Xuất khẩu Tết Việt

Từ khoảng mười ngày nay, chúng tôi đã thấy các gian hàng chào mừng “Năm mới Trung Hoa” (Chinese New Year - Nouvel An Chinois) ở các siêu thị của Pháp.

17:17 10/02/2024

Nhiều năm qua, mỗi dịp Tết Nguyên đán, các hệ thống siêu thị lớn của Pháp đều tổ chức tuần lễ bán hàng theo chủ đề như thế này. Sự kiện không chỉ thu hút cộng đồng người gốc châu Á mà còn đông đảo khách hàng đủ mọi gốc gác. Các sản phẩm đa phần đến từ Trung Quốc hoặc các nhà cung cấp có liên quan. Nhiều người mà chúng tôi biết cũng hào hứng sử dụng các sản phẩm của Trung Quốc vào những ngày Tết như thế này. Tôi thường nghĩ tới mối liên hệ giữa cái tên gọi và cơ hội bán hàng, và tiếc cho các nhà cung cấp Việt Nam.

Lần đầu tiên đến Pháp cách đây gần hai mươi năm, tôi đã ngạc nhiên khi thấy người Pháp đánh đồng Tết Nguyên đán như là dịp năm mới của riêng một dân tộc, trong khi nó được nhiều quốc gia ở châu Á cùng tổ chức như , Hàn Quốc, Triều Tiên, Singapore, Malaysia, Mông Cổ. Sự nhầm lẫn này do nhiều nguyên nhân, trong đó một phần là kết quả của những hoạt động liên tục nhằm mục đích kép truyền bá văn hóa và xúc tiến thương mại. Nhiều hội nhóm trao đổi văn hóa của Trung Quốc đều đặn thực hiện các sự kiện vui chơi hàng năm ở khắp các địa phương và dần dần họ trở nên "quen mặt" với người dân, tạo dấu ấn và từng bước đi vào thói quen mua sắm của người dân. Cách thức này khá dàn trải nhưng lại đi sâu vào địa phương với các hoạt động hết sức đơn giản, ít tốn kém, thích hợp với người châu Âu vốn thích tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời đơn giản vào cuối tuần.

Tùy vào sản phẩm và đối tượng khách hàng, người Pháp hay người Đức cũng có cách riêng để giới thiệu đặc sản của mình ra nước ngoài.

Người Pháp thích quảng bá sản phẩm theo hướng bài bản, chính quy hay sang trọng. Rượu vang của họ thu về hơn mười bảy tỷ euro nhờ xuất khẩu vào năm 2022 và được cho là còn cao hơn thế năm 2023. Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đã tạo được tiếng vang khi sự kiện thường niên Octoberfest của họ không chỉ dừng ở Hà Nội hay TP HCM nữa mà đã bắt đầu đến Đà Nẵng từ 2023. Với hơn mười nghìn lượt người tham dự mỗi năm, sự kiện không chỉ là ngày hội quảng bá văn hóa mà còn là một cơ hội bán hàng hay xúc tiến thương mại với sản phẩm là các loại bia Đức. Thực tế ngành công nghiệp sản xuất bia của Đức xuất khẩu đạt hơn hai nghìn tỷ USD trong năm 2022 và chiếm phân nửa GDP của nước này.

Trở lại câu chuyện ngày Tết ở quê nhà, rất nhiều ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam hàng năm vẫn trông chờ vào Tết để bán thêm được nhiều hàng. Tết cũng là mùa kinh doanh lớn nhất với sức mua sắm của người dân trong nước tăng vọt. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tình hình kinh tế năm qua khó khăn khiến sức mua chung có phần chững lại vào dịp Tết. Ngoại trừ các sản phẩm lương thực thiết yếu, những mặt hàng khác liên quan thời trang, trang trí hay quà tặng tiêu thụ khá chậm. Chợt nghĩ tới sự nhanh nhẹn của những người buôn cây kiểng ngày Tết với hành trình ngược của những cây đào - đặc trưng Tết miền Bắc - vào Nam và những cây mai - đặc trưng Tết miền Nam - ra Bắc trong những năm gần đây, tôi tự hỏi về khả năng xuất khẩu Tết Việt Nam ra trời Âu.

Xúc tiến thương mại bằng các sự kiện rầm rộ có thể tốn kém, khó diễn ra thường xuyên cũng như đòi hỏi nguồn nhân lực tổ chức dồi dào. Hiện nay các hoạt động như trên ở nước ngoài chỉ được tổ chức hoặc bảo trợ bởi các cơ quan ngoại giao và thường giới hạn trong phạm vi thủ đô của các nước. Khả năng lan tỏa thương hiệu của văn hóa ở các nước vì vậy mà khá hạn chế. Như hệ quả tất yếu, thương hiệu của sản phẩm cũng vẫn còn lạ lẫm với người dân địa phương ở các nước ấy. sử dụng chính sách "nhân dân" từ quốc phòng cho đến ngoại giao, nhưng "nhân dân" của nước ngoài chưa được tận dụng. Một mình Việt Nam có thể chưa đủ sức lan tỏa thương hiệu Tết đến với người dân bản xứ, nhưng với sự kết hợp với những nước bạn bè chia sẻ cùng giá trị ngày Tết Nguyên đán như Hàn Quốc hay Singapore có thể là một ý nghĩ không phải bất khả thi.

Ngày Tết đến ở trời Âu, nhận được những lời chúc mừng của người dân bản địa, tôi luôn nghĩ tới một ngày, Việt Nam có thể xuất khẩu Tết - cả về văn hóa lẫn hàng hóa - để người sản xuất trong nước có thêm thị trường, và cộng đồng người Việt tại nước ngoài lại có thêm niềm tự hào.

Võ Nhật Vinh

Tags:
Quang Lê lại mua nhà mới cả nghìn m2 tại Mỹ, sửa mất hơn 100 nghìn đô, rủ Mai Thiên Vân về ở chung

Quang Lê lại mua nhà mới cả nghìn m2 tại Mỹ, sửa mất hơn 100 nghìn đô, rủ Mai Thiên Vân về ở chung

Quang Lê chỉ từng phòng cho Thúy Nga và Mai Thiên Vân ở sau này, mỗi người một phòng, rộng rãi, đầy đủ nội thất.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất