Bí quyết dạy con thành triệu phú trên đất Mỹ của bà mẹ nghèo

Gần đây, một bà mẹ nghèo gốc Hoa ở Mỹ đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông Mỹ khi nuôi dạy 3 con trở thành những người thành đạt. Trong đó, hai cậu con trai trở thành triệu phú, còn cậu con trai út ‘ít nổi bật nhất’ cũng trở thành một kỹ sư phần mềm xuất sắc. Vậy bí quyết ở đây là gì? Câu trả lời thật vô cùng bất ngờ.

15:22 14/08/2023

Làm việc nhà ngay từ khi còn nhỏ

Người mẹ gốc Hoa này tên thường gọi là J, bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Malaysia, bố mẹ đều là nông dân. Năm 17 tuổi, bà nhập cư vào Hoa Kỳ với vốn tiếng Anh bập bẹ và không có bằng cấp hay tiền bạc trong tay.

Khi mới đến Hoa Kỳ, bà J phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người. Vì bà là người ham học hỏi nên về sau, bà đã được nhận vào một trường cao đẳng cộng đồng với học phí rẻ trong 2 năm và chuyển tiếp lên học tại Đại học Washington, nơi bà đã tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân Vật lý và thạc sĩ Khoa học Máy tính. Sau khi tốt nghiệp, bà bắt đầu làm việc cho Tập đoàn Digital Equipment Corp. Sau một vài năm, bà chuyển sang làm môi giới bất động sản.

Bà có ba con trai, con trai cả Justin Kan đã tốt nghiệp ĐH Yale, chuyên ngành Vật lý và Tâm lý học. Anh chính là người sáng lập Twitch – startup đình đám được Amazon mua lại với giá 970 triệu USD vào năm 2014.

Con trai thứ hai, Daniel Kan đã thành lập Cruise – một startup phát triển xe tự lái. Năm 2016, General Motors đã mua lại Cruise với hơn 1 tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu.

Con trai út Damien Kan cũng đã trở thành một kỹ sư phần mềm xuất sắc tại Alto Pharmacy.

Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, anh em nhà Kan đã nói với mọi người rằng chính “Luật giáo dục việc nhà” của mẹ đã dạy họ cách thành lập và quản lý một công ty.

Ảnh Giáng sinh của gia đình bà J chụp năm 2014 (Ảnh: entrepreneur.com)

Sau khi bà J chuyển sang làm bất động sản, bà phải mua nhà rồi cho thuê. Vào cuối tuần, bà thường phải tới sửa chữa những căn nhà cho thuê đã đổ nát và đồ đạc trong đó, sau đó cho thuê hoặc bán lại.

Vì vậy, mỗi cuối tuần, bà đưa ba cậu con trai của mình tới đây làm những công việc như sơn nhà, sửa bàn ghế, dọn dẹp… cho đến các công việc văn phòng như nhập dữ liệu,…

Justin nói: “Làm việc giúp mẹ áp lực rất lớn cũng rất khổ. Tôi sẽ vĩnh viễn không bao giờ quên. Khi chúng tôi phàn nàn trong khi dọn dẹp, mẹ sẽ nói với chúng tôi: ‘Con nghĩ như thế này là vất vả sao? Con sẽ chẳng tồn tại nổi 1 ngày nếu ở nơi mẹ đã từng sống!'”

Mẹ cũng nói với chúng tôi rằng cuộc sống có những khó khăn ở một mức độ nào đó, nhưng cũng mang lại những giá trị tốt đẹp, và bạn phải chấp nhận chung sống giữa cái tốt và cái xấu. Nếu không có những khó khăn, thì những điều tốt đẹp sẽ trở nên vô nghĩa.

Không chỉ khuyến khích các con làm việc nhà, cách phân công việc nhà của bà mẹ này cũng rất đặc biệt.

Gia đình có ba cậu con trai nhưng bà không giao nhiệm vụ cho từng người riêng lẻ như những ông bố bà mẹ khác. Thay vào đó, bà chỉ lập một “danh sách việc nhà” và để ba cậu con trai tự thương lượng và lựa chọn việc cần làm.

Hơn nữa, chỉ cần không hoàn thành công việc nhà trong danh sách, cả ba cậu đều không được phép chơi điện tử.

Justin nói: “Tất cả chúng tôi đều nghĩ điều này là không công bằng, nhưng điều quan trọng là làm việc nhà đã dạy chúng tôi rất nhiều. Nó khiến chúng tôi thay đổi từ ‘chỉ nghĩ cho bản thân’ sang ‘hiểu rõ trách nhiệm của mình’, và nó cũng khiến chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi là một đội”.

Chẳng bao lâu, làm việc nhà đã trở thành ‘tổ chức một nhóm để hoàn thành một nhiệm vụ’, cùng làm việc, hiểu đặc điểm của từng người, phân công công việc, kiểm soát tình hình, tính toán khối lượng công việc của nhau… Những khóa đào tạo này tiếp tục nâng cao khả năng thực hành của ba anh em.

Justin cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi nghĩ làm việc nhà và thành lập công ty thực ra giống nhau. Trong bất kỳ công ty khởi nghiệp nào, mọi người đều giống như ngồi trên cùng một con thuyền. Ai làm gì không quan trọng. Chúng ta cần làm tốt một số việc cụ thể để thành công. Nếu chúng ta thành công, thì mọi người đều thắng. Nếu chúng ta không thành công, mọi người sẽ đều là kẻ thua cuộc”.

Chính phương pháp giáo dục của mẹ đã dạy ba anh em cách làm việc nhóm và cũng dạy họ cách đặt mục tiêu.

Trong cuộc sống, ba anh em gọi mẹ là “mẹ hổ”, nhưng họ cũng nói rằng bà không phải là mẹ hổ theo nghĩa tiêu cực.

Mẹ ‘hổ’ ở đây là ý nói bà đưa ra ‘yêu cầu rất cao’, nhưng phương pháp khích lệ con cái của bà không phải là trừng phạt, bà không thích trừng phạt trẻ nhỏ. Thay vào đó, bà thường đặt ra các tiêu chuẩn cao để động viên bọn trẻ, và sau đó tự mình làm gương.

Justin nói: “Mẹ luôn nói với chúng tôi rằng: Con phải cố gắng hết sức trong mọi việc mình làm… Cho đến ngày hôm nay, tôi thực sự có thể đánh giá cao những thành quả của mình bởi vì tôi có thể nói với bản thân rằng, tôi đã giành được những thành quả này bằng chính sự chăm chỉ của mình. Nếu tôi không làm việc chăm chỉ, tôi sẽ không có được như ngày hôm nay, đây là điều tôi học được từ mẹ của mình. Đây là điều làm cho cuộc sống có giá trị”.

Giá trị của làm việc nhà có thể lớn hơn nhiều so với bạn nghĩ

Năm 2002, Marty Rossmann, một giáo sư chuyên nghiên cứu về giáo dục gia đình tại Đại học Minnesota, đã công bố một kết quả nghiên cứu gây chấn động cộng đồng giáo dục: Cha mẹ khuyến khích con cái làm việc nhà có thể tạo ra một ảnh hưởng tích cực cực kỳ quan trọng đến tương lai của trẻ – trau dồi ý thức trách nhiệm của trẻ, để trẻ học cách nghĩ cho người khác và học cách quan tâm đến người khác bằng sự đồng cảm.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi trẻ em phát hiện ra rằng chúng có thể đóng góp có ý nghĩa cho gia đình, chúng sẽ cảm nhận được mức độ hạnh phúc sâu sắc từ trái tim. Về lâu dài, nếu trẻ tích cực làm việc nhà từ khi còn học tiểu học, điều này cũng có thể làm cho những đứa trẻ có một cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn khi trưởng thành. 

Năm 2007, một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố đã chỉ ra rằng chia sẻ công việc nhà là một trong ba yếu tố chính để đo lường sự hài lòng trong hôn nhân. Một nghiên cứu năm 2013 về các vấn đề gia đình ở Mỹ cũng cho thấy những cặp vợ chồng biết chia sẻ việc nhà với nhau sẽ có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và lâu bền hơn.

Tuy nhiên, tình hình thực tế hiện nay có thể rất đáng lo ngại, nhà tâm lý học phát triển người Mỹ Richard Rende từng nói:

Các bậc cha mẹ ngày nay muốn con cái dành thời gian cho những việc có thể mang lại thành công cho chúng. Tuy nhiên, trớ trêu thay, chúng ta đang từ bỏ một điều đã được chứng minh là có thể dự đoán thành công trong cuộc sống – đó là để trẻ em làm việc nhà ngay từ khi còn nhỏ.

Làm thế nào để rèn luyện thói quen làm việc nhà của trẻ?

Điều quan trọng là bắt đầu càng sớm càng tốt.

Trên thực tế, khi trẻ được 18 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu khuyến khích trẻ tham gia vào các công việc nhà phù hợp. Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng chính ở độ tuổi này, trẻ em tự nhiên có động lực để giúp đỡ người khác lần đầu tiên trong đời. Nếu bạn giỏi quan sát trẻ,  bạn sẽ thấy rằng khi trẻ được khoảng 18 tháng tuổi, khi bạn khó mở cửa hoặc lấy giàn phơi, trẻ có thể ngay lập tức đưa bàn tay nhỏ bé của mình ra và muốn giúp đỡ.

Vào thời điểm này, cha mẹ rất dễ bỏ qua hành động của con mình, do đó ngăn cản sự chớm nở rằng trẻ muốn giúp đỡ người khác và đóng góp cho gia đình của trẻ. Bởi vì trẻ nhỏ thường muốn giúp đỡ nhiều hơn, nhưng phản ứng bản năng của các bậc cha mẹ là đuổi trẻ đi và làm xong việc nhà càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, việc xua đuổi trẻ đã vô tình bỏ qua khoảnh khắc quý giá nhất của cuộc đời.

Yêu cầu trẻ giúp đỡ có thể khiến bạn mất nhiều thời gian rửa bát hơn nhưng lại dễ khiến trẻ nảy sinh niềm đam mê giúp đỡ công việc nhà, và hiệu quả còn tốt hơn nhiều so với khi bạn bắt đầu dạy trẻ ở tuổi vị thành niên.

Xây dựng kế hoạch làm việc nhà theo độ tuổi

Các kế hoạch làm việc nhà theo độ tuổi phổ biến trong các gia đình Mỹ:

Trẻ từ 18 tháng đến 3 tuổi có thể sắp xếp sách vở và đồ chơi, cho quần áo vào giỏ giặt.

Giúp phân loại quần áo và cho vào máy giặt, giúp xếp gọn các đồ vật để lộn xộn trên bàn, giúp lau sạch chất lỏng bị đổ ra ngoài (như cà phê, trà, rượu), tưới nước cho hoa và cho vật nuôi ăn.

Trẻ từ 4 đến 5 tuổi làm các công việc trên, và có thể làm thêm: dọn giường, giúp lấy đồ từ xe vào nhà, giúp sắp xếp thìa đũa trước bữa ăn, giúp làm cỏ ngoài sân, giúp một số công việc đơn giản khi chuẩn bị bữa ăn.

Trẻ từ 6 đến 7 tuổi: tự dọn giường, dùng máy hút bụi để dọn phòng, giữ phòng sạch sẽ gọn gàng, đổ rác, thu dọn đồ giặt, và phân loại đồ giặt.

Trẻ từ 8 đến 9 tuổi: dắt thú cưng đi dạo, làm một số món ăn nhẹ hoặc bữa ăn đơn giản, dọn dẹp nhà vệ sinh, rửa bát và dọn dẹp nhà cửa;

Trẻ từ 10 tuổi trở lên: rửa bát, lau bếp, thay khăn trải giường, lau cửa sổ, làm cỏ sân (dưới sự giám sát của người lớn), dọn dẹp nhà tắm và có thể tự nấu ăn.

Tags:
Hôn lễ “siêu nhỏ” với thông báo thăng chức đặc biệt của cặp đôi Việt trên đất Mỹ

Hôn lễ “siêu nhỏ” với thông báo thăng chức đặc biệt của cặp đôi Việt trên đất Mỹ

Từng có ý định không tổ chức lễ cưới, nhưng Lý Nguyễn và Karen Nguyễn đã “quay xe vào phút thứ 90”.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất