2 du học sinh Việt ở Mỹ: Khởi nghiệp đừng sợ đang đi trái dư luận

Chỉ từ 3.000 USD đầu tiên – khoảng hơn 60 triệu đồng – Đồng Đức Trọng và Phạm Tuyết Ngân, hai du học sinh VN ở Mỹ khởi nghiệp với cty công nghệ tuyển dụng tại thung lũng Silicon (Silicon Valley, Mỹ).

09:30 27/03/2019

Vợ chồng Trọng, Ngân (trái) cùng công ty của mình tại hội chợ công nghệ ở Mỹ vào tháng 6/2018

Tại sao chỉ từ 3.000 USD mà không phải con số lớn hơn? Đồng Đức Trọng cho biết đó là con số được National Science Foundation trao tặng cho dự án, sau khi chứng minh được mình có khách hàng, mô hình kinh doanh khả thi và dự án có khả năng vươn xa.

“Là dân công nghệ, nhưng tôi không bắt tay khởi nghiệp bằng việc ngồi viết lập trình sản phẩm mà trước tiên tôi đi tìm khách hàng. Từ đó, vợ chồng chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với hơn 30 công ty, tập đoàn… và nắm bắt được vấn đề họ đang khó khăn trong cách tuyển dụng. Tại Mỹ và nhiều quốc gia phát triển, tuyển dụng là cuộc chiến. Ai tuyển dụng được nhân tài nhanh nhất, đó là người chiến thắng. Từ đó, Rakuna của chúng tôi ra đời, chính những “ông lớn” từng được chúng tôi phỏng vấn như Best Buy, RSM là những vị khách đầu tiên”, Trọng nhớ lại.

Tại Việt Nam điều hành công ty ở thung lũng Silicon

Chàng trai 30 tuổi mở chiếc điện thoại thông minh, anh đưa ra cho tôi xem ứng dụng Rakuna. Chỉ sau một vài thao tác trên màn hình: chụp ảnh hồ sơ, trả lời câu hỏi phỏng vấn – hệ thống thông báo dữ liệu đã được lưu và bộ phận tuyển dụng đã nắm được thông tin của tôi.

Chân dung nhà khởi nghiệp 30 tuổi

Hệ thống gửi ra email cám ơn, tin nhắn xác nhận, và hồ sơ ứng viên lập tức được chuyển sang bước tiếp trong quy trình tuyển dụng. “So với cách chúng ta gửi hồ sơ, hỏi đáp ghi chép trên giấy như cách làm truyền thống, ứng dụng công nghệ này cho phép việc giảm 30% thời gian cho người tuyển dụng, tiết kiệm chi phí và tăng trải nghiệm cho cả ứng viên và công ty tuyển dụng”, Trọng hồ hởi.

Hiện tại, công ty Rakuna do vợ chồng Trọng sáng lập có trụ sở tại thung lũng Silicon, Mỹ, bộ máy nhân sự với khoảng 15 người trẻ Việt Nam đều làm việc ở Hà Nội, TP.HCM và Mỹ. Trọng nói: “Một năm sau khi công ty thành lập, năm 2016 chúng tôi về lại Việt Nam, tuy nhiên khách hàng vẫn đang là những công ty, tập đoàn tại Mỹ, Canada. Họ có nhu cầu thực sự và sẵn sàng chi trả cho sản phẩm. Nói vui thì giống như kiếm tiền đô và tiêu tiền đồng, việc khởi nghiệp của chúng tôi có những lợi thế riêng”.

Từng đi rửa xoong nồi ở trường đại học Mỹ

Đồng Đức Trọng tốt nghiệp cấp 3 tại Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, anh đi du học diện tự túc ngành quản lý hệ thống thông tin tại Iowa State University of Materials Science & Engineering. Từng là một học sinh khá nghịch ngợm và yếu tiếng Anh, Trọng cho biết khi học đại học, anh lựa chọn một nơi xa trung tâm phố thị, có càng ít bạn Việt Nam càng tốt để có trải nghiệm hoàn toàn trong môi trường thuần bản địa.

Năm đầu tiên, Trọng xin làm công việc dọn chuồng ngựa nhưng không được chấp nhận vì nhẹ cân và quá bé, anh từng bị từ chối cả công việc rửa chén bát trong căn tin đại học. Cuối cùng phải tới kỳ nghỉ lễ – khi học sinh nghỉ học chơi Giáng sinh – anh mới được nhận việc rửa xoong nồi – với 7 USD một giờ, bắt đầu từ 5 sáng mỗi ngày.

“Tôi từng hoang mang khi mình không hiểu các bạn trong ký túc xá nói chuyện gì. Tôi rút ra bài học, hãy cứ ngồi lỳ ở đó và mỉm cười lắng nghe để cho họ thoải mái trao đổi, sau đó tôi về sẽ hỏi bạn cùng phòng, tra thông tin tìm hiểu. Đó là cách tôi chọn để học ngoài sách vở”, Trọng hồi tưởng.

Chăm chỉ, cầu tiến, Trọng tiến bộ từng ngày và sau 2 năm được nhận vào làm quản lý ký túc xá. Năm 2009, dù khủng hoảng kinh tế tràn lan, Trọng trúng tuyển thực tập 12 tuần tại tập đoàn Boston Scientific, sau đó được mời làm việc tại tập đoàn này. Nơi này cũng tạo điều kiện tài trợ kinh phí để Trọng học tiếp thạc sĩ công nghệ y sinh tại Trường đại học Minnesota, anh vừa đi học full-time, vừa đi làm full-time, một ngày bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi đã quá nửa đêm. Minnesota cũng là cơ duyên để Trọng gặp được người bạn gái Phạm Tuyết Ngân (cô gái 9X từng làm việc tại công ty kiểm toán Ernst & Young; tập đoàn công nghệ thanh toán VISA tại Silicon Valley) sau này trở thành vợ và đồng sáng lập công ty với anh vào năm 2015.

Hai vợ chồng cùng khởi nghiệp thì khó khăn nhất là gì? Chúng tôi hỏi Trọng. Ông bố của một cô con gái 3 tuổi và cậu con trai 3 tháng tuổi, chia sẻ: “Sẽ có những tranh cãi, nhưng quan trọng tôi hiểu ra rằng mình đang may mắn có một người luôn lùi lại phía sau kiểm soát giúp mình những rủi ro và nói cho mình những điều cần khắc phục để công việc thành công hơn. Hơn thế nữa, chúng tôi may mắn có các bé con khoẻ mạnh – mỗi đứa thực sự là một công ty khởi nghiệp. Tôi có hai. Và điều đó làm tôi giàu”.

Nguồn: moitruongvadothi.vn

Tags:
Phú nhị đại ngông cuồng, giàu có nhất Trung Quốc: Thấp bé vẫn 'yêu' toàn minh tinh nóng bỏng và thói ăn chơi vô lối

Phú nhị đại ngông cuồng, giàu có nhất Trung Quốc: Thấp bé vẫn 'yêu' toàn minh tinh nóng bỏng và thói ăn chơi vô lối

Tình sử của Vương Thước khiến người khác phải ngỡ ngàng với những cái tên nóng bỏng nhất làng giải trí Hoa ngữ như Châu Tấn, Phạm Băng Băng, Thang Duy, Lý Tiểu Lộ...

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất