Việt Nam bị ‘lockdown’: Lượng hàng từ Little Saigon gửi về tăng bất ngờ
"Mấy tuần này, hàng gửi về Việt Nam ở chỗ tôi tăng quá, nhất là hàng về Sài Gòn, nơi bị ‘lockdown’ hầu như toàn thành phố vì dịch COVID-19 đang bùng phát,” anh Triều Nguyễn, chủ tiệm Phúc Lộc Pakmail, Westminster, cho biết.
08:00 23/07/2021
Chống dịch, chống đói
“Tôi hay ra đây gửi hàng lắm, nhưng gần đây nhất là lúc Sài Gòn chưa bị ‘lockdown.’ Lần này sợ hàng về bị ‘chặn’ nên tôi phải tức tốc đi gửi về cho sớm,” chị Thảo nói với phóng viên nhật báo Người Việt.
Chị Thảo chỉ ba bốn bịch đồ mới đem tới chưa kịp “pack” (đóng thùng), rồi vừa xếp vô thùng giấy, vừa tâm sự: “Cô em gái tôi sắp có baby, nên mình phải gửi sớm về, trừ hao tới lúc em bé ra là vừa. Còn đây là đồ chơi xe hơi, cho tụi nhỏ không được ra đường, buồn buồn lôi ra chơi.”
Chị Thảo cho biết, nhân tiện chị cũng gửi luôn các loại thuốc bổ, thuốc thấp khớp, bánh kẹo đã mua trước ở Costco, lần này gửi kèm về cho người thân trong gia đình trong thời gian “chống dịch.” Chị không gửi thực phẩm, vì theo chị, “đồ ăn thì trong nước không thiếu, tôi nghĩ vậy.”
Nhưng đại đa số những người đi gửi hàng về Việt Nam mà chúng tôi ghi nhận được, lại không nghĩ như chị Thảo. Thậm chí có người còn gửi cả “cà rốt, hoặc bắp cải,” theo như lời anh Triều.
“Cà rốt mà đi bảy ngày thì ok, chứ bắp cải thì không chắc. Tôi có nói rõ với khách, nhưng nhiều người vẫn cứ gửi, họ sợ gia đình bị đói, không có thực phẩm mà ăn,” anh Triều cho biết.
Cũng theo anh Triều, từ mấy tuần nay, khách ra tiệm anh gửi về nhiều nhất là thuốc đau nhức như Tylenol, Advil, các loại thuốc bổ, vitamin C, và hầu như ai cũng gửi thực phẩm khô như thịt nguội, lạp xưởng, bún khô,…
Tại tiệm gửi hàng về Việt Nam Zippost Logistics trên đường Bolsa, Westminster, chị Thủy Nguyễn cho biết khách của tiệm chị mấy tuần nay gửi rất nhiều thuốc và thực phẩm về cho thân nhân. Nhiều nhất vẫn là thịt hộp, xúc xích, lạp xưởng, thuốc Tylenol, Advil, và các loại thuốc bổ.
Một khách hàng khác, chị Hồng Diệp, ở Santa Ana, cũng ghé gửi hàng. Chị nói trước đây cứ hai ba tháng chị lại đi gửi hàng về cho gia đình ở quận Tân Bình, Sài Gòn, nhưng mấy bữa nay thấy Sài Gòn bị “lockdown,” người nhà của chị đi mua hàng rất khó khăn, nên chị phải gửi tiếp về, dù chưa tới kỳ hạn.
“Lần này tôi gửi tới gần chục hộp vitamin C, vì vitamin C bên Việt Nam không tốt,” chị Hồng nói. “Hổm nay tui lo lắm, không biết có gửi hàng về nhà được không. May mà mấy anh dịch vụ gửi hàng vẫn hoạt động.”
Một phân khúc khác, anh Minh Huy, chủ tiệm Minwee Cargo ở thành phố Garden Grove, chỉ nhận gửi hàng chủ yếu cho người bán hàng online bên Việt Nam.
“Chỗ tôi hơi khác mọi người, là khách hàng lên online mua hàng rồi ship qua bên tôi, xong tôi gửi về. Vì thế, dù Sài Gòn có bị ‘lockdown,’ hàng bên tôi vẫn ít hơn những chỗ khác, nhưng khách walk-in (gửi lẻ) cũng tăng một chút,” anh Huy cho biết. “Họ gửi lạp xưởng, cá hộp, Tylenol…”
Anh Huy kể, trong số hàng hóa gửi về Việt Nam gần đây, anh thấy có cả máy thở oxygen.
“Khách chỗ tôi toàn dân có tiền, đại gia. Họ mua và gửi về nào là bộ test COVID-19, các chai xịt khuẩn Lysol, Tylenol, và các loại vitamin cũng nhiều. Đồ ăn thì ít hơn. Nhưng đặc biệt là máy thở oxygen. Máy này nhỏ, nhẹ như cái chai sơn xịt. Lần đầu tiên tôi mới biết máy này,” anh nói thêm.
Chi phí tăng, nhưng không tăng lệ phí
“Mấy tuần nay, tụi tôi phải tăng chuyến về Việt Nam, thay vì hai như trước thì nay phải là ba chuyến, nếu không, hàng sẽ bị dồn, không có chỗ chứa,” chị Thủy Nguyễn cho biết.
Còn ở Phúc Lộc Pakmail, khi chúng tôi hỏi lượng hàng gửi về Việt Nam tăng-giảm thế nào, anh Triều Nguyễn trả lời “ngay và luôn”: Tăng 40% so với bình thường.
Hầu như dịch vụ gửi hàng về Việt Nam không bị ảnh hưởng các chuyến bay như thời dịch bệnh bùng phát tại Mỹ năm ngoái, nhưng người nhận sẽ phải chờ lâu hơn.
“Thời gian chuyển hàng vẫn như thế, chúng tôi cũng không thiếu nhân viên, vả lại, toàn bộ 20 nhân viên đi giao hàng của chúng tôi đều đã chích ngừa rồi nên rất yên tâm, nhưng vấn đề ở chỗ, việc đi giao hàng cho từng nhà gặp khó khăn, vì ở Sài Gòn bây giờ có nhiều chỗ phong tỏa, dây giăng tùm lum, không phải cứ muốn giao là được,” chị Thủy nói.
Anh Triều cho biết, bình thường, nhân viên đem hàng đến tận nhà, mang lên tận trên lầu nếu khách ở chung cư. Còn bây giờ, khách phải đi xuống đất, mà xuống cũng không được nhận hàng ngay, vì còn phải đi tới chỗ có hàng rào, barie che chắn. “Bên giao hàng và bên nhận hàng chỉ có thể ‘gặp nhau cuối phố’ mà thôi,” anh Triều nói vui.
Một chi tiết không thể nhắc đến, là giá xăng “leo thang” đến… chóng mặt, kéo theo giá cả sinh hoạt tăng, nhưng phí chuyển hàng về Việt Nam thì không tăng. Giá gửi trung bình ở các tiệm nhận gửi hàng tại khu Little Saigon là $2.5 về Sài Gòn, về tỉnh thì mắc hơn một chút.
Anh Minh Huy cho biết, hàng của anh thường về đến Việt Nam là phải chuyển bằng xe vận tải, nhưng bây giờ xe vận tải vô nhiều con đường, hoặc hẻm không được, nên các nhân viên phải “tác hàng” ra chuyển qua xe gắn máy. “Mà xe gắn máy cũng gặp khó khi vô từng nhà, vì chỗ nào cũng giăng dây,” anh Huy nói.
Phí gửi hàng ở tiệm anh Huy, và hầu hết các tiệm khác trong khu Lillte Saigon cũng không đổi. Anh nói: “Ráng dãi nắng dầm sương, phục vụ đồng bào mình.”
Hàng không thiếu
Thấy tình hình bà con đổ xô đi mua thuốc để gửi về cho thân nhân, chúng tôi ra Costco, nghĩ trong bụng, chắc hàng các quầy thuốc cũng… sạch bách rồi.
Costco ở Garden Grove trưa 19 Tháng Bảy cũng vẫn rất đông, người đi như “trẩy hội,” bãi xe kín mít. Nhưng ở bên trong, hàng hóa không hề thiếu.
Chúng tôi đặc biệt ghé quầy dược phẩm và thực phẩm, nhưng không có hiện tượng thiếu hàng.
Gặp một người đang đứng ở quần thuốc bên cạnh giỏ xe nào là thuốc bổ, bánh kẹo, thịt hộp, cá hộp… chúng tôi bắt chuyện.
Chị Lan Trần, cư dân Westminster, kể: “Tuần trước tôi cũng mua một đợt, gửi về một đợt rồi. Hôm nay thấy bà con trên mạng nói hết hàng, sợ quá, tôi chạy ra coi thì thấy vẫn vậy à. Nghe nói cứ hết hàng là nhân viên ở đây lại sắp vô cho đầy.”
Là người khá am hiểu diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước, anh Quân Phạm, người làm việc tại Zippost Logistics, lắc đầu: “Việt Nam chống dịch cái kiểu gì mà đóng hết các chợ, rồi cho khách vô siêu thị. Người nhà tôi vô siêu thị mua hàng mất hết hai tiếng đồng hồ. Siêu thị kín hơn chợ, càng lây lan khủng khiếp.”
Anh Triều nói vui (trong đau khổ): “Trước kia Sài Gòn có nhiều địa điểm bị phong tỏa do có người nhiễm COVID-19, còn bây giờ, Sài Gòn chỉ còn một điểm nhiễm duy nhất, là ‘toàn thành phố.’”
Theo anh Triều, cái “điểm duy nhất” ấy có đến cả chục triệu người, chắc chắn chưa hết khốn khổ vì giải pháp chống dịch “không giống ai” của chính quyền thành phố. [qd]
Bác sĩ Nhật Bản sống tới 105 tuổi tiết lộ chế độ ăn, quan điểm hiếm có việc nghỉ hưu và các mẹo kéo dài tuổi thọ
"Đừng nghỉ hưu. Nhưng nếu bạn phải làm như vậy, hãy nghỉ hưu càng muộn càng tốt". Đây là một trong những lời khuyên của vị bác sỹ này.