Xây dựng cơ sở hạ tầng: Cơn ác mộng của nước Mỹ
Cơ sở hạ tầng tại những nước phát triển như Mỹ là niềm mơ ước của nhiều quốc gia đang phát triển, nhưng nền kinh tế số 1 thế giới hiện nay lại đang phải đau đầu với chính niềm tự hào này.
23:34 02/06/2017
Nguyên nhân rất đơn giản, chi phí xây dựng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Mỹ ngày một cao. Nếu mức giá xây dựng hợp lý thì không có gì phải bàn cãi, nhưng khi mức phí duy trì những cơ sở hạ tầng này lên cao một cách đáng kinh ngạc đã khiến nước Mỹ bị chia rẽ.
Một bên cho rằng nên chấp nhận mức phí cao này để tiếp tục xây dựng và duy trì chất lượng cơ sở hạ tầng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bù đắp lại thiệt hại. Trong khi đó bên kia lại cho rằng nước Mỹ nên tiết kiệm tài chính và bỏ qua những dự án cơ sở hạ tầng có giá cao hoặc hạn chế duy trì những công trình quá đắt đỏ.
Hệ quả của những cuộc tranh cãi này là nước Mỹ trở nên mất phương hướng, trong khi ngân sách chi tiêu quá nhiều cho cơ sở hạ tầng thì chất lượng công trình và thời gian thi công lại đi xuống.
1,7 tỷ USD cho 1 km
Mới đây, công trình tàu điện ngầm Second Avenue Subway tại thành phố New York được xây với giá gần 1,7 tỷ USD/km, cao hơn rất nhiều so với mức giá 250 triệu USD/km của những công trình tàu điện ngầm tại Paris- Pháp, Copenhagen-Đan Mạch hay Berlin-Đức.
Việc xây dựng đường xá hay những đường ray xe lửa tại Mỹ hiện nay tốn kém nhiều tiền bạc và thời gian hơn rất nhiều so với Pháp và Nhật Bản. Một số chuyên gia đã đưa ra những lý do cho sự yếu kém này của Mỹ nếu so sánh với các nền kinh tế phát triển khác nhưng chúng đều không giải thích thỏa đáng.
Ví dụ như đạo luật Davis Bacon ban hành năm 1931 liên quan đến tiền lương công nhân cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, buộc các công ty phải trả thêm tiền cho những nghiệp đoàn. Một số nghiên cứu cho rằng chính các khoản quy định này đã làm tăng chi phí xây dựng tại Mỹ.
Mặc dầu vậy, lý do này đưa ra quá khiên cưỡng khi tại nhiều nước phát triển như Pháp, quyền lực của công đoàn người lao động thậm chí còn mạnh hơn. Tuy nhiên, dù lao động tại một số ngành như công nhân xây dựng đường sắt ở Pháp có quyền lợi rất lớn song chi phí xây dựng ở đây lại rẻ hơn nhiều so với Mỹ.
Nhật Bản là một ví dụ khác khi mức lương bình quân của một công nhân xây dựng tại đây năm 2014 là 4 triệu Yên/năm (36.000 USD theo tỷ giá hiện hành), thấp hơn so với mức 37.890 USD tại Mỹ. Dẫu vậy, tính trung bình năng suất của lao động xây dựng Nhật Bản nhanh hơn 1 tiếng so với người Mỹ. Nói cách khác, công nhân xây dựng Mỹ đã bị trả lương quá cao so với năng lực thật của họ.
Một mảng nữa được nhiều chuyên gia nhắc tới là vấn đề giải phóng mặt bằng cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều người từng cho rằng Trung Quốc có thể giải phóng mặt bằng nhanh chóng với chi phí thấp hơn Mỹ là do sức mạnh công quyền. Tuy nhiên nếu nhìn vào Nhật Bản, chi phí giải phóng mặt bằng cao hơn rất nhiều do quyền tư hữu đất đai rất lớn, nhưng chi phí để xây dựng các tuyến đường ray tại đây lại vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ.
Bên cạnh đó, những lời giải thích cho rằng nước Mỹ quá rộng và việc xây dựng cơ sở hạ tầng tốn kém hơn cũng không thực sự chính xác bởi chưa có bất kỳ một báo cáo nào cho thấy điều này. Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng việc chính phủ Mỹ gặp khó khi phải tránh các khu vực bảo tồn thiên nhiên hoặc những di tích khi xây dựng đã đội giá lên cũng không chính xác. Pháp cũng là nước có rất nhiều di tích và danh lam thắng cảnh nhưng chi phí xây dựng các tuyến đường ray của nước này chỉ bằng một nửa so với Mỹ.
Những công trình bỏ hoang
Thời gian thi công cũng đang là vấn đề khi tại Trung Quốc, một tòa nhà 30 tầng được xây trong 15 ngày với kỹ thuật mới hay tại Nhật Bản, một hố sụt lở to giữa đường được sửa trong chưa đầy 1 tuần. Thậm chí tại Mỹ cách đây 100 năm, tòa nhà Empire State Building được xây trong 410 ngày.
Trong khi đó, nước Mỹ ngày nay phải tốn nhiều năm để hoàn thành các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Hàng loạt những tòa nhà bị xây dở dang và để đó trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, thậm chí bị bỏ hoang. Những công trình tàu điện ngầm thì tốn hàng thập niên.
Trong mảng tư nhân, năng suất xây dựng của các công ty Mỹ cũng đã giảm mạnh trong những thập niên gần đây.
Rõ ràng, chi phí xây dựng tại Mỹ cao không phải do những nguyên nhân khác ngoài sự thiếu hiệu quả trong lao động, quản lý cũng như sự kém hiệu quả của chính phủ trong đấu thầu cũng như ban hành cá quy định đi kèm.
Cũng tương tự như mảng giáo dục, y tế hay đầu tư tài chính của Mỹ, người dân nước này đang bơm cả đống tiền đầu tư trong nhiều năm mà không nhận thấy rằng hiệu quả đem lại chẳng bao nhiêu. Năm 2008, tổng chi phí xây dựng các đường ống dẫn khí ga và đường cao tốc tại Mỹ đạt 197 tỷ USD, trong khi số tiền thuế ga và phí cầu đường thu về chỉ đạt 122 tỷ USD.
Để cải thiện tình hình này, Mỹ cần một cuộc điều tra cải tổ toàn diện về cơ cấu ngành xây dựng. Tuy nhiên những mối quan hệ lợi ích chồng chéo đang ngăn cản các nhà hoạch định chính sách. Vào tháng 5 vừa qua, văn phòng kiểm toán chính phủ (GAO) đang có ý định điều tra về chi phí xây dựng các dự án đường cao tốc đã bị Nghị viện bác bỏ mà không có bất kỳ lời giải thích nào được đưa ra.
Các chỉ số Phố Wall tăng kỷ lục sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm
Ngày 2/6 (giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Mỹ có phiên tăng điểm do giới đầu tư tỏ ra phấn khích trước báo cáo thể hiện việc làm khu vực tư nhân tăng cao trong tháng 5 và hoạt động sản xuất vượt qua kỳ vọng của thị trường.