũ, trong thời gian qua, Pacific Links đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ trẻ em, phụ nữ VN là nạn nhân của nạn buôn người, giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Công việc của cô luôn được cha mẹ ủng hộ, động viên và chính họ luôn thúc giục cô trở về quê hương. Tuy nhiên, cũng có những bậc phụ huynh ban đầu rất lo lắng và không muốn con cái trở về VN. “Ba mẹ bảo tại sao tôi đang có công việc ổn định ở Mỹ lại từ bỏ và về VN mở công ty start-up (khởi nghiệp)”, như chia sẻ của Đôn Lê, Tổng giám đốc Trường Everest Education tại TP.HCM. Anh trở về VN lúc 26 tuổi, hợp tác với một người bạn thời đại học thành lập ngôi trường chuyên phát triển tư duy độc lập, logic và kỹ năng toán học cho học sinh.

Ban đầu Đôn Lê nghiên cứu cách dạy toán của Singapore và mở lớp học miễn phí để tìm hiểu xem liệu mô hình này có phù hợp với học trò VN hay không. “Được phụ huynh và học sinh đánh giá cao, chúng tôi mạnh dạn mở Trường Everest. Học sinh ở VN làm toán giỏi hơn cả Mỹ, nhưng lại không hiểu vì sao phải học và áp dụng vào thực tế như thế nào, nên chúng tôi thiết kế chương trình đảm bảo càng thực tế sinh động càng tốt nhằm phát triển tư duy phản biện”, Đôn Lê giải thích về ý định khởi nghiệp độc đáo.

Hiểu hơn về tổ quốc

Không chỉ trở về quê hương để lập nghiệp và thành công, Việt kiều trẻ còn mong muốn được hiểu rõ hơn về quê nhà hiện nay, do những gì họ biết về VN trước đó chỉ thông qua lời kể của người thân và tất cả đã là quá khứ. Doanh nhân Mỹ gốc Việt Đôn Phan ở TP.HCM, ban đầu hơi “sốc” với văn hóa số điện thoại “đẹp” ở VN. “Các đối tác nhận danh thiếp và hỏi vì sao tôi lại dùng số điện thoại 11 chữ số và “xấu”? Tôi ngớ người ra vì hoàn toàn không biết nhiều người VN, nhất là dân kinh doanh, thích dùng số điện thoại có sự kết hợp các chữ số tượng trưng cho sự may mắn”, Đôn Phan nhớ lại. Nguyễn Anh Thư thì chia sẻ “bài học” về sự tinh tế của người Việt trong cách ứng xử, mời mọc. Đó là lần cô phải nhập viện trị bệnh, một số người đến thăm và cho Thư cam. “Tôi cứ tự nhiên lột ra ăn và khen ngon rồi mời họ, nhưng họ bảo không ăn và tôi cứ thế ăn hết. Sau đó, dì tôi đến và trách tôi tại sao lại làm như vậy?”, Thư kể.

Đến nay, Mimi Vũ đã gắn bó với quê hương hơn một thập niên, những người tham gia tọa đàm còn lại cũng đều sống và làm việc tại VN hơn 5 năm. Tất cả đều chưa có ý định quay lại Mỹ. Họ bày tỏ nguyện vọng muốn tiếp tục làm việc, đóng góp cho sự phát triển của quê hương cũng như góp phần làm cầu nối để gia đình, bạn bè ở Mỹ hiểu rõ hơn về VN trong bối cảnh đủ loại tin tức tràn lan trên mạng. “Nhiều người bạn và cha mẹ đã gọi điện cho tôi vì lo lắng mỗi khi thấy thông tin trên mạng về an toàn thực phẩm như gạo nhựa hoặc các vụ tai nạn giao thông chết người. Nhưng tôi luôn tìm cách trấn an họ rằng một số thông tin chỉ là tin đồn, đồng thời khẳng định mình luôn cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm. Tôi rất thích đồ ăn VN”, Nguyễn Anh Thư chia sẻ.

Tags:
Bán thực phẩm cận date: Mô hình kinh doanh mới lạ ở Mỹ làm thay đổi quan niệm về hạn sử dụng

Bán thực phẩm cận date: Mô hình kinh doanh mới lạ ở Mỹ làm thay đổi quan niệm về hạn sử dụng

Tại Daily Table, không có thứ gọi là rác thải thực phẩm. Bằng cách biến thức ăn thừa thành cơ hội kinh doanh, Doug Rauch – sáng lập viên kiêm chủ tịch cửa hàng phi lợi nhuận Daily Table – muốn giải quyết hai vấn đề lớn ở nước Mỹ: Lãng phí thức ăn và tiếp cận với nguồn dinh dưỡng hợp lý.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất