Ý đồ của Trump khi chê máy phóng điện từ trên tàu sân bay

Việc ông Trump yêu cầu dỡ bỏ máy phóng điện từ trên tàu sân bay Mỹ có thể là "đòn gió" để hối thúc hải quân Mỹ nhanh chóng khắc phục lỗi công nghệ.

16:43 14/05/2017

 Thử nghiệm máy phóng điện từ trên siêu tàu sân bay Mỹ

Nhiều tháng sau khi đe dọa hủy chương trình F-35, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gây tranh cãi khi tiết lộ đã ra lệnh cho hải quân Mỹ tháo dỡ hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) trên siêu tàu sân bay USS Gerald R.Ford. Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra hoài nghi về động thái này, theo Popular Mechanic.

Theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami, máy phóng trên tàu sân bay có lịch sử hoạt động hơn 100 năm, giúp khắc phục vấn đề đường băng ngắn. Tàu sân bay hiện đại có đường băng dài chưa đến 91 m, chỉ bằng 1/8 chiều dài đường băng thông thường. Máy phóng có thể giúp phi cơ tăng tốc đột ngột từ 0 lên 273 km/h chỉ trong vòng hai giây.

Tàu sân bay hạt nhân sử dụng máy phóng hơi nước, lấy nguồn từ tuabin chạy bằng năng lượng hạt nhân đến hệ thống phóng. Phương pháp này đã được kiểm chứng và cho thấy sự hiệu quả. Tuy không mất nhiều công sức bảo dưỡng, máy phóng hơi nước tỏ ra nguy hiểm, cũng như kém linh hoạt khi phải vận hành nhiều loại phi cơ khác nhau.

EMALS được thiết kế để nhận năng lượng trực tiếp từ tuabin, sử dụng dòng điện để tạo ra từ trường mạnh, đẩy móc kéo gắn với máy bay di chuyển trên đường băng. Hệ thống này được cho là dễ vận hành, có thể phóng nhiều máy bay hơn trong cùng một đơn vị thời gian so với máy phóng hơi nước.

y-do-cua-trump-khi-che-may-phong-dien-tu-tren-tau-san-bay

Một phần hệ thống EMALS trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford. Ảnh: Naval Today.

Tuy nhiên, hệ thống này gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, là một trong những nguyên nhân khiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford bị chậm biên chế 3 năm so với kế hoạch. Hồi năm 2015, EMALS thất bại trong lần thử nghiệm công khai đầu tiên trên tàu sân bay Ford. Quan chức hải quân Mỹ lo lắng đến mức cân nhắc việc sử dụng phóng hơi nước cho hai tàu sân bay lớp Ford khác là USS John F. Kennedy và USS Enterprise.

Khó có thể hiểu dụng ý của ông Trump khi đòi dỡ bỏ EMALS. Dường như Tổng thống Trump muốn thể hiện mong muốn trang bị máy phóng hơi nước cho siêu tàu sân bay USS John F. Kennedy và USS Enterprise, hoặc tái trang bị hệ thống này cho tàu Ford.

Tuy nhiên, việc tích hợp hệ thống phóng hơi nước đòi hỏi thay đổi lại hầu hết nội thất của tàu. Siêu tàu sân bay lớp Ford không có ống dẫn hơi nước từ các tuabin khí đến máy phóng. Nhà máy đóng tàu Huntington Ingalls sẽ phải dỡ bỏ hàng km cáp điện trong tàu và lắp đặt mạng lưới ống dẫn khí phức tạp.

Họ cũng phải tháo dỡ EMALS nhỏ nhẹ hơn máy phóng hơi nước. Việc này buộc hải quân Mỹ phải thiết kế lại không gian bên trong và trên boong tàu để có chỗ bố trí hệ thống cũ.

y-do-cua-trump-khi-che-may-phong-dien-tu-tren-tau-san-bay-1

Tiêm kích EA-18G cất cánh bằng máy phóng hơi nước. Ảnh: USNI.

Việc tái trang bị máy phóng hơi nước cho tàu sân bay lớp Ford sẽ tốn đến hàng tỷ USD trong bối cảnh USS Gerald R. Ford đã trở thành chiến hạm đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ. Chi phí đóng đạt mức gần 13 tỷ USD, chưa kể 4,7 tỷ USD nghiên cứu và phát triển. Việc hoán cải sẽ khiến nó phải trở lại nhà máy trong ít nhất 1-2 năm, chỉ hai tuần sau khi được biên chế.

EMALS là công nghệ chín ép, được đưa vào biên chế quá vội vàng, dù nguyên lý cơ bản của nó rất đúng đắn. Công nghệ mới này sẽ phát huy hiệu quả với chi phí rẻ hơn, tốn ít thời gian hơn so với tích hợp lại công nghệ cũ.

Tàu sân bay cần chứng tỏ được sự tin cậy. Nếu không có hệ thống phóng máy bay, chúng sẽ hoàn toàn vô dụng. Có lẽ ông Trump chỉ đang tỏ ý muốn hải quân Mỹ khắc phục lỗi, hơn là tháo bỏ EMALS để thay thế bằng máy phóng hơi nước, chuyên gia Mizokami nhận định.

4 việc bạn làm phá hỏng tương lai của con mà không nhận ra

4 việc bạn làm phá hỏng tương lai của con mà không nhận ra

So sánh các con với nhau, làm tấm gương xấu trước mặt con, không công bằng khi áp dụng các hình phạt...

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất