Báo cáo LHQ 2019: Sự sống trên Trái đất có nguy cơ hủy diệt hoàn toàn

Từ ngày 29/4 đến ngày 4/5/2019, tại Paris đã diễn ra phiên họp thứ 7 của Hội nghị toàn thể nhóm chuyên gia Liên hợp quốc về Nền tảng Chính sách và Khoa học liên Chính phủ về Đa dạng Sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES). Tại phiên họp, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo: sự sống trên Trái đất đang đối diện nguy cơ hủy diệt hoàn toàn sự sống lần thứ 6.

21:00 30/06/2019

Tại hội nghị toàn thể lần thứ 7 của nhóm IPBES (Intergovernmental Science-Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem Services) ở Paris, lần đầu tiên báo cáo Đa dạng Sinh học toàn cầu đã được thảo luận. Nhóm IPBES đã công bố một báo cáo khoảng 1700 trang cho thấy đa dạng sinh học của Trái đất đang bị hủy diệt với tốc độ khủng khiếp và nguy cơ diệt vong nhanh chóng của các giống nòi, trong đó có con người, mà nhiều nhà khoa học gọi đó là cuộc Đại diệt chủng sinh học lần thứ 6. (Các nhà khoa học cho rằng 5 cuộc Đại diệt chủng trong quá khứ đã diễn ra vào 445 triệu năm trước, 375 triệu năm trước, 250 triệu năm trước, 200 triệu năm trước và 65 triệu năm trước, đều do các thảm họa thiên nhiên).

Cách tiếp cận mới của khoa học quốc tế về Đa dạng sinh học

Điểm đáng chú ý là cách tiếp cận của IPBES tập trung vào vấn đề “các dịch vụ sinh thái” mà Thiên nhiên cung cấp cho con người. Theo ông Robert Watson, lãnh đạo IPBES, “cho đến nay, chúng ta chủ yếu chỉ nói đến Đa dạng Sinh học từ quan điểm môi trường”, còn “giờ đây, chúng ta nhấn mạnh đến việc Thiên nhiên có ý nghĩa vô cùng hệ trọng đối với việc sản xuất thực phẩm, nước sạch, đối với dược phẩm, cũng như sự đoàn kết của các xã hội”. Điều đó có nghĩa là sức khỏe của Thiên nhiên nói chung, hay các loài động thực vật sống trên hành tinh này nói riêng, liên quan trực tiếp đến vận mệnh của nhân loại.

Cuộc đại diệt chủng lần thứ 6 đã bắt đầu?

Báo cáo 1700 trang của nhóm IPBES là kết quả 3 năm làm việc của hơn 150 nhà nghiên cứu từ khoảng 50 quốc gia cùng các đóng góp của 250 chuyên gia khác trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kinh tế – xã hội. Báo cáo đã cho thấy trong hơn 50 năm qua, con người đã huỷ diệt đa dạng sinh học của Trái đất với tốc độ chưa từng có.

Một số thông điệp chính của báo cáo:

Thiên nhiên và những đóng góp quan trọng của nó cho con người, cùng nhau thể hiện các chức năng và dịch vụ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, đang xấu đi trên toàn thế giới. Tốc độ thay đổi tự nhiên toàn cầu trong 50 năm qua là chưa từng có trong lịch sử loài người:

Một nửa trong số những loài động, thực vật được biết tới – khoảng một triệu loài – đã biến mất hoặc sẽ biến mất hoàn toàn khỏi trái đất trong thời gian ngắn tới. Những khu rừng tự nhiên giảm đi và biến mất, hệ thống sinh thái thay đổi dẫn tới khí hậu thay đổi; khí, chất độc ngày càng nhiều, nên chỉ trong khoảng 30 năm tới, con người sẽ có thể nhìn thấy những hậu quả của việc đó ở khắp nơi.

Báo cáo Liên Hợp quốc 2019: Đa dạng sinh học trên Trái đất có nguy cơ tuyệt diệt
Đa dạng sinh học của trái đất đang suy giảm với tốc độ chưa từng có (ảnh: IPBES, Việt hoá bởi TTVN)

Con người tàn phá trái đất chủ yếu trong 50 năm vừa qua, dẫn tới việc phá vỡ hoàn toàn hệ thống sinh thái, trong khi dân số thế giới tăng gấp đôi, lên tới 7,53 tỷ người, kinh tế tăng gấp 4, và buôn bán tăng gấp 10 lần.

Những hoạt động của con người dẫn tới thảm họa môi trường chủ yếu là: săn bắt thú tự nhiên vô tội vạ, phá rừng, đánh cá kiểu tận diệt… dẫn tới thay đổi khí hậu, nhiễm độc nguồn nước và sự xâm lấn của các loài độc hại.

Báo cáo Liên Hợp quốc 2019: Đa dạng sinh học trên Trái đất có nguy cơ tuyệt diệt
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ năm 1970 và tác động của nó đối với môi trường (ảnh: IPBES, Việt hoá bởi TTVN)

Càng ngày càng ít rừng và đất tự nhiên, con người chiếm tới 1/3 diện tích đất trên toàn thế giới và 75% nguồn nước ngọt để phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nguyên liệu làm quần áo và sản xuất. Trong khi đó, diện tích xây dựng đô thị từ năm 1992 tới 2018 đã tăng 100% cùng với khoảng 100.000.000 hecta rừng bị chặt hạ. Phân hóa học, hóa chất ngấm vào đất, khiến cây cối không thể mọc được, cũng không thể phục hồi ở khoảng 400 nơi, tổng diện tích tương đương 245.000 km2 (80% diện tích Việt Nam).

“Khoảng 12 triệu hecta rừng nhiệt đới bị mất đi trong năm 2018, với tốc độ bằng 30 sân bóng đá mỗi phút.”

Thú hoang ngày càng ít, khoảng 20% các loài thú đã biến mất so với đầu thế kỷ 20. Đặc biệt là ở các khu rừng nhiệt đới, chim chóc và côn trùng hầu như biến mất hoàn toàn. 40% các loại ếch, nhái, 1/3 số lượng san hô, cá mập hay động vật biển đã không còn. 10% loài côn trùng cũng chung số phận. Nếu không còn côn trùng thì không còn ai thụ phấn hoa, cây cối không kết trái được, hệ thống sinh thái bị phá vỡ và dẫn tới diệt vong.

Nguồn nước ngày càng bẩn. Có khoảng 400 triệu tấn kim loại nặng đang hòa tan trong nước, chưa kể các hóa chất hữu cơ khác, được tạo ra bởi con người.

Từ năm 1980 đến nay, sự ô nhiễm môi trường bởi nhựa phế thải đã tăng lên 10 lần. Hàng năm, loài người sản xuất ra khoảng 300 triệu tấn nhựa, trong đó chỉ có 5% là được tái chế đúng.

(Ảnh: Lekima Hùng thực hiện cho album “Hãy cứu biển – SOS – Save our Seas.”)

Tất cả những điều này khiến cho IPBES khẳng định: “Tỷ lệ tuyệt chủng loài đang tăng tốc chưa từng thấy”

Hậu quả đã không thể vãn hồi? 

Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) cuối năm 2018 đã đưa ra con số vô cùng đáng sợ: số lượng động vật có vú đã sụt giảm đến 60% từ năm 1970.

Báo cáo của IPBES chỉ ra rằng:

“Sự suy giảm nhanh chóng và liên tục trong đa dạng sinh học và các chức năng của hệ sinh thái đóng góp cho [cuộc sống] con người sẽ khiến cho hầu hết các chương trình về xã hội và môi trường quốc tế như Mục tiêu Đa dạng Sinh học Aichi và Kế hoạch Phát triển Bền vững 2030 sẽ không đạt được mục tiêu theo tình hình hiện nay.”

Báo cáo kết luận rằng “xã hội cần chuyển từ một trọng tâm duy nhất theo đuổi tăng trưởng kinh tế“ sang trọng tâm chính là bảo vệ môi trường sống của chúng ta.  Báo cáo kêu gọi các nước bắt đầu tập trung vào “phục hồi môi trường sống, trồng lương thực trên ít đất, ngừng khai thác bất hợp pháp và đánh cá, bảo vệ các vùng biển và ngăn chặn dòng chảy của kim loại nặng và nước thải vào môi trường.” Báo cáo cũng kiến nghị rằng các quốc gia cần giảm trợ cấp cho các ngành có hại cho tự nhiên, và tăng trợ cấp và tài trợ cho các chương trình có lợi cho môi trường.

Kết thúc hội nghị tại Paris, ngày 6/0/2019, đại diện các nước đã phải thông qua một văn bản đồng thuận, dài 39 trang, tổng hợp các thông điệp chính. Cho dù không mang tính “cưỡng chế”, văn bản mang tính chính trị này sẽ là cơ sở định hướng đàm phán trong các bước tiếp theo.

Theo Bộ Ngoại giao Pháp, văn bản này là “một báo động ở cấp tối đa, báo động đỏ”. Bởi, nếu không có các hành động quyết liệt, cuộc Đại diệt chủng của các giống loài lần thứ 6 sẽ diễn ra chỉ trong vòng vài thập niên tới. Và khác với các lần trước, lần này “thủ phạm” của cuộc Đại diệt chủng chính là một trong các loài sinh vật trên Trái đất: Con người.

Thiện Tâm tổng hợp

Tags:
Thanh niên học thạc sĩ ở Mỹ về Việt Nam phải chạy thêm xe ôm kiếm sống

Thanh niên học thạc sĩ ở Mỹ về Việt Nam phải chạy thêm xe ôm kiếm sống

Người sử dụng mang xã hội tại Việt Nam đang chia sẻ một bài trên báo Thanh Niên về anh Phạm Quốc Thái, 26 tuổi, một trong sáu người được chọn đưa đi Mỹ học thạc sĩ theo đề án “Đô Thị Thông Minh”.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất